📞

Khi nhà ngoại giao làm báo

14:28 | 26/06/2014
Trong suốt quãng đời làm ngoại giao của mình, Tiến sĩ lịch sử Nguyễn Ngọc Trường luôn tự hào vì khoảng thời gian gắn bó với nghề báo. ông cho rằng công việc viết báo đã giúp cho hoạt động ngoại giao của mình được mềm mại hơn...
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường tại Tọa đàm "Nhà báo - Nhà ngoại giao: Đâu là ranh giới?" ngày 20/6 tại Hà Nội.

Tại Tọa đàm "Nhà báo - Nhà ngoại giao, đâu là ranh giới?" do báo TG&VN tổ chức nhân kỷ niệm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, Tổng Biên tập đầu tiên của báo TG&VN, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mexico, Thụy Điển, đã có dịp được trải lòng về chuyện nghề chuyện nghiệp…

Hiểu được ranh giới và giao thoa

Nói về chủ đề của Tọa đàm, theo Đại sứ Nguyễn Ngọc Trường, hiện là Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ quốc tế, việc so sánh làm báo với làm ngoại giao nghe chừng có phần khập khiễng, bởi sự khác nhau ở bản chất: Ngoại giao đòi hỏi chính thống, quan phương, trong khi báo chí đòi hỏi nhanh, giật gân và thậm chí tạo ra scandal. Về mặt tiếp cận thông tin, có những thông tin chỉ khi tiếp xúc ngoại giao mới có được và cũng có những thông tin mà chỉ nhà báo mới tìm kiếm được. Cả hai công việc đều cần sự nhạy cảm nắm bắt tình hình nhưng mục đích và văn phong lại khác nhau.

Tuy nhiên, theo ông, bên cạnh những ranh giới ấy, giữa làm báo và làm ngoại giao vẫn có sự giao thoa nhất định. Đại sứ cho rằng, việc viết một bài phân tích, bình luận báo chí tốt cũng như viết một bức điện, một báo cáo ngoại giao tốt. Đó cũng là một cuộc "vượt dốc" và người viết đều cần phải có "bột" để "gột nên hồ". Để có "bột", người làm ngoại giao và người làm báo đều cần phải biết phương pháp và kỹ năng thu thập thông tin, phân loại thông tin, phân tích và tổng hợp thông tin để có thể đưa ra những phân tích, dự báo và định hướng hoặc kiến nghị.

Đặc biệt, đối với làm báo và làm ngoại giao, có quá nhiều tư liệu cũng là một thách thức. Lúc này, người ta dễ bị ngập chìm giữa biển sự kiện, thông tin và bị rối giữa các quan điểm khác nhau. Vì vậy, người làm hai công việc này đều cần phải vượt lên trên các sự kiện, làm chủ quá trình phân tích các sự kiện, tìm ra các mối liên kết, phát hiện bản chất, để từ đó đưa ra các nhận xét, bình luận và dự báo.

Khi phân tích vấn đề này, Đại sứ Trường đã liên hệ và đưa ra những ví dụ thực tế sinh động về tình hình biển Đông hiện nay. Từ các sự kiện chính yếu khi được xâu chuỗi lại, ông đã nhận thấy quy luật: Trung Quốc lấn chiếm Biển Đông 1955, 1974, 1988, 2014 đều gắn với "khoảng trống quyền lực nước lớn". Theo ông, “điều quan trọng đối với nhà ngoại giao cũng như người viết bình luận là đưa ra các dự báo chiều hướng phát triển sự kiện và cần có một cái nhìn thông suốt”.

Vận dụng chuyện "con dao và cái chổi"

Công tác nhiều năm ở Bộ Ngoại giao, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường cho biết, đó là một quá trình tích lũy miệt mài, không ngừng nghỉ. Với ông, khoảng thời gian từng làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô cũng là nền tảng vững chắc cho công tác nghiên cứu lâu dài cũng như đến với nghề báo và làm việc tại tờ báo đầu tiên của Bộ Ngoại giao.

Chia sẻ kinh nghiệm về sự luân chuyển công việc giữa nhà báo và nhà ngoại giao, Đại sứ Trường khẳng định: "Tổng Biên tập phải khác Đại sứ". Ông cho biết, khi được phân công làm Đại sứ tại các nước, ông đã phải thay đổi toàn diện từ trang phục, lời ăn, tiếng nói đến tác phong, đi đứng, cách cư xử. Về chuyên môn, chuyển từ viết báo sang viết báo cáo, tờ trình, ông cũng phải thay đổi cách tiếp cận, cách phân tích, lý giải và văn phong.

“Điều quan trọng đối với nhà ngoại giao cũng như người viết bình luận là đưa ra các dự báo chiều hướng phát triển sự kiện và cần có một cái nhìn thông suốt”.

Đại sứ Nguyễn Ngọc Trường

Rõ ràng là trải nghiệm làm báo đã giúp cho kiến thức ngoại giao được bổ sung rất nhiều, nói chính xác là nghề báo giúp cho hoạt động ngoại giao của ông phong phú hơn, mềm mại và bớt khô khan. Hơn nữa, làm báo với bản chất nhạy bén đã giúp cho nhà ngoại giao có phương pháp tích lũy, khai thác thông tin hiệu quả. Hai công việc này thực sự bổ sung, hoàn thiện cho nhau.

Là cây bút xuất sắc của nhiều tờ báo và cũng một nhà bình luận quốc tế nổi tiếng trên truyền hình, Đại sứ Nguyễn Ngọc Trường cũng cho rằng, người viết hay cũng giống một người tạc tượng giỏi. Thói quen của ông thường phác thảo và viết sẵn trong đầu trước khi viết ra bàn phím. Khi viết, ông tạo luôn cho mình một phong cách riêng và có dấu ấn cá nhân. Bài viết cần xen lẫn những câu ngắn và câu dài, có giai điệu và ý tứ giống như thơ, nhưng quan trọng là người viết cần làm chủ được vấn đề với cấu trúc mạnh lạc.

Khi được hỏi về thế mạnh của làm báo ngoại giao, Đại sứ Trường cũng cho rằng, đó là thông tin quốc tế. Vì vậy, theo ông, cùng với việc không ngừng tích lũy thông tin về các vấn đề nước lớn, vấn đề "sát sườn" và các nước có quan hệ gần gũi với Việt Nam, những người viết báo ngoại giao cũng cần có quá trình phân tích, tổng hợp và liên tục phản biện để làm mới thông tin. Một lợi thế khác với những phóng viên, nhà báo ngoại giao chính là sự lên ngôi của Internet với nguồn tin rộng lớn và luôn được cập nhật.

Tâm sự về bài học của bản thân, Đại sứ Trường đã đưa ra câu chuyện ngụ ngôn về sự khác nhau giữa "Con dao và cái chổi". Nếu như cái chổi, theo thời gian bị mài mòn và trở thành vật vô dụng thì con dao khác hẳn, càng mài càng sáng. Thực tế cho thấy, sau khi về hưu, ông vẫn tiếp tục làm công tác nghiên cứu, viết sách và say mê viết báo.

Ông chia sẻ rằng, cuộc sống của mình luôn bận rộn và dường như không biết đến khái niệm về ngày nghỉ thứ Bảy và Chủ nhật. Có thể nói, ông đã ứng dụng câu chuyện này vào công việc và đã nhận được nhiều thành quả trong sự nghiệp.

TRỌNG VŨ