📞

Karoshi - 'phần thưởng' không mong đợi cho kẻ dùi mài vì công việc

12:10 | 21/09/2019
TGVN. Người lao động tại Tokyo có thể là những người thường xuyên phải làm việc ngoài giờ nhiều nhất thế giới, nhưng có nhiều cách để đo lường sự chăm chỉ và năng suất của người lao động ngoài việc đơn giản là dựa vào thời gian họ ở công sở.    
Một nhân viên công sở ngủ gật tại nhà chờ tàu diện ở Tokyo. (Nguồn: Getty Images)

Tháng 7/2013, Miwa Sado, 31 tuổi, phóng viên Đài truyền hình quốc gia Nhật Bản NHK, đã qua đời trong căn hộ của cô ở Tokyo vì suy tim. Những điều tra sau đó chỉ ra rằng, Sado đã làm thêm tổng cộng 159 giờ 37 phút trong tháng Sáu và cô đã ra đi vì làm việc quá sức (còn gọi là hội chứng karoshi) ở độ tuổi còn quá trẻ.

Tại Nhật Bản, những người thiệt mạng vì làm việc quá sức ngày càng phổ biến và được gọi là karoshi. Theo dữ liệu của Chính phủ nước này, nạn nhân karoshi đầu tiên được ghi nhận vào năm 1969 và ngày càng tăng. Riêng trong năm 2017, đã có 190 người thiệt mạng tại Nhật Bản vì làm việc quá sức.

Đầu năm nay, Chính phủ Nhật Bản đã chính thức áp dụng luật giới hạn thời gian làm thêm của người lao động xuống còn 45 giờ một tháng. Theo đó, người lao động chỉ được làm thêm tối đa 45 giờ một tháng và 360 giờ một năm. Các công ty có thể điều chỉnh tăng mức giới hạn từng tháng trong những tháng cao điểm và được phép điều chỉnh tối đa 6 tháng/năm. Tuy nhiên, nhiều người vẫn nghi ngờ rằng liệu luật này có thực sự kiềm chế được “văn hóa làm việc” của người Nhật Bản!

Jeff Kingston, Trưởng khoa Châu Á học tại Đại học Temple Tokyo cho biết, áp lực lớn nhất đối với các nhân viên là phải chứng tỏ năng lực của bản thân trong nhiều giờ làm việc liền.

Một nghiên cứu trong năm nay của công ty chứng khoán Kisi (có trụ sở chính tại Mỹ) đã chỉ ra rằng, Tokyo là nơi người lao động có số giờ làm việc trong tuần lớn nhất trong số 40 thành phố trên thế giới, trung bình 42 giờ một tuần, và bắt đầu làm việc vào lúc 8h57 phút sáng hằng ngày, sớm nhất trong các thành phố được nghiên cứu.

Tuy nhiên, dù “nổi tiếng” với thời gian làm việc quá tải, năng suất lao động ở Nhật Bản lại không cao tương ứng với số giờ làm việc. Theo dữ liệu mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nếu tính năng suất lao động bằng cách chia GDP bình quân đầu người cho số giờ làm việc, Nhật Bản là quốc gia lao động kém năng suất nhất trong nhóm các nền kinh tế hàng đầu thế giới (G7).

Quang cảnh tấp nập tại nhà ga Churchgate ở Mumbai, Ấn Độ. (Nguồn: Getty Imges)

Trong khi đó, một báo cáo hằng năm của ngân hàng Thụy Sỹ UBS về số giờ làm việc ở các thành phố cho thấy, người lao động ở Mumbai (thành phố lớn nhất Ấn Độ) chính là những người làm việc chăm chỉ nhất thế giới, với thời gian làm việc trung bình lên tới 3.315 giờ/người/năm. Cũng theo báo cáo của UBS, người lao động ở Lagos (Nigieria) là “lười biếng” nhất thế giới với 609 giờ mỗi năm. Trong số 77 thành phố được xếp hạng, Tokyo đứng ở vị trí thứ 32 với trung bình 1.997 giờ/năm, ít hơn London (2.022 giờ) và New York (2.046 giờ).

