📞

Kết quả bầu cử Mỹ 2020: Ông Trump và ông Biden cùng nhau 'lướt sóng'

Bích Hạnh 10:48 | 06/11/2020
TGVN. Ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden đang tới gần cột mốc 270 phiếu đại cử tri cần thiết để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống lần này, với việc đảm bảo chiến thắng tại các bang chiến trường Wisconsin và Michigan, thu hẹp con đường tái cử của đương kim Tổng thống Donald Trump.
Bất kể kết quả bầu cử Mỹ 2020 ra sao, kịch bản vốn là ác mộng đang dần hiện rõ, khi ông Biden tuyên bố ông đang trên đường chiến thắng và ông Trump cáo buộc gian lận và đánh cắp cử tri. (Nguồn: Getty Images)

Trong bối cảnh chỉ còn vài bang chưa công bố kết quả, ông Trump đã tìm cách khởi kiện tại một số bang dao động chính. Hiện vẫn chưa rõ liệu cuộc chiến pháp lý của ông có thành công trong việc xoay chuyển cuộc đua có lợi cho ông hay không.

Hai ngày sau Ngày Bầu cử, chưa ứng cử viên nào giành được đa số phiếu cần thiết để tuyên bố chiến thắng. Tuy nhiên, chiến thắng của ông Biden tại các bang của vùng Hồ Lớn đã giúp ông có được 264 phiếu đại cử tri, đồng nghĩa với việc ông chỉ cần giành chiến thắng tại 1 bang chiến trường khác để thắng cử.

Ông Trump, với 214 phiếu đại cử tri, đang đối mặt với trở ngại cao hơn. Để giành được 270 phiếu, ông cần chiến thắng tại cả 4 bang chiến trường còn lại là Pennsylvania, North Carolina, Georgia và Nevada.

Ông Biden đang gần hơn đến chiến thắng

Joe Biden chỉ đơn giản phải duy trì vị trí dẫn đầu mà ông đang nắm giữ ở Arizona và Nevada (các bang có màu xanh nhạt trên bản đồ). Nếu làm được, ông Biden sẽ giành được 270 phiếu đại cử tri, :mức tối thiểu cần thiết để vào Nhà Trắng.

Ông Biden vẫn duy trì ổn định vị trí dẫn đầu ở Arizona với nhiều lá phiếu gửi qua thư hơn đang được kiểm đếm.

Cách biệt số phiếu ở Nevada chỉ là vài nghìn, nhưng tất cả các phiếu bầu được đếm trong ngày bầu cử - đang nghiêng về đảng Cộng hòa - chỉ còn lại các lá phiếu gửi qua thư, thường có xu hướng ủng hộ đảng Dân chủ. Hiện tại, ông Biden dường như có ít trở ngại hơn trên con đường trở thành tổng thống.

Tổng thống Trump có kịp...lội ngược dòng?

Giống như ông Biden, để giành chiến thắng, ông Trump phải bám trụ ở các tiểu bang quan trọng còn lại nơi ông đang dẫn đầu. Trong trường hợp của Trump, đó là Pennsylvania và Georgia. Sau đó, đảng Cộng hòa phải giành được ít nhất một trong những tiểu bang mà ông Biden đang đứng đầu. Nevada là một bang có cách biệt rất ít. Không cần nhiều biến đổi lớn để chuyển bang này thành của ông Trump.

Nếu các lá phiếu gửi đến muộn (được đóng dấu bưu điện vào ngày bầu cử nhưng mất thêm thời gian để chuyển đến sau đó) cho kết quả là của những cử tri độc lập nghiêng về ông Trump hay của đảng Cộng hòa chứ không phải của đảng Dân chủ như dự đoán, viễn cảnh ông Trump tái đắc cử có thể sáng sủa hơn một cách đáng kể.

Arizona là một tiểu bang có thể đảo ngược tình thế với tổng thống. Giống như Nevada, Arizona chỉ còn lại những lá phiếu qua bưu điện đang được đếm. Tuy nhiên, tiểu bang cũng có truyền thống lâu đời cử tri bầu qua bưu điện và các đảng viên đảng Dân chủ ở Arizona không có nhiều lợi thế như họ có ở Nevada.

Sự vượt trội của ông Biden ở Arizona lớn hơn so với cách biệt của ông ở Nevada, nhưng cũng có khả năng có một sự đảo chiều lớn.

