📞

Khi kinh tế và thương mại quốc tế “vận động”

Phan Thanh 10:00 | 14/04/2019
Các diễn đàn đa phương từ WTO, Liên hợp quốc, APEC, G20, G7,... đều đang có những khó khăn riêng trong việc tìm tiếng nói chung.

Vai trò của các thể chế đa phương và luật lệ, quy định thương mại quốc tế phổ cập (đặc biệt là WTO) có phần suy giảm. Những xu thế và diễn biến mới đó, chắc chắn có những tác động không nhỏ tới tình hình hợp tác kinh tế đa phương, khu vực nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam nói riêng.

“Hiện đại hóa WTO”

Tháng 7/2018, lần đầu tiên trong Tuyên bố chung Hội nghị G7 đề cập tới việc “hiện đại hóa WTO” theo hướng công bằng hơn. Các tổ chức, diễn đàn hợp tác thương mại (như ASEM, ASEAN…) tiếp tục tuyên bố ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, song hành động và cam kết mới để cải cách, hay củng cố vai trò WTO còn hạn chế. WTO cũng bị cho là chưa xử lý những vấn đề quan trọng liên quan đến thương mại như an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, hay mất cân đối thương mại toàn cầu.

Khi kinh tế và thương mại quốc tế “vận động”.

Trong bối cảnh đó, chủ nghĩa bảo hộ ngày càng nổi lên rõ nét hơn. Các biện pháp hạn chế thâm hụt thương mại được các nước sử dụng nhiều hơn. Riêng khu vực châu Á – Thái Bình Dương từ năm 2008 đến nay đã có hàng chục nghìn biện pháp có tác động hạn chế thương mại. Xung đột thương mại, cạnh tranh chiến lược và cọ sát kinh tế giữa các nền kinh tế chủ chốt có xu hướng gia tăng, đặc biệt là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Hội nghị Tổng kết của Ban chỉ đạo Quốc gia về Hội nhập quốc tế sẽ đánh giá toàn diện kết quả Chính phủ thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị khóa 11 về Hội nhập quốc tế và Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 5/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 về “Thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế, giữ vững ổn định chính trị-xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”, với trọng tâm là thời kỳ 2014 - 2019, rút ra các bài học kinh nghiệm và đề ra các biện pháp tăng cường hội nhập quốc tế phù hợp trong thời gian tới.

Không có giới hạn cho tăng trưởng

Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, vào nửa đầu tháng 4/2019, Hội nghị Tổng kết hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia về Hội nhập quốc tế sẽ được tổ chức với chủ đề “Tăng cường hội nhập quốc tế chủ động, sáng tạo, hiệu quả vì phát triển nhanh và bền vững”.

Cách mạng Công nghiệp (CMCN) 4.0 đang có những diễn biến nhanh chưa từng có, với sự hội tụ của nhiều công nghệ đột phá. Nổi bật là kinh tế số liên tục có những chuyển biến lớn, với ảnh hưởng thực tế và tiềm năng lớn đối với phương thức tăng trưởng và phát triển của các quốc gia trên thế giới. Chẳng hạn, công nghệ blockchain ngày càng được ứng dụng nhiều hơn trong các công đoạn của hoạt động thương mại. Nhờ đó, chi phí vận chuyển và liên lạc giảm, dây chuyền cung cấp hiệu quả hơn, giảm thiểu chi phí thương mại, qua đó mở rộng thị trường và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…

Bên cạnh đó, CMCN 4.0 cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử khiến các sản phẩm hữu hình không còn quan trọng như trước. Vì vậy, ưu tiên trong đàm phán tự do hóa thương mại đã dịch chuyển từ mua bán hàng hóa vật chất, sang mua bán dịch vụ xuyên biên giới. Đàm phán cũng không còn giới hạn ở cắt giảm thuế, mà còn là các hàng rào kỹ thuật mới, liên quan đến công nghệ số, chủ quyền số và thông tin người dùng.

Trong bối cảnh trên, với thành tựu công nghệ ở nhiều lĩnh vực, kinh tế thế giới đang bước vào giai đoạn tăng trưởng mới, chủ yếu dựa vào công nghệ và đổi mới, sáng tạo. Đây là những động lực mới, có thể không có giới hạn cho tăng trưởng, là cơ hội phát triển vượt bậc cho các quốc gia nắm bắt những xu hướng mới, đầu tư thích đáng và hiệu quả.

“Vận động” trước thách thức mới

Với Việt Nam, hệ thống thương mại đa phương có thể sẽ còn gặp không ít thách thức. WTO đã đưa Hiệp định tạo thuận lợi thương mại vào thực hiện từ năm 2017, song bước tiến này là chưa đủ.

Khi tranh chấp thương mại giữa các nền kinh tế lớn trở nên thường xuyên, việc xử lý tranh chấp không còn dừng ở mức trao đổi, đàm phán song phương, mà đã nâng thành hành động pháp lý. Các vụ kiện ra WTO trở nên phổ biến. WTO cũng rất tích cực tham gia giải quyết các bất đồng, tuy nhiên, một số nền kinh tế lớn đã có nhìn nhận khác nhau về vai trò và tôn chỉ của tổ chức này.

Việc lần đầu tiên trong lịch sử APEC không thông qua được tuyên bố chung là một kết quả không mong muốn, bởi nguyên nhân một phần từ sự thiếu đồng thuận về tiếp tục ủng hộ hệ thống thương mại đa phương. Đây cũng chính là vấn đề mà các nền kinh tế thành viên APEC đang gặp phải trong việc thúc đẩy hành động thực chất hướng tới thực hiện mục tiêu Bogor vào năm 2020 và xây dựng tầm nhìn APEC sau 2020.

Các nỗ lực thúc đẩy hợp tác và liên kết kinh tế ở cấp khu vực, nhiều bên và song phương vẫn tiếp diễn, dù có chậm hơn, và châu Á – Thái Bình Dương vẫn là một khu vực năng động hàng đầu trong tiến trình này. Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) bắt đầu có hiệu lực từ 30/12/2018. Các nền kinh tế thành viên Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cũng khẳng định quyết tâm hoàn thành đàm phán vào năm 2019. ASEAN vẫn phát huy được vai trò trung tâm ở các thiết chế của khu vực.

Tuy nhiên, cạnh tranh địa chiến lược giữa các siêu cường kinh tế ở khu vực cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc thiết kế và đàm phán các FTA. Xu hướng này càng đặc biệt rõ hơn ở các vấn đề mới, chẳng hạn như thương mại điện tử, sở hữu trí tuệ,... Do vậy, cân nhắc và quyết định tham gia đàm phán FTA đang khó khăn hơn, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển.

Theo Bộ Công Thương, những xu thế trên có thể mang lại một số cơ hội quan trọng cho Việt Nam. Với việc chuẩn bị thực hiện CPTPP và chờ phê chuẩn EVFTA, Việt Nam được đánh giá là có thể cải thiện đáng kể tiếp cận thị trường xuất khẩu, qua đó tạo thêm việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ước tính, CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Đến năm 2030, Cách mạng Công nghiệp 4.0 có thể giúp GDP Việt Nam tăng thêm từ 28,5 - 62,1 tỷ USD, tương đương mức tăng GDP 7-16% tùy theo từng kịch bản.

Tuy nhiên, những hàng rào kỹ thuật mang hơi hướng bảo hộ ở các thị trường phát triển cũng đòi hỏi Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam phải không ngừng nâng cao khả năng cạnh tranh, khả năng thích ứng và đổi mới khoa học công nghệ