Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945 dẫn tới việc khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có ý nghĩa lịch sử to lớn đối với dân tộc ta và có ý nghĩa quốc tế sâu sắc. Trong ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 2/9/1945. (Nguồn: Tư liệu TTXVN) |
Trong nhiều năm gần đây, trước những ngày lễ lớn gắn liền với các sự kiện quan trọng của đất nước, các thế lực thù địch thường đẩy mạnh nhiều hoạt động chống phá về tư tưởng qua các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Phủ nhận thành quả của Cách mạng tháng Tám năm 1945 và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương với cuộc cách mạng đó là một thủ đoạn mà chúng ta thường thấy.
Thực tiễn lịch sử Việt Nam 78 năm qua là minh chứng hùng hồn, thuyết phục khẳng định những giá trị bất biến của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là xóa bỏ chế độ thuộc địa nửa phong kiến, thiết lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Giá trị bất biến không thể phủ nhận của Cách mạng tháng Tám năm 1945 thể hiện ở mấy điểm nổi bật sau.
Thứ nhất, Cách mạng tháng Tám năm 1945 bùng nổ và thắng lợi do Đảng Cộng sản Việt Nam (lúc đó với tên gọi là Đảng Cộng sản Đông Dương), đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh sáng suốt lựa chọn con đường giải phóng dân tộc một cách đúng đắn.
Ngay từ những năm bôn ba nước ngoài tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản”. Các cao trào cách mạng 1930-1931, 1936-1939, 1939-1945 thực sự là những cuộc “diễn tập” để khi có tình thế và thời cơ chín muồi, Trung ương Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã phát lệnh Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước đúng thời cơ, vào thời điểm thuận lợi nhất nên cuộc cách mạng này đã diễn ra nhanh chóng, ít đổ máu và giành thắng lợi trên toàn quốc.
Thứ hai, nếu không có Cách mạng tháng Tám năm 1945, nước ta không thể có cơ đồ, vị thế, uy tín và tiềm lực như hiện nay và nhân dân ta khó có được địa vị người làm chủ như bây giờ.
Trước năm 1945, Việt Nam là một nước thuộc địa nửa phong kiến, nghèo nàn, lạc hậu và không có tên trên bản đồ thế giới. Trình độ dân trí thấp, nạn đói năm 1945 do phát xít Nhật gây ra đã cướp đi hơn 2 triệu sinh mạng người dân.
Ngay sau khi tuyên bố độc lập, ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chủ tịch đã nêu sáu nhiệm vụ cấp bách, trong đó cứu đói là nhiệm vụ hàng đầu. Chiến thắng “giặc đói” là một trong những thành tựu lớn đầu tiên của nhà nước cách mạng và thể hiện rõ tính ưu việt của chế độ mới.
Song hành với nhiệm vụ diệt “giặc đói” là diệt “giặc dốt” với phong trào “Bình dân học vụ”, xây dựng nền văn hóa mới, nếp sống mới, xóa bỏ văn hóa nô dịch của chế độ thực dân, phong kiến. Tiếng Việt được dùng chính thức trong hệ thống trường học Việt Nam.
Thứ ba, Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã xóa bỏ sự thống trị của thực dân, phát xít và phong kiến, xây dựng nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên trong lịch sử dân tộc.
Mục tiêu của Cách mạng thàng Tám năm 1945 là đánh đổ đế quốc Pháp, phát xít Nhật và phong kiến tay sai, giành độc lập dân tộc hoàn toàn, độc lập dân tộc thực sự để đi đến xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, ưu việt hơn. Đó không phải là sự chuyển giao từ chế độ “vua trị” sang “đảng trị” mà là sự thay đổi về bản chất, từ chế độ “quân chủ phong kiến” sang chế độ “dân chủ cộng hòa”, từ chế độ cai trị tàn bạo thực dân, phong kiến sang chế độ nhân dân làm chủ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, sự quản lý của Nhà nước dân chủ nhân dân.
78 năm qua từ khi Cách mạng tháng Tám bùng nổ và thắng lợi cũng là gần một thế kỷ khẳng định: Không có Cách mạng tháng Tám thì không có sự ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.