Sẽ có một cuộc đấu pháp lý

Lộ trình trở lại Nhà Trắng của ông Trump có thể phụ thuộc vào việc nắm giữ vị trí dẫn đầu của ông ở Pennsylvania và Georgia, nhưng điều đó không có nghĩa là ông sẽ an toàn ở một trong hai tiểu bang này. Các lá phiếu còn lại sẽ được kiểm đếm ở Georgia là từ các quận thuộc đảng Dân chủ xung quanh Atlanta.

Ở Pennsylvania, có hơn một triệu lá phiếu được gửi qua bưu điện còn lại để kiểm kê. Mặc dù ông Trump đang dẫn đầu với cách biệt lớn ở Keystone State, nhưng xu hướng kiểm phiếu thúc đẩy ông Biden dẫn đầu ở Wisconsin và Michigan cũng có thể phát huy tại đây.

Nếu ông Biden giành được Pennsylvania, việc mất cả Arizona và Nevada cũng không là vấn đề. Nếu đảng Dân chủ “đảo ngược” được Georgia, ông có thể mất tiểu bang này hoặc tiểu bang kia (nếu không thì phiếu đại cử tri sẽ cân nhau và phải quyết định ở Hạ viện). Nói cách khác, không giống ông Trump, ông Biden có nhiều con đường khác nhau để đi đến chiến thắng. Chúng có thể ít khả năng xảy ra hơn, nhưng vẫn rất thực tế.

Bất kể kết quả cuối cùng ra sao, kịch bản vốn là ác mộng đang dần hiện rõ, khi ông Biden tuyên bố ông đang trên đường chiến thắng và ông Trump cáo buộc gian lận và đánh cắp cử tri mà không cung cấp bất kỳ bằng chứng nào.

Đó là công thức cho hận thù gay gắt và một cuộc chiến kéo dài tại tòa án, kết thúc với những người ủng hộ bên thua cuộc cảm thấy tức giận và bị lừa. Ban vận động ông Trump đã thông báo rằng họ sẽ yêu cầu kiểm phiếu lại ở Wisconsin.

Dù chưa biết kết quả cuối cùng, nhưng điều rõ ràng có thể thấy trong đêm bầu cử là Mỹ tiếp tục là một quốc gia bị chia rẽ sâu sắc. Các cử tri Mỹ đã không cự tuyệt ông Trump nhưng cũng không cho ông sự hậu thuẫn rầm rộ mà ông vẫn mong đợi. Thay vào đó, các chiến tuyến được vạch ra và cuộc giao đấu chính trị sẽ tiếp tục bất kể ai thắng trong cuộc bầu cử này.

Một số chuyên gia pháp lý đã gọi các thách thức pháp lý của ông Trump là một nỗ lực khó có khả năng tác động đến kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử, một trong các cuộc chạy đua tổng thống bất thường nhất trong lịch sử hiện đại Mỹ do đại dịch Covid-19.

Trong một cuộc phỏng vấn của đài Sputnik, Igor Kovalev, Phó Trưởng khoa Kinh tế thế giới và Chính trị thế giới tại Trường Kinh tế cao cấp (Mỹ) cho rằng có một mối đe dọa cực đoan hóa xã hội giữa các cuộc bầu cử: “Do phải kiểm các phiếu được gửi qua đường bưu điện, tiến trình sẽ bị trì hoãn, không ai thừa nhận thất bại và điều này sẽ dẫn tới nhiều thủ tục, cả về tư pháp và tệ nhất là biểu tình trên đường phố. Những người ủng hộ ông Biden đã xuống đường và những người ủng hộ Trump cũng sẽ không còn lâu nữa. Do đó, có thể dự đoán rằng sự cực đoan hóa sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nữa, thậm chí có những cuộc đụng độ”.

Theo ông Igor Kovalev, tư pháp Mỹ một lần nữa có thể đóng vai trò then chốt trong việc quyết định kết quả bầu cử.

"Đây là cơ hội hợp pháp duy nhất của Trump mà không cần dùng đến bạo lực và bảo vệ chiến thắng của mình với vũ khí trong tay là tiến trình tố tụng tại các tòa án. Đó là lý do tại sao ông lại vội vàng bổ nhiệm đại diện của mình vào ghế trống trong Tòa án Tối cao Mỹ, người có thể đóng vai trò chủ chốt trong các thủ tục pháp lý này. Do những khiếu nại như vậy có khả năng sẽ được gửi lên Tòa án Tối cao, nên số phận của Mỹ một lần nữa phụ thuộc vào ý kiến của các thẩm phán. Điều đó có nghĩa là cơ quan tư pháp, nơi thường xuyên can thiệp vào các tiến trình chính trị ở Mỹ, có thể đóng một vai trò then chốt", ông Igor Kovalev nhận định.

(theo AP/Reuters/BBC)