|
Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Phó Chủ tịch Hội đồng tuyển dụng Phạm Quang Hiệu dự và phát biểu khai mạc kỳ thi.
Tham dự Lễ khai mạc còn có đại diện Ủy viên Hội đồng thi tuyển công chức; đại diện Ban Giám sát, Ban coi thi; tổ giúp việc Hội đồng thi và hơn 300 thí sinh tham dự kỳ thi.
Phát biểu khai mạc, nhắc lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Cán bộ là gốc của mọi công việc”, Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Phó Chủ tịch Hội đồng tuyển dụng Phạm Quang Hiệu khẳng định, Bộ Ngoại giao luôn coi trọng công tác tuyển dụng cán bộ, bởi đây là khâu đầu tiên, có tính quyết định đối với nguồn nhân lực của mỗi cơ quan cơ quan trong hệ thống chính trị nói chung và của Bộ Ngoại giao nói riêng.
Hằng năm, Bộ Ngoại giao đều tổ chức kỳ thi tuyển dụng minh bạch, khách quan và trở thành thương hiệu. Kỳ thi là cơ hội để Bộ Ngoại giao lựa chọn được những người có đủ phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, năng lực công tác, am hiểu nghề nghiệp, nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm.
Đây cũng là kỳ thi nhằm đáp ứng những yêu cầu được đặt ra tại Đại hội Đảng lần thứ XII cũng như tại Hội nghị Ngoại giao 30, xác định công tác xây dựng Bộ Ngoại giao ngày càng chuyên nghiệp và hiện đại, trong đó, công tác cán bộ là một trong những yêu cầu quan trọng đó.
Các thí sinh tham dự Lễ khai mạc. |
Tại lễ khai mạc, Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Phó Chủ tịch Hội đồng tuyển dụng Phạm Quang Hiệu mong rằng, kỳ thi tuyển dụng công chức năm 2020 tiếp tục diễn ra một cách công bằng, khách quan theo đúng các quy định, các thi sinh bình tĩnh, tự tin, tuân thủ các quy chế, quy định dự thi và đạt được kết quả tốt nhất.
Tại Lễ khai mạc, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ Nguyễn Việt Anh, Ủy viên Thư ký Hội đồng thi tuyển công chức của Bộ Ngoại giao đã công bố các Quyết định liên quan đến kỳ thi.
Kỳ thi tuyển dụng công chức năm 2020, Bộ Ngoại giao sẽ tuyển dụng 81 chỉ tiêu, tập trung vào các chuyên ngành, như: Quan hệ quốc tế, kinh tế quốc tế, luật quốc tế, báo chí truyền thông, tài chính kế toán, lưu trữ và công nghệ thông tin.
Các thí sinh sẽ phải trải qua 2 vòng thi. Vòng 1: Thi kiểm tra kiến thức và năng lực chung gồm kiến thức 60 câu hỏi hiểu biết chung về hệ thống chính trị, tổ chức, bộ máy của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội; quản lý hành chính nhà nước; công chức, công vụ và các kiến thức khác về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ cụ thể của Bộ Ngoại giao; Tin học văn phòng và Ngoại ngữ. Vòng 2: Thi đánh giá năng lực chuyên môn, Ngoại ngữ và phẩm chất cá nhân gồm các phần thi viết chuyên ngành và thi phỏng vấn.
Do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, các thí sinh đảm bảo việc đeo khẩu trang khi tham gia tập trung chuẩn bị bước vào kỳ thi. |
Trước đó, để tạo thêm diễn đàn chia sẻ về Ngành, nghề Ngoại giao tới các sinh viên, thanh niên trẻ có quan tâm, phấn đấu trở thành cán bộ Ngoại giao, Bộ Ngoại giao đã tổ chức chương trình giới thiệu về Ngành, nghề Ngoại giao cho các thí sinh đăng ký dự tuyển (MOFA-Openday). Sự kiện đã thu hút sự tham dự trực tiếp của đại diện tất cả các đơn vị trực thuộc Bộ Ngoại giao, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cùng hơn 400 sinh viên, thanh niên trẻ.