📞

Khi nào thì nên tiêm vaccine tăng cường sau khi nhiễm Covid-19?

An Yên 17:21 | 26/03/2022
Tại Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), người dân được khuyến cáo tiêm nhắc lại vaccine sau 3 tháng kể từ khi có kết quả xét nghiệm âm tính.
Tại một số nơi, người dân được khuyến cáo tiêm nhắc lại 3 tháng sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính. (Nguồn: Pharmaceutical-technology)

Với sự lây lan của biến thể Omicron trên khắp thế giới, nhiều người đặt câu hỏi liệu có cần tiêm liều tăng cường nếu một người vừa nhiễm Covid-19 hay không.

Về lý thuyết, nhiễm trùng có thể tạo ra các kháng thể gọi là miễn dịch tự nhiên. Nhưng điều đó có thể thay thế tiêm chủng không?

Vì liều tăng cường có thể bảo vệ một người khỏi bệnh nặng, các cơ quan y tế ở nhiều quốc gia khuyên mọi người nên tiêm ngay sau khi nhiễm Covid-19 nhưng các hướng dẫn có sự khác nhau.

Ở Singapore, người dân được khuyến cáo tiêm nhắc lại 3 tháng sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính, nhưng thực tế, có thể tiêm sau 28 ngày.

Theo các cơ quan y tế Anh, người mới khỏi bệnh cần đợi ít nhất 4 tuần trước khi tiêm nhắc lại. Ở Hong Kong, bệnh nhân khỏi Covid-19 không cần tiêm gấp mũi thứ 3.

Khả năng bảo vệ kép ở những người từng nhiễm bệnh và sau đó được tiêm đủ 2 mũi cao hơn và lâu dài hơn. Khả năng miễn dịch này vẫn mạnh mẽ một năm sau khi nhiễm bệnh và hơn 6 tháng sau khi tiêm chủng.

Từng nhiễm bệnh có thể bảo vệ bạn trong khoảng 6 tháng, với khả năng miễn dịch bắt đầu suy yếu sau 4 đến 6 tháng. Một nghiên cứu của Đại học Johns Hopkins cho thấy, những người đã tiêm 2 liều vaccine mRNA nhưng nhiễm bệnh sau đó có khả năng miễn dịch lâu hơn so với những người đã nhiễm bệnh nhưng chưa tiêm chủng.

“Một số người có kháng thể với SARS-CoV-2 có thể nhiễm bệnh sau khi tiêm chủng (nhiễm Covid-19 đột phá) hoặc tái nhiễm”, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ thông tin.

Ở Hong Kong, người già đang được tiêm chủng hàng loạt khi đợt sóng thứ năm bùng phát. Những người cao tuổi đã khỏi Covid-19 sẽ được tiêm mũi tăng cường sau 3 tháng.

Kinh nghiệm ở Nam Phi, quốc gia đầu tiên bị Omicron tấn công, cho thấy từng nhiễm các biến thể khác trước đó không có nhiều tác dụng với Omicron.

Ngoài ra, một nghiên cứu ở Qatar ghi nhận từng nhiễm Covid-19 có hiệu quả bảo vệ 90,2% chống lại biến thể Alpha, 85,7% với Beta, 92% với Delta nhưng chỉ có 56% với Omicron.

Ở Anh, trước tháng 11/2021, khi Omicron chưa xuất hiện, tái nhiễm chỉ chiếm khoảng 1% các ca Covid-19. Nhưng tỷ lệ đã tăng lên khoảng 10% sau đó.

Dù một người đã nhiễm bệnh trước đó hay chưa, các nhà khoa học đề xuất bất kỳ loại vaccine nào được chấp thuận và có thể tiếp cận đều phù hợp.

Rõ ràng, ngay cả vaccine mRNA - được cho là hiệu quả nhất chống lại các biến thể trước đó của Covid-19 - cũng không thể ngăn chặn hoàn toàn sự lây truyền của biến thể Omicron. Nhưng bất kỳ vaccine nào đã được phê duyệt đều giúp giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh và tử vong.

(theo Vietnamnet)