TIN LIÊN QUAN | |
Bế mạc ASEAN Para Games 9: Tôn vinh những người khuyết tật | |
Một kỷ nguyên mới cho người khuyết tật trong ASEAN |
“Những người khuyết tật (NKT) tay chân thì làm thế nào để cầm máy quay phim, máy ảnh? Họ sẽ làm gì để có những thước phim, bức ảnh đẹp khi không nhìn và không nghe được? Họ làm gì khi chân họ không được bình thường để theo kịp nhân vật mà họ muốn phỏng vấn?... Những câu hỏi như vậy thường xuất hiện khi chúng ta nghĩ đến những NKT làm truyền thông. Hãy đến thăm một lớp học đặc biệt để tìm câu trả lời.
Người khuyết tật cũng có cách làm truyền thông theo cách riêng của họ. (Ảnh: MH) |
Ươm mầm những ước mơ
Trong buổi khai giảng lớp học truyền thông “Lăng kính NKT” thuộc Dự án “Truyền thông về quyền NKT trên nền internet” do Đại sứ quán Mỹ tài trợ, Giảng viên Nguyễn Minh Châu đã “truyền lửa” cho các học trò. Giảng viên đặc biệt Nguyễn Minh Châu lấy luôn buổi gặp gỡ quý giá với bà Marcia Anglarill - Tùy viên văn hóa Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội - như một đề tài để các bạn thực hành phỏng vấn. Với sự khuyến khích của cô Minh Châu, nhiều em khuyết tật đã mạnh dạn đưa ra các câu hỏi thú vị với bà Tùy viên văn hóa. Chẳng hạn, nhóm người điếc (những người hoàn toàn không nghe được và phải dùng ngôn ngữ cử chỉ) rất thích nhảy hiphop, vậy Đại sứ quán Mỹ có chương trình hiphop nào cho NKT, hoặc mời đoàn hiphop có NKT đến Việt Nam biểu diễn chưa?...
Vui vẻ trả lời câu hỏi của các em, bà Anglarill còn chia sẻ thêm thông tin về các dự án dành cho các du học sinh nhận học bổng Chính phủ Mỹ hàng năm hoặc dự án cho nhóm thanh niên tham gia Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI). Các dự án này mở ra nhiều cơ hội cho các thanh thiếu niên Việt Nam nói chung và thanh thiếu niên là NKT nói riêng.
Những thông tin của bà Marcia Anglarill dường như đã tiếp thêm sức mạnh cho các học viên. Lớp học trở nên sôi động hơn. Những gương mặt kìm nén nỗi đau trên xe lăn hay đau đớn về thể xác dường như đã tan biến. Thay vào đó là sự tự tin, niềm khao khát được học hỏi, vượt lên những khiếm khuyết của cơ thể để thể hiện khả năng của mình.
Tham dự Lễ khai giảng lớp học truyền thông “Lăng kính người khuyết tật” thuộc Dự án “Truyền thông về quyền NKT trên nền internet” do Đại sứ quán Mỹ tài trợ có bà Dương Thị Vân, Ủy viên thường trực Ban chấp hành Liên hội về người khuyết tật Việt Nam, Chủ tịch Hội Người khuyết tật Thành phố Hà Nội; ông Phạm Kiều Định, Chủ tịch Hội người khuyết tật quận Ba Đình và bà Marcia Anglarill, tùy viên văn hóa Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội cùng hơn 20 học viên đến từ 12 quận, huyện nội, ngoại thành Hà Nội . |
Cô “kỳ dị”, trò “đánh bại tử thần”
Giảng viên Nguyễn Minh Châu khích lệ: “Các bạn cứ mạnh dạn lên. Tôi rất sẵn sàng trả lời tất cả các câu hỏi của các bạn…”.
Nhìn "cô giáo" Châu bây giờ, khó ai có thể tưởng tượng được rằng khi sinh ra, cô là một đứa trẻ yếu ớt, tay chân ngắn, đầu to và luôn bị các bạn kỳ thị. Với chiều cao chỉ bằng đứa trẻ năm tuổi, vậy mà Nguyễn Minh Châu đã vượt lên những khiếm khuyết bẩm sinh để trở thành một người làm truyền thông đúng nghĩa. Minh Châu hiện là người dẫn chương trình (MC) có tiếng của Đài truyền hình Việt Nam, là MC của chương trình “Cuộc sống vẫn tươi đẹp” do chính NKT thực hiện phát sóng trên kênh VTV4. "Cô giáo" Châu đã vươn lên từ một “cô bé kỳ dị” rồi tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ, làm việc cho tổ chức Tầm nhìn Thế giới (World Vision) và có tên trong danh sách những thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á.
Từ nghị lực và kinh nghiệm bản thân, đặc biệt là kinh nghiệm trong năm tuần trao đổi tại Chương trình YSEALI vừa qua tại Mỹ, Châu đã say sưa chia sẻ và tạo cảm hứng cho các học viên NKT tại lớp học đặc biệt hôm đó.
Lớp trưởng Đặng Nguyên Thức, đại diện cho lớp, hứa với cô và cũng là hứa với chính mình: “Chúng ta hãy cầm tay nhau, quyết tâm học hỏi, tiếp thu những kiến thức, kỹ năng cô giáo chia sẻ để cuối kỳ, chúng ta có những sản phẩm tốt nhất, thể hiện được khả năng và tình cảm của chúng ta”.
Giọng của Thức không to và rõ như những người bình thường. Mọi người thường gọi Thức là người “đánh bại tử thần”. Thức bị phơi nhiễm chất độc da cam thể nhiễm sâu từ người bố là bộ đội. Năm 1994, Thức đã phải cắt bỏ khối u thận nặng 5,5 kg, một trong những khối u thận lớn nhất thế giới. Năm 1997, anh lại phải điều trị thận nhưng bác sỹ trả về vì không có thuốc nào chữa được. Giờ anh đang là thầy giáo dạy Toán - Lý - Hóa bậc Trung học phổ thống khá nổi tiếng ở Hà Nội. Nguyễn Văn Tiến - học trò của thầy Thức - đã đoạt giải Nhì cuộc thi “Tin học Quốc tế dành cho NKT trẻ năm 2016”.
Mỗi khóa học rồi sẽ kết thúc, song những gì các học viên khuyết tật được chia sẻ sẽ giúp họ vững bước trên con đường vốn gập ghềnh, vượt lên bản thân, vượt qua những khiếm khuyết bẩm sinh để đóng góp và cống hiến cho xã hội như những người bình thường.
Khai giảng lớp tiếng Anh miễn phí vì cộng đồng của người khuyết tật "Những ai trên địa bàn phường Cống Vị và lân cận, cần học tiếng Anh giao tiếp đều có thể đăng ký học". |
Thành lập Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Lao động - ... |
Hiện thực hóa quyền của người khuyết tật Đây chính là chủ đề của Hội nghị Diễn đàn Người khuyết tật khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APDF) sẽ được tổ ... |