Cổng tam quan được xếp hạng quốc bảo, là cổng bằng gỗ lớn nhất thế giới, được Tướng quân đời thứ hai Tokugawa Hidetada phát tâm cúng đường kinh phí và bắt đầu xây dựng vào năm 1621. Cổng cao 24m, rộng 50m, có hai tầng. Tầng trên thờ Đức Phật Thích Ca và 16 vị La Hán. Đặc biệt, tại tầng này có thờ hai vợ chồng người thợ mộc tên Gomikinemon. Họ được giao xây cổng, nhưng vì cho xây dựng quá lớn, vượt quá dự toán kinh phí, nên bị Tướng quân khiển trách, cả hai vợ chồng cùng nhận trách nhiệm, đã mổ bụng tự tử. Do đó, tượng của hai vị này được đặc cách thờ tại đây.
Chánh điện là tâm điểm của Chion-in. Tất cả mọi khóa lễ cầu an, cầu siêu... đều được tổ chức tại đây. Chánh điện đầu tiên được xây dựng vào năm 1603, nhưng bị hỏa hoạn thiêu cháy hoàn toàn vào năm 1633. Chánh điện hiện hữu ngày nay là công trình được Tướng quân thứ ba Tokugawa Iemitsu cho xây dựng lại vào năm 1639. Khi xây dựng lại, người thợ mộc nổi tiếng thời bấy giờ là Higari Jingoro đã dùng một chiếc ô làm bùa yểm để Chánh điện không bị hỏa hoạn thiêu cháy. Có lẽ nhờ vậy, dù trải qua bao cuộc binh hỏa, Chánh điện vẫn tồn tại tới ngày nay. Chiếc ô này có tên tiếng Nhật là wasuregawa (chiếc ô bị bỏ quên), nằm ở mái trước của Chánh điện. Tuy khách thăm quan chỉ có thể thấy được phần đầu của ô, nhưng điều này tạo nên sự hấp dẫn, độc đáo của Chion- in. Trên mái Chánh điện, ngay chính giữa, người xưa đã cố tình để lại hai viên gạch còn dở vữa với hàm ý: Chánh điện vẫn chưa hoàn thiện bởi “có thành thì phải có hoại”.
Trải qua 350 năm, Chánh điện hiện bị nghiêng khoảng 1m. Dự kiến, sau Đại Lễ kỷ niệm 800 năm viên tịch của Tổ sư Honen (8/2011) sẽ bắt đầu đại trùng tu bằng cách tháo dỡ toàn bộ Chánh điện, gia cố phần móng chống động đất, thay các bộ phận bị hư mục...
Đại hồng chung là một trong 3 quả chuông lớn nhất Nhật Bản, được đúc năm 1678, cao 3,3m, nặng 70 tấn, được xếp hạng di sản văn hóa quốc gia. Trong Thế chiến II, quân đội Thiên hoàng đã hạ quả chuông xuống, định mang đi đúc vũ khí, nhưng vì không thể mang ra khỏi núi, nên chuông vẫn còn đến ngày nay. Chuông này chỉ được thỉnh mỗi năm 1 lần vào dịp Giao thừa (Tết Dương lịch), thỉnh đúng 108 tiếng với ý nguyện đánh tan 108 phiền não.
Tàng kinh các được xếp hạng di sản văn hóa quốc gia, xây năm 1621. Ngay chính giữa tòa nhà có một tủ kinh hình bát giác, cao 8m, đường kính 4m, ở giữa có trục xoay. Xung quanh tủ kinh xoay có các ngăn kéo nhỏ được đánh dấu bằng Hán tự. Trong đây có lưu giữ những bản kinh mà ngày nay được xếp hạng quốc bảo như Kinh Bồ Tát Xử Thai được chép tay vào thế kỷ 6, Kinh Đại Lâu Thán được chép tay vào thế kỷ 7... Ngoài ra, còn có bộ Đại tạng kinh thời Tống (960-1279)... Tàng kinh các không mở cửa cho khách tham quan.
Phương trượng của một ngôi chùa thường là phòng của vị trụ trì, nhưng Đại phương trượng và Tiểu phương trượng của Chion-in lại là khu vực dành riêng cho triều đình của Thiên hoàng và Mạc phủ của Tướng quân khi có chính biến. Được xây dựng năm 1641, Đại phương trượng (rộng 900m2, có 11 phòng) là nơi dành riêng cho Thiên hoàng, được xây dựng lớn gấp hai Tiểu phương trượng và phòng của Thiên hoàng được xây ba cấp, các bức tranh xung quanh đều được dát vàng. Tiểu phương trượng (rộng 450m2, có 6 phòng) là nơi dành cho Mạc phủ. Phòng của Tướng quân chỉ được xây hai cấp và treo tranh thủy mặc. Cả hai nơi này đều có một điểm chung là có phòng dành riêng cho cận vệ, nhưng người ngoài nhìn vào không hay biết. Điều đặc biệt ở hai phương trượng này là dãy hành lang dài tới 550m, được cấu trúc để tùy theo bước chân, phát ra tiếng động như tiếng chim Hoàng Oanh hót líu lo. Người đi càng nhẹ, tiếng hót càng thanh. Đây là hệ thống chống kẻ gian xâm nhập hiệu quả nhất, mà lại rất nên thơ. Các Ninja nổi tiếng của Nhật Bản cũng không thể vượt qua hành lang “chim Hoàng Oanh” này.
Anh Đức (từ Osaka)