Kết quả bầu cử Mỹ 2020: Tìm thấy ‘động cơ’ của những lá phiếu ủng hộ Tổng thống Donald Trump. (Nguồn: Reuters) |
Điều gì đã khiến 72 triệu cử tri Mỹ vẫn lựa chọn bỏ phiếu cho vị Tổng thống gây nhiều tranh cãi trong cuộc bầu cử lần này?
Khi nền kinh tế Mỹ “hôn mê”
Sau 4 năm làm ông chủ Nhà Trắng, vị Tổng thống có nhiều điểm đặc biệt nhất lịch sử nước Mỹ vẫn nhận được sự ủng hộ của "cơ số" cử tri. Theo đánh giá, sự ủng hộ của các "cử tri nòng cốt" đối với Tổng thống Trump đã không hề suy giảm, thậm chí ngược lại, ông còn đánh thức được một bộ phận không nhỏ cử tri Cộng hòa, đặc biệt từ nhiều vùng nông thôn và thị trấn nhỏ, những người vốn hiếm khi đi bỏ phiếu, cũng đã xuất hiện trong kỳ bầu cử này.
Trong cuộc bầu cử năm nay, Ohio không còn là bang dao động. Tổng thống Donald Trump đã giành chiến thắng vang dội tại đây. Lý do nào đã khiến phần lớn cử tri ở một nơi vốn vẫn được coi là ‘bang tím” lại thành “bang đỏ”, quay sang bỏ phiếu cho Tổng thống Trump của đảng Cộng hòa?
Trên bài báo có tiêu đề "Tại sao tôi bỏ phiếu cho ông Trump", tờ nhật báo phát hành nhiều thứ 2 Tây Ban Nha El País đã đưa ra nhiều lý do khiến các cử tri Mỹ dành lá phiếu ủng hộ cho đương kim Tổng thống.
Shay Eicher, 20 tuổi, sinh viên Đại học Youngstown. Eicher không ủng hộ phe Cộng hòa hay Dân chủ và không coi mình là người bảo thủ, cũng không đặc biệt ngưỡng mộ ứng viên nào. Khi được hỏi tại sao lại bỏ phiếu cho Tổng thống Trump, Eicher ngập ngừng, rồi nói: “Ông ấy đã làm rất tốt công việc trong 4 năm qua và quan trọng là ông ấy đã làm rất tốt cho nền kinh tế”.
Tuy nhiên, Eicher nói rằng, anh thích ứng cử viên Biden vì trong chiến dịch tranh cử đã đề cập nhiều đến vấn đề biến đổi khí hậu, điều mà Tổng thống Trump thường bỏ qua, thậm chí công kích sự tồn tại của nó. “Ông ấy nên xem xét lại những gì ông đã nói”, Eicher tâm sự. “Vậy điều gì ở Tổng thống Trump đã khiến anh lung lay?”, “Tôi chỉ nghĩ tôi thích Tổng thống”.
Thứ 7 tuần trước tại Washington, đứng lẫn trong cuộc biểu tình ủng hộ Tổng thống Trump, có một cử tri đảng Cộng hòa - không ồn ào, thậm chí còn khá kín đáo, có vẻ không giống phần lớn những người trung thành với đương kim Tổng thống Mỹ. Giống như sinh viên Eicher, cử tri này rất quan tâm và lo lắng về cuộc khủng hoảng khí hậu. Người này thay vì tán dương những quyết định thẳng tay của Tổng thống Trump, lại chỉ trích, nhưng vẫn bỏ phiếu cho ông ấy, vì nền kinh tế hoặc chỉ đơn giản là vì Tổng thống đã truyền một loại cảm hứng mà ông ấy cảm thấy vẫn còn thiếu từ ứng cử viên đảng Dân chủ.
Trong các cuộc bầu cử kể từ năm 1964, bất kỳ ai chiến thắng ở Ohio đều trở thành tổng thống Mỹ. Nhưng vào ngày 3/11 năm nay, dù dẫn điểm cách biệt ở bang này, Tổng thống Trump hiện vẫn đang thua kém về số phiếu so với đối thủ Biden. Ohio giờ đây trở thành nơi đo lường sự ủng hộ đối với Tổng thống Trump - trên thực tế, cử tri tại các quận Youngstown, Mahoning, đã “quay ngoắt” bỏ phiếu cho ứng cử viên của đảng Cộng hòa, lần đầu tiên sau gần 50 năm.
