Kết quả đàm phán giai đoạn 1 đều quá ít, các mục tiêu mỗi bên đề ra đối với bên kia đều chưa đạt được. (Nguồn: Businessline) |
Tạm dừng cuộc thương chiến đã kéo dài suốt 21 tháng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Bắc Kinh đồng ý tăng nhập khẩu ít nhất 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ Mỹ trong 2 năm tới, cam kết mua thêm hàng nông sản, làm nhiều hơn để bảo vệ sở hữu trí tuệ và chấm dứt chuyện ép buộc chuyển giao công nghệ.
Đổi lại, Mỹ sẽ không áp thuế 15%, vốn được lên kế hoạch có hiệu lực vào ngày 15/12 đối với 160 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và giảm một nửa mức thuế áp từ ngày 1/9 với 120 tỷ USD hàng Trung Quốc xuống còn 7,5%. Nhưng mức thuế 25% của Mỹ đối với 250 tỷ USD hàng Trung Quốc vẫn giữ nguyên.
Thiện chí từ cả hai phía?
Dù chưa chính thức được hai nhà đàm phán “khó đoán nhất thế giới” ký kết, thì thỏa thuận dù còn giới hạn này vẫn được kỳ vọng và là tín hiệu tích cực, bằng chứng cho thấy thiện chí từ cả hai phía, trong lúc hai đoàn đàm phán tiếp tục giải quyết những vấn đề quan trọng hơn.
Chính Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cũng cho rằng, thỏa thuận này “đáng kể” về quy mô, song sẽ không giải quyết được tất cả các vấn đề giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Có thể hiểu đây là một bước đầu tiên trong việc cố gắng hòa nhập hai hệ thống khác biệt vì lợi ích cả đôi bên.
Nhưng liệu có thể coi đây là một bước đột phá trong đàm phán và là dấu hiệu đáng tin cậy về sự kết thúc của cuộc chiến thương mại?
Thực tế, không có sự leo thang mâu thuẫn trong ngày 15/12 đã là một kết quả tốt. Bởi kinh nghiệm cho thấy, các bên vẫn có thể đổi ý vào giờ chót, cho đến khi văn bản chính thức được nguyên thủ hai nước đặt bút phê chuẩn. Và thực tế cũng cho thấy, chỉ một phát biểu của Tổng thống Trump, mọi thứ có thể ngay lập tức thay đổi 180 độ.
Dù sao thì Thỏa thuận có vẻ vẫn khá hứa hẹn, dù phải đợi hồi sau mới rõ. Quá trình đàm phán dai dẳng và gần như không theo một “công thức” nào từ trước tới nay khiến cộng đồng doanh nhân quốc tế, giới chuyên gia, thậm chí cả công chúng đều tỏ ra thận trọng. Thời gian ký thỏa thuận Mỹ - Trung giai đoạn 1 chưa được công bố chính thức, nhưng có thể là đầu tháng 1/2020.
Thỏa thuận vẫn chưa được ký
Không ít người coi Thỏa thuận giai đoạn 1 là một “chiến thắng PR”. Mỹ đã bán được thêm đậu nành cho Trung Quốc và nhận lại những lời hứa tạm thời. Còn Trung Quốc cũng quá khôn khéo, chẳng hứa hẹn bất cứ điều gì cụ thể và cũng có thể thay đổi các chi tiết của thỏa thuận bất cứ lúc nào. Bởi vậy, không có gì khó hiểu khi cái gật đầu đầu tiên giữa Mỹ và Trung Quốc chỉ được giới quan sát nhìn nhận là “đình chiến tạm thời” hay “thỏa thuận mong manh”.
Trong khi Nhà Trắng phô trương cam kết mua thêm nông sản của Bắc Kinh và giảm thâm hụt thương mại như một thắng lợi quan trọng, thì thực ra, Trung Quốc đã không phải nhượng bộ gì nhiều. “Món quà” mà Bắc Kinh gửi tới Tổng thống Trump chỉ mới là những hứa hẹn chưa được kiểm chứng liên quan đến chính sách trợ giúp doanh nghiệp nhà nước và bảo vệ sở hữu trí tuệ, hay chuyển giao công nghệ. Còn thực tế, việc đồng ý mua thêm thực phẩm của Mỹ chính là nhằm giảm bớt áp lực về nhu cầu tiêu thụ nội địa, tạm né được một đợt trừng phạt mới, qua đó đạt được những mục tiêu quan trọng hơn.
Thực tế, những gì đàm phán giai đoạn 1 đạt được quá ít. Các mục tiêu mà hai bên đề ra đối với bên kia đều chưa đạt được, dù nhiều nội dung đã được đề cập, nhưng các vấn đề gai góc, chính yếu về cơ cấu và tiếp cận thị trường xung quanh các khoản trợ cấp, dịch vụ phi chính phủ hay dịch vụ phi tài chính… vẫn chưa được giải quyết.
Bắc Kinh đã nhiều lần tuyên bố bất kỳ thoả thuận nào chỉ có thể đạt được nếu thuế quan được Mỹ đưa ra trước đó bị hủy bỏ. Trong trường hợp này, Mỹ chỉ giảm một nửa thuế suất đã áp dụng gần đây và hứa không đưa ra mức thuế mới. Mỹ cũng tuyên bố chính sách thuế quan là một công cụ để đàm phán với Trung Quốc trong giai đoạn hai. Điều đó có nghĩa là Washington vẫn sẵn sàng tung bài áp thuế trong trường hợp cần thiết.
Bởi vậy, không ai dám chắc, việc mở lại các cuộc đàm phán sẽ tạo ra nhiều không gian hơn cho những bất đồng. Nhiều người thậm chí không ngạc nhiên nếu có chuyện gì đó xảy ra và tiến trình đàm phán không được tiếp tục thực hiện. Trong khi, từ nay đến lúc hai bên đặt bút ký vẫn chưa hết khó khăn, nguy cơ bị hủy vào phút chót vẫn có thể xảy ra. Chưa kể, các vấn đề địa chính trị có ảnh hưởng từ bên ngoài cũng có thể làm đoàn tàu trật đường ray.
Văn bản sẽ còn tiếp tục được xem xét về pháp lý để đảm bảo mọi điều khoản đều chính xác và đúng trình tự. Về ngôn ngữ, phần dịch và sửa lỗi vẫn chưa được thống nhất, trong khi các sắc thái ngữ nghĩa và cách dịch thuật vẫn thường xảy ra các vấn đề, những thứ bị thiếu, như vài dấu phẩy cũng có thể tạo ra sự khác biệt cơ bản.
Độ dài của Thỏa thuận Mỹ - Trung giai đoạn 1 còn bị đem ra so sánh với văn bản dài hơn 5.000 trang của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Với chỉ 86 trang sơ sài, người ta không thể tin một thỏa thuận cơ bản giải quyết xung đột giữa hai nền kinh tế vốn đầy phức tạp và nhiều lợi ích đan xen có thể cụ thể hóa được vấn đề lớn nào.
Đúng ngày Mỹ - Trung tuyên bố đạt được thỏa thuận giai đoạn 1, một cựu quan chức Mỹ viết: “Ngày quái quỷ! Đúng là thứ 6 ngày 13”. Đây thể coi như bản tóm tắt hoàn hảo nhất về hai cái gật đầu từ cường quốc kinh tế số một và số hai thế giới.