📞

Khẳng định bản sắc bằng Hoa văn Đại Việt

21:43 | 04/03/2017
“Khi mỗi người Việt Nam là một sứ giả quảng bá văn hóa dân tộc thì chắc chắn sự lan tỏa sẽ hiệu quả không những ở trong nước mà còn cả trên trường quốc tế”.

Họa sĩ Cù Minh Khôi (Chi hội trưởng của nhóm Đại Việt Cổ Phong tại miền Bắc, Chủ nhiệm dự án “Hoa văn Đại Việt”) đã chia sẻ nỗi trăn trở của mình…

Từ khó khăn trong thiết kế trang phục cho phim

Gặp khó khăn khi vẽ lại hoa văn thời Lý - Trần cho những bộ trang phục cung đình trong bộ phim cổ trang “Phật hoàng Trần Nhân Tông”, họa sĩ Cù Minh Khôi cho rằng Việt Nam hiện tại không có một thư viện hoa văn cổ nào để làm cơ sở ứng dụng cho các sản phẩm mang tinh thần văn hóa Việt. Trong khi đó, nhiều nước khác đã có hàng ngàn mẫu, tập hợp thành những thư viện hoa văn vector, được tùy chọn trên mạng, có thể miễn phí hoặc có thể mua với giá không cao.

Thực tế hiện nay, nhiều người sử dụng đành phải tìm mua mẫu hoa văn từ Trung Quốc hay Nhật Bản để đưa vào thiết kế những sản phẩm mang tinh thần văn hóa truyền thống. Thấy rõ được những khó khăn này, nhóm Đại Việt Cổ Phong đã đưa ra ý tưởng vẽ và hệ thống lại hoa văn cổ của Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử thành một thư viện online mang tên “Hoa văn Đại Việt”.

Hình ảnh tái hiện không gian ngày Tết xưa (giới thiệu về văn hóa ăn, mặc, ngồi của người Việt). (Ảnh nhân vật cung cấp)

Dự án dành tặng miễn phí cho cộng đồng sáng tạo nghệ thuật Việt Nam, để từ đó có thể ứng dụng vào các sản phẩm mỹ thuật đương đại như điện ảnh, truyện tranh, thời trang, kiến trúc, nội thất, quà lưu niệm, góp phần chống lại sự “xâm nhập” văn hóa từ các nước trong khu vực.

Có thể nói, đây là sự kết hợp giữa giá trị truyền thống và tính ứng dụng trong mỹ thuật hiện đại. Các loại hoa văn này được vẽ bằng công nghệ vector trên phần mềm đồ họa để dễ dàng ứng dụng được vào các sản phẩm trong đời sống. Đặc biệt, số hoa văn được phân loại theo từng thời kỳ để cộng đồng có thể định hình, nhận biết về hoa văn cổ dễ dàng hơn.

Trong tương lai, Đại Việt Cổ Phong sẽ có nhiều dự án như phỏng dựng trang phục Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử, phỏng dựng đèn lồng Việt Nam qua tài liệu khảo cứu, phỏng dựng sơ khảo các kiến trúc của Việt Nam qua các triều đại... Bên cạnh đó, nhóm cũng sẽ tổ chức các buổi giới thiệu phong tục, lễ nghi, tín ngưỡng, tập quán, ẩm thực của người Việt đến các bạn trẻ.

Theo họa sĩ Khôi, Dự án còn mạnh dạn ứng dụng vào các sản phẩm mỹ thuật như sách tô màu Hoa văn Đại Việt, lịch Tết, móc chìa khóa, áo phông, quạt giấy... Nhiều sản phẩm có kèm chú thích về tên gọi, nguồn gốc, thời kỳ và ý nghĩa của từng hoa văn. Không chỉ vậy, nhóm cũng đang hoàn thiện cuốn sách Hoa văn Đại Việt bao gồm thông tin và những câu chuyện thú vị về hoa văn cổ và sẽ xuất bản cuốn sách trong thời gian tới.

Nét đẹp xưa trong cách nhìn mới

Có thể nói, hiện nay vẫn còn khoảng trống trong nhận thức giá trị văn hóa dân tộc trong giới trẻ. “Một khi đã hiểu căn bản về văn hóa của dân tộc mình thì sự lúng túng sẽ không còn nữa. Câu chuyện tái hiện và quảng bá văn hóa truyền thống, đến nay, còn mang tính chất hời hợt, chắp vá, nhỏ lẻ, là làm cho có, chỉ chú trọng về lượng. Trong khi đó, cốt lõi của văn hóa nằm cả ở giá trị về chất lẫn tinh thần”, họa sỹ Khôi trăn trở.

Để khơi gợi tình yêu văn hóa nước nhà trong giới trẻ, họa sỹ này cho rằng nên đưa những hoa văn ấy vào thực tế cuộc sống, vào các sản phẩm từ truyền thông đến giải trí như báo chí, phim ảnh, truyện tranh, MV ca nhạc, quà tặng, cosplay (hóa trang thành nhân vật yêu thích)...

 “Những điều ấy có thể tái hiện phần nào nét đẹp văn hóa xưa của người Việt theo cách nhìn của những người trẻ”, họa sĩ Khôi chia sẻ.

Dự án là cẩm nang để đưa vào giảng dạy

“Dự án Hoa văn Đại Việt có thể giúp ích rất lớn cho việc giải thích, diễn giải các di tích lịch sử, các hiện vật có tính văn hóa trong ngành du lịch.

Thực tế, hiểu biết về di sản của dân tộc là việc không đơn giản, vẫn còn những vùng “trắng” trong nắm bắt ký tự Hán Nôm cổ, hay hoa văn được thể hiện bằng thủ pháp mỹ thuật cổ. Vì thế, Dự án này là một cẩm nang để chúng tôi có thể đưa vào giảng dạy.

Bên cạnh đó, ứng dụng các hoa văn này vào trong những sản phẩm thuần Việt, tạo ra sự phong phú hơn nữa cho danh mục đồ lưu niệm để bán cho khách du lịch, giúp họ có ký ức tốt đẹp về đất nước ta là một việc nên làm.

Trên thực tế, màu sắc Việt Nam qua các sản phẩm lưu niệm du lịch vẫn còn khá mờ nhạt. Vì thế, Dự án còn có ý nghĩa tạo ra hướng mở cho công nghiệp sản phẩm và dịch vụ du lịch.

Trước đây, trong chương trình học hướng dẫn viên du lịch của chúng tôi có môn Mỹ thuật Việt Nam truyền thống. Nhưng nhiều năm gần đây, môn học này đã bị bỏ đi. Có lẽ cần xem xét lại. Tôi nghĩ, nhân rộng sự hiểu biết này đến công chúng trẻ là một việc làm thiết thực, giúp họ có đam mê và hiểu biết. Từ đó, họ sẽ có tình yêu đối với văn hóa cổ của dân tộc”.

Thạc sĩ Trịnh Lê Anh, Khoa Du lịch, Trường ĐHKHXH&NV Hà Nội