Cựu binh Không quân Tom Karpinski, 65 tuổi, đang sống tại một thị trấn nhỏ có tên là Vienna, cách Youngstown 20 phút đi xe, nhận xét về ứng cử viên Trump: “Ông ta đã quá ồn ào trên Twitter. Ông ấy có thể quá bản năng, nhưng các chính sách của ông ấy rất ổn và vì các phương tiện truyền thông không đưa đậm thông tin về những gì ông ấy đã làm được, ông ấy phải làm được theo cách đó”.
Phác thảo những lý do bỏ phiếu cho đảng Cộng hòa, cựu binh Karpinski nói: “Ông ấy đã đặt Trung Quốc về đúng vị trí của họ. Ông ấy giảm thuế cho chúng tôi, ông ấy đã đạt được một thỏa thuận ở Trung Đông và ông ấy đã chiến đấu để mang công việc trở về từ Mexico".
Điểm cuối cùng nêu trên được đánh giá rất cao, đặc biệt là ở Ohio và ở nhiều thành phố Trung Tây Mỹ vốn có nền sản xuất công nghiệp bị cắt giảm. Năm 2016, chỉ có ông Trump và ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Bernie Sanders đổ lỗi cho các hiệp định thương mại, đặc biệt là Hiệp định thương mại giữa Mỹ-Mexico-Canada (NAFTA), từng bị ông Trump gọi là thỏa thuận thương mại tồi nhất từ xưa đến nay vì đã làm bần cùng tầng lớp trung lưu. Từ năm 2000 đến năm 2015, hơn 60.000 nhà máy ở Mỹ đã phải đóng cửa và 4,8 triệu công việc được trả lương cao trong ngành đã biến mất.
Trong cuộc bầu cử năm nay, Ohio đã không còn là bang dao động. (Nguồn: AP) |
Theo nghiên cứu của Viện Chính sách Kinh tế, NAFTA có liên quan việc mất gần 700.000 việc làm của người Mỹ. Bất kỳ nhà kinh tế nào cũng sẽ giải thích rằng, ngoài sự cạnh tranh từ các quốc gia có lao động rẻ hơn, tự động hóa là một trong những lý do chính khiến hàng triệu việc làm bị mất.
Nhưng trong nhiều năm nay, các bang như Ohio đã chứng kiến các công ty đa quốc gia đóng cửa nhà máy, trong khi vẫn mở rộng ra các nước khác. Trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Trump đã không thể ngăn chặn việc đóng cửa nhà máy General Motors gần đó, ở Lordstown, nơi sử dụng 1.600 công nhân, nhưng các cử tri của bang này đã thấy ông ấy đề cập, thậm chí chỉ trích nó và đó là điều họ đánh giá cao.
Trong khi 4 năm trở lại đây, ông trùm bất động sản New York đã hứa đấu tranh bảo vệ các nhà máy ở nước Mỹ. Và lần này, ông ấy hứa sẽ mở cửa trở lại nền kinh tế, nơi đã bị tàn phá bởi đại dịch Covid-19. Đây là một trong những điểm quan trọng đối với nhiều cử tri Mỹ.
“Mọi người ở đây cần phải làm việc. Họ không có nhiều tiền như Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi. Mọi người cần phải làm việc càng sớm càng tốt và thực hiện tất cả các biện pháp phòng ngừa ”, ông Karpinski nói.
Giống như nhiều cử tri Mỹ, những người ủng hộ Tổng thống Trump nói rằng, họ không bỏ phiếu cho một đảng chính trị, mà họ bỏ phiếu cho người phù hợp. Họ đồng thời gần như không nhớ đã bỏ phiếu cho ai đó trong quá khứ, mà không thuộc đảng truyền thống của họ.
