Trong khuôn khổ trưng bày “Năm Thìn kể chuyện rồng”, Bảo tàng Hà Nội phối hợp với Trường Khoa học liên ngành và nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức tọa đàm “Hình tượng rồng trong mỹ học phương Đông”.
Rất đông khán giả tới dự buổi tọa đàm tại Bảo tàng Hà Nội. (Ảnh: Phương Thảo) |
Từ hình tượng truyền thống
Theo chia sẻ của diễn giả TS. Ngô Viết Hoàng, giảng viên môn Lý luận văn học, Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, văn hóa Đông Tây đều có hình tượng rồng nhưng hình thái biểu tượng và hàm ý rất khác biệt.
Trong khi văn hóa thẩm mỹ phương Đông trọng sự hàm súc, cảm tính, trung dung và hài hòa thì phương Tây tập trung vào vẻ đẹp khai phóng, lý tính, cấp tiến, tự chủ.
Với TS. Trần Hậu Yên Thế, giảng viên Đại học quốc gia Hà Nội: “Hình tượng rồng phương Đông cũng có tính ác, nhưng nó đại diện cho cái ác của vũ trụ, như cái bất thường của thiên tai, giông tố.
Người Nhật Bản, Trung Hoa, Việt Nam đều cho rằng rồng mang bộ mặt già nua vì nó gợi lên sự trường tồn với vũ trụ, sức sống lâu dài với thời gian”.
Các diễn giả chia sẻ về hình tượng rồng. (Ảnh: Phương Thảo) |
TS. Trần Hậu Yên Thế cũng cho rằng, con rồng Việt mang một sắc thái địa văn hóa rất rõ. Đó là lý do những con thuyền của người Việt thường hay vẽ mặt rồng, thể hiện kế sinh tồn gắn với ước nguyện và môi trường sinh sống của người Việt.
Trong kiến trúc cung đình, con đường dành riêng cho vua sẽ có hai con rồng chầu giúp tạo nên thế oai linh, quyền uy cho nhà vua và cũng ẩn dụ vua là thiên tử…
Theo ông, thế kỷ XVII, XVIII là giai đoạn rất hoàng kim mà rồng xuất hiện nhiều trong điêu khắc đình làng - không gian mang tính cộng đồng, hiện diện tính văn hóa của Việt Nam.
… gợi mở cho ngành công nghiệp văn hóa
Từ hình tượng rồng, TS. Ngô Viết Hoàng đã gợi mở cho một xu hướng của ngành công nghiệp văn hóa đối với các linh vật mang màu sắc truyền thống, hàm chứa giá trị văn hóa dân tộc.
Đồng quan điểm này, TS. Trần Hậu Yên Thế cũng bày tỏ mong muốn hình tượng rồng Việt được đưa vào đời sống: “Tôi hy vọng trong tương lai chúng ta có thể lựa chọn rồng làm linh vật cho sự kiện lớn. Người Việt thường tự hào về nguồn gốc “cha Rồng mẹ Tiên” nhưng không có những sản phẩm để ghi dấu điều đó”.
Đạo diễn Ninh Quang Trường chia sẻ góc nhìn cá nhân. (Ảnh: Phương Thảo) |
Đạo diễn Ninh Quang Trường, Đài Truyền hình Việt Nam cho biết dịp Tết vừa rồi anh đã sang Trung Quốc và chứng kiến cách họ gắn hình tượng rồng với ngành công nghiệp văn hóa.
Anh chia sẻ: “Sự thật là những linh vật về rồng được bán tràn lan khắp mọi nơi cho khách thập phương hay những người đến du Xuân. Có những sản phẩm hình rồng trông rất đáng yêu thì để đâu cũng được, có thể để ở góc học tập, chỗ làm việc…
Anh Trường cho biết thêm: “Khi đã sản xuất, người Trung Quốc thường làm với số lượng lớn, nhiều mẫu mã, màu sắc khác nhau, như: rồng cho nam, rồng cho nữ, cho các cặp đôi yêu nhau, rồng dành tặng cho ông bà...
Mỗi năm, Việt Nam cũng có một lượng khách du lịch rất lớn và nếu hình tượng rồng được đi vào trong đời sống theo cách như vậy, sẽ có những câu chuyện rất thú vị”.