Người dân Israel biểu tình tại quảng trường Rabin, Tel Aviv ngày 6/6. (Nguồn: Anadolu) |
Ngày 28/5, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cam kết sẽ sát nhập một phần khu vực bờ Tây vào ngày 1/7, nga khi đoàn các quan chức Israel và Mỹ hoàn thành việc phân định lãnh thổ theo bản đồ công bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tuy nhiên, động thái này có thể khiến quan hệ Israel–Palestine xấu đi, đồng thời tác động tiêu cực tới tình hính chính trị nội bộ của Israel.
Đầu tiên, tuyên bố của Israel sẽ khiến căng thẳng Israel-Palestine gia tăng. Mới đây, ngày 8/6, Thủ tướng Palestine Mohammed Ishtaye đã cảnh báo có thể ngừng việc công nhận sự tồn tại của Nhà nước Israel nếu Tel Aviv sát nhập một phần vùng đất của Palestine, bởi việc “Israel sát nhập một phần của khu vực bờ Tây, chủ yếu là Thung lũng Jordan, nhằm ngăn cản việc thành lập một nhà nước độc lập của người Palestine”.
Thêm vào đó, phía Palestine đe dọa sẽ giảm lương lực lượng kế toán và cảnh sát, cắt phần lớn ngân sách dành cho dải Gaza và tiến hành xét xử và bắt giữ bất kỳ công dân Israel hay người Arab từ Jerusalem, thay vì trao trả lại cho phía Israel như trước. Thoạt nhìn, những biện pháp này tưởng chừng mang tính “tự huỷ”, song lãnh đạo Palestine cho rằng đây là những hành động mạnh nhưng có thể đảo ngược nhằm bày tỏ thái độ khiến Israel và cộng đồng quốc tế phải nghiêm túc cân nhắc.
Đáng ngại hơn, động thái này có thể gây chia rẽ nội bộ Israel. Ngày 8/6, hàng nghìn người dân Israel và Palestine đã xuống đường biểu tình, mang theo khẩu ngữ “Nói không với sát nhập, không với chiếm đóng và có với hòa bình, dân chủ”, cùng lá cờ của hai bên nhằm phản đối kế hoạch sát nhập bờ Tây. Đây là cuộc biểu tình thứ hai trong chưa đầy một tháng sau tuyên bố nêu trên.
Theo khảo sát của Geneve Initiative trên 600 người dân Israel, 41,7% phản đối sát nhập một phần bờ Tây, tỷ lệ ủng hộ là 32,2%; 48% cho rằng hành động này tác động tiêu cực tới tiến trình hòa bình với Palestine và chỉ 13,8% tin rằng nó sẽ đóng góp theo hướng tích cực. Song chỉ 3,5% cho rằng vấn đề bờ Tây là ưu tiên quốc gia, thấp hơn nhiều so với các vấn đề khác như kinh tế (42,4%), sức khỏe cộng đồng (24,6%) hay an ninh (17,4%). Như vậy, khi dịch Covid-19 chưa được kiểm soát hoàn toàn, việc sát nhập khu bờ Tây không còn là ưu tiên hàng đầu của người dân Israel.
Tuy nhiên, một khi được triển khai, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nỗ lực chống dịch của Israel. Sau thời gian kiểm soát tốt và đang hướng tới nới lỏng các lệnh giới nghiêm, dịch Covid-19 tại Israel đang có dấu hiệu nóng trở lại: Chỉ riêng ngày 6/6, hệ thống trường học ở Israel đã ghi nhận 24 ca xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Đến hết ngày 7/6, 352 học sinh và giáo viên đã dương tính với SARS-CoV-2, đưa tổng số ca nhiễm toàn quốc lên 17.863 ca, với 298 ca tử vong. Các hoạt động biểu tình, phản đối sát nhập khu bờ Tây lan rộng có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2, đặc biệt là khi số ca nhiễm ở Tel Aviv đang tăng mạnh.
Ngay cả Washington, vốn đang gặp khó trong đối phó đại dịch Covid-19 và biểu tình lan rộng. đã đề nghị Tel Aviv có các bước đi khẳng định vững chắc chủ quyền đối với khu vực tranh chấp, trước khi triển khai kế hoạch, nhằm giảm thiểu rủi ro không cần thiết.
Đây sẽ là những bài toán không nhỏ mà chính quyền của Thủ tướng Benjamin Netanyahu nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi triển khai kế hoạch sát nhập một phần khu bờ Tây tranh cãi này.