Nghiên cứu trên cũng chỉ ra rằng, làm thêm giờ không tỷ lệ thuận với năng suất lao động. Theo nghiên cứu của UBS, Mexico City là thành phố làm việc chăm chỉ thứ ba thế giới, trung bình 2.622 giờ/người/năm. Tuy nhiên, Mexico là nước có năng suất lao động thấp nhất trong số 38 quốc gia được liệt kê trong dữ liệu của OECD - 18,8 USD/1 giờ làm việc. Còn Ireland là nước có năng suất lao động cao nhất, trung bình trong một giờ, một người dân tại đây làm ra được 84 USD. Và với mức trung bình hằng năm là 1.856 giờ lao động, người lao động ở Dublin (thủ đô của Ireland) lại thảnh thơi hơn rất nhiều so với người dân ở Mexico City.

Nghiên cứu cũng kết luận rằng, số giờ làm việc vừa đủ sẽ tác động tích cực tới năng suất lao động. Và dĩ nhiên, làm việc quá tải đang tác động tiêu cực tới mức sống của người dân ở nhiều thành phố.

Khảo sát về đời sống của người lao động Anh năm 2019 do Viện Nhân lực và Phát triển Chartered (Anh) thực hiện trên 5.136 người lao động chỉ ra rằng, cứ trong 4 người thì có 1 người lao động làm việc vượt quá 10 giờ mỗi tuần theo quy định, hơn 30% số nguời được hỏi cho biết họ được giao quá nhiều việc và 25% không có đủ thời gian để hoàn thành công việc được giao.

Giáo sư Gail Kinman, nhà nghiên cứu tâm lý học thuộc Đại học Bedfordshire (Anh) cho biết, các nhà tuyển dụng thường có xu hướng phản đối kết luận rằng thời gian làm việc trong ngày nhiều không tỷ lệ thuận với năng suất lao động. "Trong thực tế, con người làm việc càng lâu, hiệu suất lao động của họ sẽ càng kém, dẫn đến khả năng tập trung và trí nhớ kém, khả năng sáng tạo và giải quyết vấn đề cũng kém”, GS. Kinman nhấn mạnh.

Nhà nghiên cứu Kinman cũng cảnh báo rằng thời gian làm việc dài có thể gây ra những căn bệnh mãn tính, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe thể chất và tinh thần của con người, bởi đơn giản, tài nguyên chất xám bị cạn kiệt và không được nghỉ ngơi đủ để bổ sung.

Đám đông người lao động tại một nhà ga tàu điện ở Mexico City. (Nguồn: Getty Images)

Tuy nhiên, trên thực tế, nếu bạn không chăm chỉ làm việc thì cơ hội có được việc làm và giữ được việc làm càng ít đi, đặc biệt tại các thành phố lớn vốn nhiều sự cạnh tranh. Vậy thì làm thế nào để mỗi người có thể cân bằng được giữa công việc và cuộc sống, để đảm bảo sức khỏe tốt nhất?

Theo nghiên cứu của Kisi, thành phố Singapore (Singapore) có tỷ lệ người lao động phải làm việc hơn 48 giờ một tuần cao nhất thế giới. Ông Bernhard Mehl, CEO của công ty Kisi nhấn mạnh, mặc dù Singapore được cho là một trong những thành phố đáng sống nhất thế giới, nhưng phân tích trên cũng cho thấy công dân ở thành phố này có chỉ số căng thẳng trong công việc cao nhất toàn cầu.

Để thay đổi quan niệm, để có sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, Mehl gợi ý rằng, người lao động cần quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe tâm lý của mình, tăng cường các cuộc trò chuyện, gặp gỡ bạn bè để giảm căng thẳng trong công việc.

Còn theo nghĩa rộng hơn, GS. Kinman nhận định, điều quan trọng là cần thiết lập ranh giới giữa công việc và cuộc sống. Vượt qua khỏi công việc (thể chất và tinh thần) là điều cần thiết để đảm bảo sức khỏe tinh thần và thể chất, mang lại cuộc sống hạnh phúc trọn vẹn. Lên kế hoạch cho những kỳ nghỉ lễ, những kỳ nghỉ ngắn ngày trong năm; luôn chú ý ưu tiên chăm sóc bản thân là điều vô cùng cần thiết.

(theo The Guardian)