📞

Jean-Marie Pognon: Làm sao không nhớ Việt Nam được chứ?

Trần Thị Hảo 19:05 | 23/06/2021
Ông Jean-Marie Pognon là người Pháp, có bố là người gốc Ấn Độ, mẹ là người Việt lai Ấn nhưng sinh ra và lớn lên ở Nha Trang. Hơn 4 thập niên ở Pháp, ông luôn đau đáu nghĩ về Việt Nam và coi đây là quê hương của mình.
Jean-Marie Pognon (1958-2021) - một người Pháp gắn bó sâu đậm với Việt Nam.

Jean-Marie Pognon được sinh ra tại huyện Long Điền - Bà Rịa Vũng Tàu, lớn lên tại thành phố Nha Trang, trong một gia đình có 5 anh chị em. Khi miền Nam được giải phóng năm 1975, ông 17 tuổi và về Pháp theo diện hồi hương.

Dù ở Pháp đã hơn 45 năm, trong lòng ông chỉ có Việt Nam. Ông từng nói: “Làm sao mà không nhớ được chứ, tôi sinh ra ở Việt Nam, lớn lên cùng lũ trẻ nghèo hàng xóm. Nhà tôi cũng chẳng khấm khá gì, những bữa ăn chỉ có rau muống và ít nước mắm. Bữa nào sang có thêm mắm ruốc là mừng lắm, nhưng chúng tôi rất vui và gắn bó. Khi nghe tin phải về Pháp, tôi rất buồn và xin ba ở lại nhưng không được…”.

Bố mẹ của ông rất yêu quý Việt Nam, lúc nào cũng căn dặn các con phải nhớ về cội nguồn và nếu làm được gì giúp đỡ quê hương Việt Nam thì hãy cố gắng làm. Đặc biệt bố ông chính là người truyền lửa tình yêu Việt Nam đến các con, cháu ông. Ở Pháp, cụ vẫn đọc những cuốn sách về Việt Nam, nghe ngóng tin tức của đất nước và rất vui khi được gặp những con người của quê hương…

Là con trai cả trong gia đình, Jean-Marie Pognon luôn canh cánh trong lòng nỗi nhớ nơi chôn nhau cắt rốn. Vợ ông tên là Liên Trang, người Việt. Hai ông bà có 5 người con, đều biết nói tiếng Việt.

Mặc dù ở Pháp nhưng gia đình nhỏ của ông cũng như cả đại gia đình khoảng 200 người, vẫn giữ nền nếp sinh hoạt giống như ở Việt Nam. Trong nhà, mọi người vẫn trò chuyện bằng tiếng Việt, làm những món ăn Việt hàng ngày.

Cứ mỗi dịp đến Tết Nguyên đán, cả đại gia đình tập trung quây quần ở thành phố Meaux, thuộc tỉnh Seine et Marne (ngoại ô Paris), gồm các gia đình anh chị em của ông và những gia đình của các cậu, dì, anh chị em họ, để đón Tết. Họ cũng lì xì cho trẻ em và người già. Họ muốn tất cả con, cháu, chắt của họ tiếp tục nói tiếng Việt và giữ những phong tục tập quán đẹp của Việt Nam.

Năm 1999, sau khi cùng cả gia đình về thăm Việt Nam, trở lại Pháp, ý nghĩ phải làm một cái gì đó để hỗ trợ, giúp đỡ Việt Nam đã thôi thúc ông. Ông thấy, bên cạnh một Việt Nam đang trên đường phát triển, còn rất nhiều những mảnh đời bất hạnh, thiệt thòi cần được giúp đỡ, bù đắp.

Nghĩ là làm. Ông cùng người bạn thân là Bernard Biron, người Pháp yêu Việt Nam vô cùng, đồng sáng lập Hội Rau muống (Le Liseron).

Hỏi vì sao lại lấy tên Hội là Rau muống, ông cười hiền nói vì tuổi thơ của ông gắn liền với những bữa cơm chỉ có rau muống chấm nước mắm; hơn nữa, hầu hết các gia đình Việt Nam ưa thích và dùng loại rau này trong các bữa ăn.

Từ ngày thành lập, Hội đã quyên góp được tiền, quà nhằm giúp đỡ cho những người nghèo tại nhiều vùng, miền ở Việt Nam, đặc biệt các tỉnh Khánh Hòa, Nghệ An, Lâm Đồng, Thừa Thiên-Huế, Hà Tĩnh…

Liên tục từ hơn 20 năm nay, mỗi năm Hội quyên góp được khoảng từ 10.000 đến 15.000 Euro (tương đương 270 đến 400 triệu đồng), đồng thời còn tặng nhiều trang thiết bị y tế.

