Nhỏ Bình thường Lớn

Khai mạc Toạ đàm “Hội nhập quốc tế - một số vấn đề đặt ra đối với nước ta từ năm 2015”

Sáng 1/7, tại Thái Nguyên, Bộ Ngoại giao phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Toạ đàm “Hội nhập quốc tế - một số vấn đề đặt ra đối với nước ta từ năm 2015”. Gần 100 đại biểu là các chuyên gia đối ngoại, kinh tế, thương mại của Trung ương và các địa phương phía Bắc sẽ cùng nhau thảo luận về những thách thức, các yêu cầu đặt ra; đồng thời đưa ra các khuyến nghị đối với địa phương và doanh nghiệp cả nước khi nước ta hội nhập sâu rộng nền kinh tế thế giới từ năm 2015.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Dương Ngọc Long đã đến dự và phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu Khai mạc Hội nghị, ông Dương Ngọc Long, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, năm 2014 hầu hết các chỉ tiêu kinh tế của Thái Nguyên đều hoàn thành kế hoạch đề ra. Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt khoảng 18,6%, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 160 nghìn tỷ đồng, tăng 640% so với cùng kỳ năm ngoái và bằng 334% kế hoạch. Kim ngạch xuất khẩu đạt 8,2 tỷ USD, bằng 820% kế hoạch, gấp 33 lần năm 2013 và nằm trong tốp các tỉnh dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt trên 3,2 tỷ USD, xếp thứ nhất cả nước, đặc biệt là đã thu hút được Tập đoàn Samsung đầu tư 6,4 tỷ USD.

Cơ sở hạ tầng của tỉnh từng bước được hoàn thiện, trong đó nổi bật là hạ tầng giao thông, lưới điện, cấp nước, viễn thông. Xây dựng nông thôn mới về trước kế hoạch 10 xã, có 25 xã gần cán đích “nông thôn mới”. Thái Nguyên cũng đã chỉ đạo các cơ quan ban ngành cần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp giai đoạn mới.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Dương Ngọc Long phát biểu tại Hội nghị.

Để có được kết quả đó, ông Dương Ngọc Long nhấn mạnh, trong nhiều năm qua Thái Nguyên đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo, đặc biệt là mục tiêu phát triển Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2020, tỉnh đã xây dựng 5 công trình, 16 đề án, 45 công trình trọng điểm. Đặc biệt, tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động đối ngoại về kinh tế cũng như đối ngoại văn hóa để thông qua đó quảng bá với bạn bè trong nước và thế giới những tiềm năng lợi thế của Thái Nguyên. Tỉnh cũng đã thực hiện quan điểm ba thân thiện: thân thiện với doanh nghiệp, thân thiện với nông dân và thân thiện với môi trường. Cùng với đó, Thái Nguyên cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và đặc biệt là nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, năm 2012 tỉnh Thái Nguyên đã vượt hơn 40 bậc so với năm 2011 và được xếp vào 8/63 tỉnh có năng lực cạnh tranh tốt.

Phát biểu tại buổi Toạ đàm, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn đã điểm lại một số nét nổi bật, tạo ra bức tranh đối ngoại tổng thể của Việt Nam trong những năm qua. Đáng chú ý, tình hình thế giới và khu vực đã có những chuyển biến sâu sắc, trong đó đặc biệt là tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi có sự cạnh tranh chiến lược gay gắt cũng như tập hợp lực lượng có thể dẫn đến bất hòa, căng thẳng trong khu vực. Các nước ASEAN nỗ lực đẩy mạnh hoàn thành mục tiêu xây dựng “Cộng đồng ASEAN” vào năm 2015.

Khu vực Trung Đông, Bắc Phi vẫn là những khu vực rất phức tạp, đặc biệt là vấn đề Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Đối với khu vực châu Á, căng thẳng trên Biển Đông là vấn đề lớn nhất khi Trung Quốc tăng cường hoạt động cải tạo, bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo với quy mô lớn chưa từng có. Đây là vấn đề đang là mối quan tâm của không chỉ ASEAN, Mỹ, Nhật Bản mà còn đối với cả những hội nghị cấp cao, Thứ trưởng nói.

Trong bối cảnh đó, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, hoạt động đối ngoại của Việt Nam xoay quanh hai mục tiêu lớn: Thứ nhất, hoạt động đối ngoại góp phần củng cố và đóng góp vào môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ…; Thứ hai, hoạt động đối ngoại nhằm tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế và đưa quan hệ song phương với các nước đi vào chiều sâu, đẩy mạnh đối ngoại đa phương và tranh thủ điều kiện thuận lợi nhất để phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá, thời gian qua, đối ngoại song phương của Việt Nam đã được triển khai đồng đều, trên khắp các khu vực, các đối tác, các địa bàn lớn, tạo ra được môi trường thuận lợi nhất cho hòa bình, ổn định, phát triển đất nước. Thông qua trao đổi đoàn các cấp, Việt Nam đã tích cực tăng cường quan hệ với các nước, đưa các quan hệ đi vào chiều sâu, hiệu quả và có được những bước phát triển đáng kể…


Tại buổi Toạ đàm, Thứ trưởng cũng đã cụ thể hoá các chính sách, chủ trương đối ngoại của nước ta, trong đó nhấn mạnh đến các vấn đề: Tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác như Lào, Campuchia, Trung Quốc, các nước ASEAN, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, EU, Ấn Độ… Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả đối ngoại đa phương; Ngoại giao kinh tế góp phần thu hút các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế đất nước; Các lĩnh vực công tác ngoại giao văn hoá, thông tin đối ngoại, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, bảo hộ công dân, các hoạt động đối ngoại của Đảng, Quốc hội, nhân dân, quốc phòng…

Thông qua buổi Toạ đàm, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn và Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Dương Ngọc Long kỳ vọng các đại biểu sẽ cùng nhau cập nhật thông tin tình hình thế giới, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta và tình hình triển khai hội nhập kinh tế quốc tế của ta trong thời kỳ chiến lược mới, từ đó hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp trong hoạch định chính sách và bồi dưỡng một số kỹ năng đối ngoại cần thiết trong triển khai hội nhập.

Dự kiến trong một ngày làm việc, các đại biểu tiếp tục nghe và thảo luận các chuyên đề “Hội nhập quốc tế giai đoạn mới - những vấn đề đối với địa phương và doanh nghiệp Việt Nam”; “Cộng đồng ASEAN 2015: Cơ hội và thách thức đối với tỉnh/thành”; “Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương và Việt Nam”; “Thách thức đối với cải cách và doanh nghiệp tại các địa phương vùng Bắc Bộ trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN năm 2015”.

Tuấn Anh