Vải thiều Thanh Hà được bày bán tại Siêu thị Chợ Việt Pháp. (Nguồn: TTXVN) |
Không có đầu ra ổn định, đồng nghĩa với việc nông sản khi thu hoạch có thể bị đánh đồng về chất lượng. Giá thu mua giải cứu thấp hơn giá thành sản xuất nhiều lần khiến người nông dân lâm vào cảnh khốn đốn, thậm chí tán gia, bại sản...
Nhưng, diện mạo xuất khẩu nông sản trên toàn thế giới đang thay đổi theo một cách khắc nghiệt hơn, để phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu. Nông sản Việt Nam không phải ngoại lệ.
Mùa vải thiều năm nay, huyện Thanh Hà (Hải Dương) đồng thời khởi động Chương trình “Vải thiều Thanh Hà, Hải Dương - Hành trình cùng các tour du lịch”, cùng với sự kiện hai tấn vải tươi đầu tiên của Việt Nam cập cảng hàng không sân bay Charles de Gaule ở thủ đô Paris (Pháp).
Đây cũng là những lô vải đầu tiên của vụ mùa 2024 đạt tiêu chuẩn GlobalGap được xuất từ Thanh Hà (Hải Dương) đi châu Âu bằng đường hàng không. Để hàng hóa nông sản Việt Nam thâm nhập và trụ vững tại một thị trường khó tính như Liên minh châu Âu (EU), theo Thương vụ Việt Nam tại Pháp, các doanh nghiệp cần cải tiến quy trình nuôi trồng và công nghệ thu hoạch, bảo quản, để bảo đảm lưu giữ được tốt nhất chất lượng các loại quả tươi.
Khi thị trường đã thiết lập được một mặt bằng tương đối đồng đều về nguồn cung, việc giữ chất lượng tốt sẽ là yếu tố quan trọng tạo ra sự khác biệt.
Ngày 28/5, hai tấn vải thiều tươi đầu tiên của Việt Nam đã cập cảng hàng không sân bay Charles de Gaule ở thủ đô Paris. Trong ảnh: Ông Philippe Moine, một khách hàng Pháp, cho biết ông rất yêu thích trái vải thiều của Việt Nam. (Nguồn: TTXVN) |
Ba năm qua, Hải Dương đã phối hợp với các bộ ngành tổ chức nhiều sự kiện xúc tiến thương mại, du lịch lớn trong và ngoài nước; tổ chức các đoàn khách đến tham quan vườn vải... qua đó góp phần nâng cao giá trị, thương hiệu vải thiều. Đó là lý do người ta không còn chứng kiến cảnh vải thiều chín đỏ rực tại các chợ đầu mối và người nông dân đem vải xếp hàng dài chờ được thương lái chọn mua. Để được thưởng thức những quả vải đạt chuẩn của Thanh Hà, người mua phải chấp nhận trả cái giá không hề rẻ.
Không chỉ vải thiều, từ gạo, cà phê, điều, tiêu… và nhiều nông sản chất lượng cao khác của Việt Nam đang nỗ lực chuyển động theo hướng bền vững để không bị đè bẹp.
Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, thế giới đang phẳng hơn bao giờ hết và thị trường thế giới đang mang đến cơ hội cạnh tranh công bằng cho tất cả.
Với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), châu Âu là thị trường đầy tiềm năng cho rau quả Việt Nam, nhưng liên minh này cũng thực hiện nhiều quy định liên quan kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững, đòi hỏi các doanh nghiệp phải cập nhật và tuân thủ nếu muốn mở rộng thị phần tại khu vực này.
Khi cách thức truyền thống không còn phù hợp, người nông dân chỉ có lựa chọn duy nhất là vừa sản xuất đúng thứ mà thị trường yêu cầu, vừa phải tìm cách tiếp thị cho sản phẩm của mình trên nhiều phương tiện. Đó thực sự là xu hướng tích cực, chủ động mà người nông dân kