Trong nhiều buổi sinh hoạt thường kỳ của Hội Đức - Việt (DVG) tại Berlin người ta hay gặp một ông già Đức nhỏ thó, tóc bạc, kính trắng. Ông tham gia khá đầy đủ các buổi gặp, hầu như ít phát biểu, chỉ lắng nghe.
Mãi tới năm 2015, trong một lần tham dự buổi sinh hoạt của DVG, tôi được xem đoạn phim phóng sự mà Đài truyền hình Trung Đức Mitteldeutscher Rundfunk (MDR) thực hiện, nói về sự phát triển của ngành cà phê Việt Nam, tôi mới được biết nhiều hơn về ông. Đó cũng là lần đầu tôi nghe ông phát biểu và thực sự ấn tượng bởi những cảm xúc của ông khi nói về những kỷ niệm với Việt Nam.
Ngược dòng lịch sử…
Ông là Sigfried Kaulfuß, một trong những người Đông Đức đầu tiên đến Buôn Ma Thuột để xây dựng nông trường cà phê đầu tiên của nước Việt Nam anh em. Trong trí nhớ của người đàn ông Đức khi đó đã 86 tuổi ấy, Tây Nguyên và Buôn Ma Thuột dường như vẫn còn hiện hữu với những cảm xúc khó quên. Và, câu chuyện của ông không chỉ đưa những người bạn Đức, mà cả chúng tôi trở về những ngày cách đây gần nửa thế kỷ…
Ông Sigfried Kaulfuß trong đoạn phim phóng sự mà Đài truyền hình Trung Đức Mitteldeutscher Rundfunk (MDR) thực hiện. (Ảnh chụp màn hình) |
Dân Đức vốn ưa chuộng và cũng “sành” về cà phê. Đó là thứ nước uống không chỉ có caffein đem đến sự sảng khoái cho mỗi ngày làm việc, mà hơn thế nó như một phần của cuộc sống. Trà xanh với người Việt quan trọng thế nào thì cà phê đối với người Đức cũng vậy. “Bình minh nhất trản trà” đối với người Việt cổ gần như một “nghi lễ” thì công việc đầu tiên của người Đức mỗi buổi sáng thức dậy là bật máy pha cà phê.
Khổ nỗi do khí hậu và thổ nhưỡng, Đức không trồng được cà phê mà hoàn toàn phải nhập khẩu từ nước ngoài. Đối với Cộng hòa Liên bang Đức, đó là chuyện nhỏ vì với đồng tiền DM (D-Mác) cực mạnh họ có thể nhập cà phê nguyên liệu từ Brazil hay từ bất kỳ một nước nào ở Nam Mỹ hay Châu Á rồi rang tẩm ở Tây Đức, đóng nhãn mác của những thương hiệu lớn như Jacobs, Miletta, Tchibo… Còn đối với Cộng hòa Dân chủ Đức thì lại không hề đơn giản do hạn chế nguồn “ngoại tệ mạnh” như USD hay DM. Ban đầu họ cũng cố gắng dành chút ngoại tệ để nhập cà phê từ Nam Mỹ, nhưng rồi đến đầu những năm 80 của thế kỷ XX, nguồn ngoại tệ mạnh có phần khan hiếm, các cửa hàng siêu thị ở Đông Berlin và các thành phố Đông Đức cà phê cứ ít dần và nhiều lúc không có để bán.
Người tiêu dùng đòi hỏi, Chính phủ yêu cầu phải có giải pháp. Trong Chính phủ CHDC Đức khi đó bỗng có người nhắc đến Việt Nam, vốn trước là thuộc địa của Pháp và nghe nói người Pháp cũng đã từng trồng cà phê phục vụ nhu cầu của họ ở xứ Đông Dương. Và thế là một cuộc khảo sát và Thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam DCCH và Chính phủ CHDC Đức được ký kết ngày 28/10/1980. Theo đó, phía CHDC Đức sẽ dành cho Việt Nam khoản tín dụng 32 triệu Ruble chuyển đổi để phát triển các nông trường cà phê tại Buôn Ma Thuột. Đổi lại, đến năm 1991, Việt Nam sẽ “trả nợ” bằng cà phê. Ở thành phố Halle, người ta cũng xúc tiến xây dựng một nhà máy liên hợp cà phê “VEB Kaffee Halle”.
“Khai sơn phá thạch” ở Tây Nguyên
Kỹ sư Kaulfuß được cử sang Việt Nam làm trưởng đoàn chuyên gia để cùng với các bạn Việt Nam xây dựng những viên gạch đầu tiên cho ngành cà phê Việt Nam. Đó là vào năm 1980. Việt Nam mới ra khỏi chiến tranh được 5 năm, lại bị cấm vận kinh tế nên nơi nơi cuộc sống còn cực kỳ khó khăn. Khi đó, ở Tây Nguyên, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh còn đầy rẫy, cuộc sống thiếu thốn đủ đường. Nói theo nghĩa đen, Sigfried Kaulfuß đã cùng đồng nghiệp người Việt và người dân Tây Nguyên “khai sơn phá thạch” cho những nông trường cà phê đầu tiên tại đây. Ông kể, dù hoàn cảnh cực kỳ khó khăn như thế, nhưng điều làm ông ngạc nhiên là người Việt Nam luôn lạc quan, chăm chỉ và đặc biệt niềm nở hiếu khách. Từ đó đến sau này, tổng cộng ông đã sang Việt Nam hơn 50 lần.
