Ông Jimmy Phạm mong muốn KOTO có một ngôi trường riêng để ổn định và phát triển bền vững. (Ảnh: NVCC) |
Vinh dự nhận Giải thưởng Công dân toàn cầu Waislitz do Quỹ Waislitz và Global Citizen trao tặng mới đây, ông ý thức thế nào về vai trò của mình?
Tôi cảm thấy rất vinh dự khi được nhận giải thưởng này, vì là người Việt Nam đầu tiên được nhận giải và Việt Nam được ghi nhận cho một giải thưởng quốc tế.
Đây cũng là vinh dự cho các doanh nghiệp xã hội Việt Nam nói riêng và các doanh nghiệp xã hội trên thế giới nói chung vì chứng minh được hiệu quả và tác động nhất định đối với vai trò của mình trong các hoạt động xã hội.
Là Công dân toàn cầu, tôi luôn cam kết thực hiện cũng như ủng hộ các dự án phát triển bền vững, không chỉ ở Việt Nam mà cả các nước khác trên thế giới.
Sáng lập doanh nghiệp xã hội KOTO từ năm 1999 đến nay, sau hơn 20 năm, ông có thấy hài lòng về sự mệnh mà mình theo đuổi?
Tôi hài lòng với sứ mệnh, không chỉ tạo nên một doanh nghiệp xã hội, mà hiện nay đã có hơn 30 nghìn doanh nghiệp xã hội đã được thành lập, có tiếng nói, có sân chơi riêng, tạo ra giá trị và tác động cho xã hội, giải quyết một phần nào những vấn đề của xã hội.
Trẻ em đường phố thường được xã hội cho là không dạy dỗ được, nhưng khi vào KOTO, các em được đào tạo nghề, có tương lai và công việc ổn định và trở thành những công dân tích cực.
Điều này thay đổi nhận thức của cộng đồng về các đối tượng này, họ hoàn toàn có thể thay đổi và mang lại lợi ích cho xã hội khi họ được trao cơ hội và được ở trong môi trường yêu thương. Đây không phải là lòng thương hại, mà là sự đầu tư cho tương lai của các em.
Mới đây một báo cáo tác động xã hội của KOTO được thực hiện bởi công ty nghiên cứu Mekong Economics đã chỉ ra rằng, 96% cựu học viên KOTO có mức lương cao hơn mức lương tối thiểu của Việt Nam và cao hơn mức trung bình hàng tháng trong ngành nhà hàng khách sạn tại Việt Nam. 33% cựu học viên KOTO đang nắm giữ các vị trí quản lý và lãnh đạo.
Trong số các bạn tham gia nghiên cứu, 78% cựu học viên giúp đỡ tài chính cho gia đình mình và 83% đóng góp lại cho cộng đồng với nhiều hình thức khác nhau.
Những con số này chứng minh rằng sứ mệnh của chúng tôi không chỉ dừng lại ở việc thay đổi cuộc đời các em, mà còn khơi nguồn cảm hứng và tạo động lực, nền tảng cho các em tiếp tục cống hiến, tạo ra những tác động tích cực cho ngành của mình, gia đình và cộng đồng mà các em đang sống.
Việc tôi đang làm dù rằng nhỏ bé thôi nhưng có tác động trực tiếp và tích cực đến xã hội, đến các chính sách của nhà nước và đến các doanh nghiệp xã hội nói chung.
Dù đường đi còn khó khăn, nhưng tạo nên sức mạnh, kinh nghiệm để truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp khác cũng như cho thế hệ trẻ có định hướng làm doanh nghiệp xã hội.
Ông Jimmy Phạm tại sự kiện Lễ thắp sáng ước mơ của KOTO. (Ảnh: NVCC) |
Trở về Việt Nam từ năm 1996, nhận thức về quê hương và bản thân ông có những thay đổi gì so với khi còn sống ở Australia?
Tôi may mắn và tự hào vì được là người Việt Nam và được sống, lớn lên và giáo dục từ hệ thống giáo dục của Australia. Hai nền văn hóa này dạy cho tôi những giá trị, kiến thức và kinh nghiệm quý báu.
Lúc đầu tôi quay trở về Việt Nam với ý nghĩ giúp đỡ các đối tượng lang thang cơ nhỡ mà tôi đã gặp và tôi chỉ nghĩ chỉ có thể giúp đỡ một số em thôi, chứ tôi không nghĩ tạo một doanh nghiệp như ngày hôm nay.
“Thành công lớn nhất của một người đã giúp đỡ bạn là được nhìn thấy bạn tự đứng trên đôi chân của mình, rồi sau đó có thể giúp một người khác giống bạn khi xưa, vì nếu bạn biết một thì bạn nên dạy người khác một”, Jimmy Phạm. |
Tôi rời Việt Nam từ khi 2 tuổi nên không biết nhiều về quê hương của mẹ, tôi được quay về gắn bó hơn với quê hương, học hỏi văn hóa, phong tục, giá trị của người Việt và đặc biệt là nói được Tiếng Việt.
Về đây tôi thấy mình được nhận hơn là cho, được giúp cho hơn 1000 em bất hạnh trong cuộc sống là điều tôi luôn trân trọng và biết ơn, tôi có thể không có tài sản gì về vật chất nhưng tôi có một gia đình lớn là KOTO và những đứa em của mình.