Hội viên phần lớn là người Pháp (90%). Chính Hội đã tạo nguồn cảm hứng và truyền tình yêu Việt Nam đến những người Pháp, có sức lan tỏa đến nỗi chỉ sau một thời gian đến với Hội Rau muống, ông Bernard Benoit, một người Pháp rất yêu Việt Nam đã đứng ra thành lập Hội từ thiện, liên hệ mật thiết với Hội Rau muống, lấy tên là Hội Rau muống vùng Marne (Liseron de la Marne). Hội này cũng đã triển khai được nhiều hoạt động giúp Việt Nam.

Hằng năm, cứ đến dịp Tết cổ truyền, Hội Rau muống lại tổ chức ngày lễ đúng phong tục tập quán Việt Nam để giới thiệu hình ảnh, đất nước, con người, truyền thống văn hóa cũng như ẩm thực Việt với các bạn Pháp. Không khí tràn ngập nhạc Việt cùng các nghi thức thắp hương tưởng nhớ tổ tiên trên bàn thờ được bày trang trọng giữa sân khấu, những tiết mục văn nghệ, võ dân tộc, múa lân…

Ông Jean-Marie Pognon và người vợ Việt Nam, bà Liên Trang.

Sau hơn 10 năm cùng Hội Rau muống làm việc có hiệu quả, ông Jean-Marie Pognon nghĩ nhiều hơn đến Việt Nam. Ngoài những hoạt động trên cần phải tìm cách quảng bá hơn nữa hình ảnh đất nước Việt Nam thông qua lĩnh vực văn hóa, du lịch.

Vì vậy, ông quyết định trao lại chức Chủ tịch Hội cho ông Bernard Biron để thành lập Hội Liên Việt. Trên thực tế, ông vẫn hoạt động cho cả hai Hội.

Từ ngày Hội Liên Việt ra đời và năng nổ hoạt động, ông đã đi Việt Nam không dưới 30 lần và đã đưa gần 1.500 bạn Pháp đến du lịch Việt Nam. Người nhỏ nhắn, thông minh, nhanh nhẹn, da ngăm đen lại có duyên, nói tiếng Việt quá sõi, dễ mến, hòa đồng nên đi đến đâu ông cũng nhận được sự cảm tình của người Việt Nam.

Những người Pháp, sau chuyến đi tham quan Việt Nam trở về, nhờ có sự giúp đỡ tận tình và sự hiểu biết sâu rộng của ông về con người, đất nước Việt Nam, đã rất cảm mến đất nước ta. Nhiều người còn muốn quay lại.

Hiện vẫn có những người quen biết ông, chưa có dịp đến Việt Nam, đã đề nghị ông tiếp tục tổ chức các chuyến du lịch văn hóa như vậy. Nhưng thật không may, hơn một năm qua, dịch Covid-19 hoành hành, ông cũng như bao người phải nén đam mê, tình yêu đối với quê hương để chờ đợi những chuyến đi hữu ích…

Vậy mà!!! Ông đã đột ngột ra đi, không kịp nói lời từ biệt Việt Nam, đất nước - như cách nói của ông - đã nuôi nấng và đào tạo ông trở thành con người như ngày hôm nay.

Thật đau buồn, thương tiếc ông khi ông ra đi lúc mới 63 tuổi! Việt Nam đã mất đi một người bạn lớn! Xin cảm ơn ông, người ở Pháp nhưng tấm lòng còn ở lại Việt Nam.

Cầu mong ông ra đi thanh thản! Xin được thắp nén nhang tưởng nhớ và tri ân ông!

Thật bất ngờ trước sự ra đi đột ngột của một người Pháp, gốc Ấn Độ lai Việt Nam với một tấm lòng đặc biệt dành hết cho Việt Nam. Cầu mong Jean Marie-Pognon ra đi thanh thản và anh sẽ mãi vĩnh hằng trong lòng người Việt Nam của anh! (Nguyên Đại sứ, Trưởng phái đoàn thường trực của Việt Nam bên cạnh UNESCO Văn Nghĩa Dũng)
Vô cùng thương nhớ anh Jean Marie-Pognon, nhớ những sự kiện anh và Hội tổ chức để quảng bá Việt Nam, nhớ Tết Việt Nam, tại Carriere sous Poissy, những cuộc gặp mặt bạn bè tại vườn nhà... Cám ơn trái tim anh dành cho Việt Nam. Xin được chia buồn sâu sắc nhất với gia đình, với Hội Rau muống và Hội Liên Việt. (Đại sứ Việt Nam tại Italy Nguyễn Thị Bích Huệ, từng công tác ở Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp nhiệm kỳ 2003-2006 và 2012-2016)