Năm 1990, đáng lẽ những tải cà phê nguyên liệu đầu tiên từ Việt Nam sẽ được chuyển đến Halle, nhưng khi đó Nhà nước CHDC Đức đã không còn tồn tại nữa. Cũng vì thế mà những hạt cà phê Việt Nam không bao giờ đến được nơi mà nó cần phải đến theo thỏa thuận 10 năm trước đó. Nước Đức thống nhất năm 1990 không hề biết về cà phê Việt Nam và cũng không muốn nhập cà phê từ Việt Nam. Thế là, Kaulfuß và những người bạn Đức tâm huyết với Việt Nam lại “đôn đáo” tìm thị trường cho những sản phẩm cà phê nguyên liệu này. Nếu không có những cố gắng không mệt mỏi đó của ông thì không biết chúng ta làm gì với những hạt cà phê “vô tội” được trồng theo thỏa thuận giữa chính phủ. Và, những cố gắng tìm đường ra cho hạt cà phê khi ấy đã lát nên con đường để Việt Nam trở thành nhà xuất khẩu thứ hai trên thế giới và đứng đầu trong các nhà nhập khẩu cà phê vào Đức ngày hôm nay.
Ông Kaulfuß (bên trái) và tác giả Nguyễn Hữu Tráng tại sự kiện “Kaffeefestival” ở Berlin, tháng 2/2018. (Ảnh: NHT) |
Từ sâu thẳm trong trái tim
Điều đáng nói là dù Việt Nam là nước có số lượng cà phê nhập khẩu vào Đức nhiều nhất với doanh số hàng năm lên đến nửa tỷ USD, nhưng lại rất ít người biết cà phê từ Việt Nam. Các nhãn hàng cà phê Việt Nam lại càng ít có cơ hội ở Đức, có chăng chỉ ở các cửa hàng Á châu và phục vụ chủ yếu người Việt. Đó cũng là trăn trở của tôi khi sang làm công tác xúc tiến thương mại ở Berlin.
Và thế là, sau hôm được xem thước phim của MDR, tôi quyết tâm tổ chức một buổi giới thiệu về cà phê Việt tại Berlin với sự tham dự của “ông già cà phê Kaulfuß” và những người bạn đã cùng ông tìm về mảnh đất Tây Nguyên một thời gắn bó. Tại lễ hội cà phê - “Kaffeefestival” hay còn gọi là “Kaffeeverkostung” diễn ra vào tháng Hai vừa qua ở Berlin, những người bạn cũ đều xúc động khi gặp lại ông và được nghe ông kể về những ngày tháng vất vả ở Việt Nam gần nửa thế kỷ trước.
Ông chia sẻ: “Mọi người cứ quen gọi tôi là ông già cà phê và các bạn Việt Nam lần nào gặp cũng nói lời cảm ơn tôi. Nhưng thực sự chúng tôi chỉ giúp các bạn trong những ngày đầu, còn để có ngày hôm nay, khi Việt Nam đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu cà phê thì phải nói đó là công lao, là sự thành công của chính các bạn”.
Ông nói tiếp, “Dù tôi đã 88-89 tuổi rồi, không còn khỏe nữa, nhưng nếu tôi có thể làm gì đó để giới thiệu và quảng bá cho cà phê Việt Nam thì tôi có thể đi bất cứ đâu, kể cả sang Việt Nam một lần nữa”.
Tôi không thể hình dung được một ông già người Đức đang đứng bên cạnh tôi đây, với vóc dáng nhỏ bé nhưng giọng nói còn sang sảng và đi lại còn nhanh nhẹn, đã sắp bước sang tuổi 90. Và đặc biệt tình cảm của ông đối với đất nước và con người Việt Nam vẫn còn tươi mới và dạt dào như cái ngày ông nhận nhiệm vụ sang giúp đỡ nhân dân Việt Nam anh em mới bước ra khỏi chiến tranh gần nửa thế kỷ trước.
Tôi tự hỏi, nếu đó chỉ đơn thuần là công việc hay là “sứ mệnh chính trị” gì gì đi chăng nữa thì liệu nó còn tồn tại mãi với năm tháng? Không, tôi chắc chắn lý do còn nằm sâu thẳm trong trái tim của không chỉ ông Sigfried Kaulfuß, mà còn của cả những người bạn Đức nhân hậu mà tôi từng gặp.
Berlin, tháng 10/2018
Nguyễn Hữu Tráng