Các em và Việt Nam đã cho tôi nhiều bài học và kỷ niệm, mà tôi sống bên Australia sẽ không được như vậy.
Ông suy nghĩ gì về giới trẻ Việt Nam hiện nay, đặc biệt là bộ phận thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn và yếu thế trong xã hội?
Thế hệ trẻ ngày nay so với thế hệ ông bà, bố mẹ của các em khác nhiều. Thế hệ ông bà, cha mẹ xưa có rất nhiều khó khăn nhưng họ luôn phấn đấu vươn lên.
Trong xã hội hiện đại bây giờ, tôi thấy các em bây giờ chưa có sự nỗ lực, cố gắng cao, có thể vì cuộc sống ngày càng dễ dàng và phát triển hơn.
Tôi mong các em phải hiểu giá trị cuộc sống, không phải có cái gì không làm mà có, tự dưng mà thành, cuộc sống không phải lúc nào cũng đơn giản và dễ dàng, không phải cứ khó khăn là bỏ cuộc mà cần phấn đấu hơn.
Bạn có thể đọc sách viết từ những người thành công, thông điệp của họ luôn là thành công đến từ những khó khăn, vấp ngã.
Ông có muốn truyền thông điệp về “công dân toàn cầu” cho họ?
Từ giải thưởng Công dân toàn cầu gần đây, tôi tin thế hệ trẻ Việt Nam đã và sẽ nhận được nhiều giải trên thế giới vì thực sự Việt Nam rất giỏi.
Các em cần mạnh mẽ và cố gắng trong việc tìm hiểu, sáng tạo, sẵn sàng đi các con đường không có lối mòn, tạo ra sức mạnh mới thay đổi xã hội và sức bật cho bản thân, chỉ có thực sự dấn thân vào cuộc sống này, các em mới có những trải nghiệm, bồi đắp nội lực cho bản thân.
Vậy còn kế hoạch và tương lai cho KOTO?
Tôi mong muốn KOTO có một ngôi trường riêng không phải đi thuê để ổn định và phát triển bền vững. Qua hai năm vừa qua, dù khó khăn do Covid-19 mang lại, nhưng KOTO đã duy trì trung tâm và giữ cam kết nuôi và giáo dục cho gần 100 trẻ ở trung tâm.
Kế hoạch trước mắt là vượt qua khủng hoảng dịch bệnh, thay đổi chiến lược để việc kinh doanh được bền vững và phát triển hơn.
Ông Jimmy Phạm cùng các học viên tại KOTO. (Ảnh: NVCC) |
Tôi muốn tạo nên một hệ sinh thái – mạng lưới doanh nghiệp xã hội để giải quyết các vấn đề của xã hội như xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống và nâng cao thu nhập cho nhóm yếu thế thông qua đào giáo dục tạo nghề, tăng cường kỹ năng và kiến thức.
Tôi cũng mong sẽ giúp nhiều cựu học viên của KOTO mở nhà hàng kinh doanh, khởi nghiệp các dự án mới, tạo ra một hệ sinh thái lớn mạnh trong cộng đồng KOTO.
Trong tương lai, tôi mong sẽ tìm được người đủ tâm và tầm để kế nhiệm các công việc của tôi tại KOTO và dẫn dắt KOTO. Và khi ấy mong rằng tôi có thể “về hưu", làm những việc tôi muốn, thoải mái thời gian đọc sách, nấu ăn, đi du lịch.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Trở về Việt Nam vào năm 1996, Jimmy Phạm lần đầu tiên chứng kiến sự cực khổ của trẻ em đường phố tại quê hương. Tin rằng thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn xứng đáng có cơ hội tốt nhất để thoát nghèo, ông đã thành lập doanh nghiệp xã hội đầu tiên của Việt Nam, mang tên KOTO (Know One Teach One) vào năm 1999. KOTO - từ một cửa hàng bánh sandwich đã trở thành một doanh nghiệp xã hội cung cấp đào tạo và việc làm trong lĩnh vực nhà hàng khách sạn cho 1.000 thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam, thông qua một trung tâm đào tạo và nhà hàng tại Hà Nội. Hiện KOTO cung cấp một chương trình đào tạo 24 tháng toàn diện, được quốc tế công nhận và hoàn toàn miễn phí. Khóa học bao gồm nghiệp vụ nhà hàng-khách sạn, tiếng Anh, vi tính và kỹ năng sống. 100% học viên của KOTO có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp và 33% hiện đang giữ các chức vụ quản lý. |
| Nơi ánh sáng chiếu soi - Cuốn hồi ký ly kỳ của đương kim Đệ nhất phu nhân Mỹ Trong cuốn hồi ký Nơi ánh sáng chiếu soi đậm chất đối thoại tâm tình, TS. Jill Biden - đương kim Đệ nhất phu nhân ... |
| Người Australia gốc Việt đầu tiên nhận Giải thưởng Công dân toàn cầu Waislitz Trong số 10 ứng cử viên xuất sắc nhất cho giải thưởng Công dân toàn cầu Waislitz, Jimmy Phạm là người giành được số phiếu ... |