Chính sách kinh tế của Tổng thống Trump vẫn được ủng hộ
Đại dịch đã khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào trạng thái “hôn mê”. Vốn đã lên kế hoạch về một kỳ tái tranh cử “an toàn”, Tổng thống Trump sớm tính đến thời điểm các cử tri Mỹ hân hoan đi bỏ phiếu vào đúng thời kỳ tăng trưởng kinh tế dài nhất lịch sử nước Mỹ. Nhưng ông đã không tính được đại dịch Covid-19. Covid-19 bất ngờ xuất hiện và đảo ngược tất cả, thay vì an toàn, giờ đây Tổng thống Trump đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong 70 năm qua.
Tuy nhiên, việc cắt giảm thuế lớn mà ông đã thực hiện vào đầu nhiệm kỳ và cuộc nói chuyện đầy lạc quan về việc mở cửa trở lại nền kinh tế, ngay cả khi các chuyên gia y tế khuyên không nên thực hiện, đã khiến những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump nghĩ rằng, ông mới là ứng cử viên quan tâm nhất đến nền kinh tế. Hơn nữa, các doanh nghiệp nhỏ ở khu vực nông thôn ít bị ảnh hưởng bởi thảm họa kinh tế của đại dịch so với các doanh nghiệp ở các bang Dân chủ lớn, theo một cuộc khảo sát của Nhóm Đổi mới Kinh tế ở Washington.
“Tôi chưa bao giờ có nhiều tiền như bây giờ”, Megan Logan, người đã làm việc tại nhà hàng Yankee Kitchen trong 10 năm, cho biết. “Tôi thậm chí đã có thể tiết kiệm. Tôi đã 39 tuổi và tôi chưa bao giờ khá hơn như thế, ngay cả trong cuộc khủng hoảng này. Tôi không chắc có phải do ông ấy không, nhưng chắc ông ấy đã phải làm gì đó. Tôi thấy một số điều ông ấy nói thật khủng khiếp, chẳng hạn vừa bước ra khỏi bệnh viện sau khi điều trị bệnh Covid-19, ông ấy đã nói, “Đừng để Covid-19 chi phối cuộc sống của bạn”. Nhưng ông ấy đã làm rất tốt với nền kinh tế”. “Tôi không phải một fan hâm mộ của Tổng thống Trump”, cô nói thêm.
Hai vấn đề kinh tế và chống dịch Covid-19 như thể không có mối liên hệ với nhau, nhưng chính mối quan tâm về vấn đề này hay vấn đề khác là nguyên nhân gây ra sự chia rẽ giữa cử tri đảng Cộng hòa và Dân chủ.
Trong cuộc thăm dò của Pew Research hồi tháng 10, chỉ 24% người ủng hộ đương kim Tổng thống coi sự bùng phát dịch Covid-19 là vấn đề "rất nghiêm trọng", con số quá nhỏ so với 82% người theo phe Dân chủ. Tuy nhiên, vấn đề kinh tế mới là quan trọng thì tỷ lệ giữa cử tri đảng Cộng hòa và Dân chủ lại là 84% và 66%.
“Đơn giản, ông ấy là một người nổi tiếng và nói lên được những điều mà nhiều người nghĩ nhưng không nói hoặc không dám nói”, Tim Malloy, Trợ lý Giám đốc Cuộc thăm dò ý kiến của Đại học Quinnipiac đưa ra kết luận.
| NÓNG! Tổng thống Trump tuyên bố cho phép bắt đầu chuyển giao quyền lực cho phe ông Biden TGVN. Ngày 23/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, ông đã cho phép người đứng đầu Cơ quan Quản lý dịch vụ tổng hợp ... |
| Tin thế giới 23/11: Ông Trump tin sẽ sớm 'lật ngược thế cờ'; Lý do ông Putin chưa chúc mừng ông Biden TGVN. Bầu cử Mỹ 2020, quan hệ Mỹ với Trung Quốc và Nga, tình hình Nagorno-Karabakh, giao tranh Ấn Độ-Pakistan là những tin quốc tế ... |
| Bầu cử Mỹ 2020: 7 trụ cột trong chính sách đối ngoại của ông Joe Biden TGVN. Chưa công bố cụ thể nhưng 7 trụ cột trong chính sách đối ngoại của ông Joe Biden dường như đã được định hình ... |