Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và người đồng cấp Italy Giorgia Meloni tại thủ đô Bắc Kinh, ngày 28/7. (Nguồn: Tân Hoa xã) |
Đây là chuyến công du đầu tiên của Thủ tướng Meloni tới Trung Quốc kể từ khi bà nhậm chức tháng 10/2022. Chuyến đi diễn ra đúng dịp hai nước kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện từ năm 2004. Thủ tướng Meloni là nhà lãnh đạo đầu tiên của châu Âu tới thăm Trung Quốc sau Hội nghị toàn thể lần thứ ba của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XX, bế mạc ngày 18/7.
Thủ tướng Meloni đến đất nước đông dân thứ hai thế giới, tiếp nối hàng loạt chuyến thăm của các quan chức cấp cao Italy. Chỉ vài tuần trước, Bộ trưởng Bộ Doanh nghiệp và sản xuất Adolfo Urso đã đến thăm Bắc Kinh. Hồi tháng 9/2023, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và hợp tác quốc tế Antonio Tajani có chuyến thăm Trung Quốc kéo dài ba ngày.
Theo ông Massimo Bagnasco, Tổng giám đốc điều hành của China Europe Carbon Neutral Technology phát biểu với tờ Global Times hôm 28/7, “những chuyến thăm thường xuyên tới Trung Quốc là bằng chứng cho thấy mối quan hệ chặt chẽ và sự quan tâm sâu sắc mà cả hai nước dành cho quan hệ song phương”.
"Đi vững đi xa"
Trong chuyến thăm, ngoài các hoạt động nhộn nhịp ở Bắc Kinh như hội đàm với người đồng cấp Lý Cường, hội kiến Chủ tịch nước Tập Cận Bình, dự hội nghị doanh nhân hai nước, bà Meloni còn bay đến Thượng Hải, thủ phủ kinh tế của Trung Quốc.
Theo Tân Hoa xã, sau hội đàm với Thủ tướng Lý Cường, Thủ tướng Meloni cho biết, hai bên đã nhất trí “khởi động lại” mối quan hệ Bắc Kinh-Rome. Để chứng minh cho điều này, hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến hai bên ký kết sáu thỏa thuận hợp tác, trong đó có Kế hoạch hành động 2024-2027 nhằm thực thi các thỏa thuận đã ký và mở ra hợp tác mới trong các lĩnh vực như đóng tàu, hàng không vũ trụ, năng lượng mới, xe điện, trí tuệ nhân tạo và hợp tác giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tiếp đó, trong cuộc hội kiến với Chủ tịch Tập Cận Bình, hai bên tiếp tục nhấn mạnh đến thúc đẩy hợp tác kinh tế và các vấn đề quản trị toàn cầu, các điểm nóng quốc tế mà hai bên cùng quan tâm, bao gồm ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý trí tuệ nhân tạo AI, cải cách Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc... Chủ tịch Trung Quốc nói với Thủ tướng Meloni rằng, ông muốn Italy “phát huy vai trò mang tính xây dựng vì sự ổn định và phát triển của quan hệ Trung Quốc-Liên minh châu Âu (EU); rằng hai nước “cần nêu cao và phát huy tinh thần Con đường tơ lụa, thúc đẩy quan hệ Trung Quốc – Italy đi vững đi xa”.
Về phần mình, Thủ tướng Meloni cho biết, là những quốc gia có nền văn minh lâu đời, Italy và Trung Quốc luôn trân trọng và học hỏi lẫn nhau. Trung Quốc, với tư cách là một quốc gia lớn quan trọng, đóng vai trò không thể thay thế trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu. Bà Meloni khẳng định, Italy tuân thủ chính sách một Trung Quốc, muốn gia tăng đối thoại và hợp tác với Bắc Kinh, phản đối việc tách rời và chủ nghĩa bảo hộ và sẵn sàng đóng vai trò tích cực trong việc làm sâu sắc và củng cố hơn nữa quan hệ EU-Trung Quốc.
Những làn sóng gợn
Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, mong muốn mở rộng hợp tác với Bắc Kinh của Rome dường như tương phản với căng thẳng thương mại ngày càng tăng giữa Trung Quốc và EU, đặc biệt là về xe điện khi hồi tháng Sáu, Italy đã ủng hộ EU tăng thuế nhập khẩu đối với ô tô điện có nguồn gốc từ Trung Quốc lên trên 37%.
Bên cạnh đó, việc rút khỏi BRI, quyết định được cho là “khá đường đột” của Thủ tướng Meloni sau khi lên nắm quyền, cũng là những điều mà bà phải “trang trải” với các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Hồi năm 2019, Italy chính là quốc gia đầu tiên và duy nhất trong nhóm G7 ký thoả thuận tham gia BRI do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng từ năm 2013. Tuy nhiên, trước khi thoả thuận BRI giữa hai bên hết hiệu lực vào tháng 3/2023, Rome đã không gia hạn thoả thuận, động thái được cho là đơn phương rút khỏi BRI của Thủ tướng Meloni khiến quan hệ giữa Bắc Kinh và Trung Quốc bắt đầu “gợn sóng”.
Quyết định “chia tay” BRI của Thủ tướng Meloni khi đó được lý giải bởi những căng thẳng ngày càng tăng giữa Mỹ, EU và Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực. Chính phủ của Thủ tướng Meloni nhận thấy việc rút khỏi BRI là cơ hội để Rome mở rộng liên kết với Washington, củng cố quan hệ châu Âu-Mỹ đồng thời khẳng định Italy luôn là đồng minh mạnh mẽ của Mỹ và NATO, không có quan điểm khác biệt với EU, trong đó có hồ sơ BRI.
Lợi cả đôi bên
Rõ ràng, với các biến chuyển gần đây, Italy nhận thấy không thể quay lưng với Trung Quốc, đặc biệt trong quan hệ kinh tế. Chính phủ của Thủ tướng Meloni buộc phải điều chỉnh quan hệ với Bắc Kinh, trước hết là thu hẹp khoảng cách quá lớn trong cán cân thương mại. Hiện đầu tư của Trung Quốc vào Italy chỉ bằng một phần ba của Italy vào Trung Quốc. Hơn 1.600 doanh nghiệp Italy đổ vào Trung Quốc tới 15 tỷ Euro trong khi Bắc Kinh chỉ đầu tư vào Italy có 2,7 tỷ Euro trong năm 2023. Mỗi năm, Italy nhập khẩu 47 tỷ Euro hàng Trung Quốc trong khi xuất khẩu của Italy sang nước này chỉ 19 tỷ Euro.
Ở chiều ngược lại, Bắc Kinh đang cần thêm đầu tư nước ngoài để lấy lại động lực cho nền kinh tế đang có chiều hướng giảm tốc. Cải thiện quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Italy sẽ làm giảm áp lực trong quan hệ Trung Quốc với EU, nhất là trong bối cảnh xung khắc thương mại phát sinh ngày càng nhiều.
Trong bối cảnh như thế, với chuyến đi này của Thủ tướng Meloni, cả Bắc Kinh và Rome cùng hy vọng khởi động lại mối quan hệ song phương, từ đó giúp ổn định hơn mối quan hệ giữa Bắc Kinh với Brussels, điều mà Rome có thể sẽ có những tác động hiệu quả nhất định.