The Grand Hotel - khách sạn 14 tầng kiểu cung điện Đài Loan được xây dựng trên đường lên núi Yuanshan tại thành phố Đài Bắc. (Nguồn: Wikipedia) |
Động thái này xuất hiện sau khi hai nền kinh tế hàng đầu châu Á liên tục “ăn miếng, trả miếng” liên quan đến lệnh hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản đối với Hàn Quốc, cũng như việc Seoul chấm dứt thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo quân sự với Tokyo.
Trong bối cảnh đó, thay vì đi du lịch Nhật Bản, du khách xứ Hàn đang lựa chọn một số điểm đến khác trong khu vực châu Á. Số liệu thống kê gần đây cho thấy, một trong những lựa chọn hàng đầu của người Hàn Quốc trong dịp lễ Tạ ơn Chuseok là Đài Loan (Trung Quốc), hòn đảo nhỏ chỉ cách Sân bay Quốc tế Incheon khoảng hai giờ bay. Tiếp đến là thủ đô Bangkok của Thái Lan, và ba thành phố du lịch của Nhật Bản, bao gồm Fukuoka, Osaka và Tokyo.
Tờ Digital Chosun Ilbo của Hàn Quốc ngày 29/8 đưa tin, các khách sạn ở Đài Bắc đã “cháy phòng” trên nền tảng đặt phòng khách sạn Agoda, do một lượng lớn người dân xứ sở kim chi đã lựa chọn đến đây nghỉ dưỡng trong dịp Lễ tạ ơn Chuseok, diễn ra vào thứ Sáu ngày 13/9 sắp tới.
Về phần mình, khảo sát của trang web tìm kiếm việc làm Saramin ngày 28/8 cho thấy, khoảng 20% trong số hơn 2.500 nhân viên văn phòng Hàn Quốc khẳng định sẽ đi du lịch đến Đài Loan, Hong Kong hoặc Macau (Trung Quốc) trong kỳ nghỉ sắp tới. Trong khi đó, chỉ 8% số người được hỏi chọn đến thăm Nhật Bản, cho thấy sự sụt giảm mạnh so với con số 35% trong cuộc khảo sát của năm 2018.
Thương chiến giữa Nhật Bản và Hàn Quốc leo thang kể từ tháng 7/2019. (Nguồn: Nikkei Asian Review) |
Theo cơ quan nghiên cứu của Hàn Quốc Consumer Insight, so với năm 2018, nhu cầu du lịch Nhật Bản của khách Hàn Quốc từ tháng Bảy đến tháng Tám đã giảm 72%, trong khi ngành du lịch Đài Loan – đối tượng được hưởng lợi từ xung đột giữa Hàn Quốc và Nhật Bản - đã tăng 7%.
Theo Vùng Thông báo bay Đài Bắc, năm 2018, Sân bay Quốc tế Đào Viên – “cửa ngõ” chính của Đài Loan và 16 sân bay khác đã đón hơn 68,9 triệu hành khách đến và đi từ 149 thành phố trên khắp thế giới thông qua 92 hãng hàng không.
Được mệnh danh là một trong những điểm trung chuyển chính ở châu Á, Đài Loan sở hữu hệ thống giao không vô cùng phát triển, bao gồm các tuyến đường hàng không cùng các tuyến đường cao tốc và đường sắt hiện đại, kết nối Đài Bắc với các thành phố lớn như Đài Trung, Đài Nam và Cao Hùng.
Nhằm thu hút du lịch, Đài Loan đã tích cực quảng bá các điểm tham quan chính trên hòn đảo rộng 13.890 dặm vuông (tương đương 35.980 km2), với những ngọn núi gồ ghề ở phía Đông và khu vực đồng bằng ở phía Tây. Trong bối cảnh căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục leo thang, vùng lãnh thổ Đài Loan và một số quốc gia châu Á khác có thể được hưởng lợi từ chiếc bánh du lịch “béo bở” của người dân xứ sở kim chi.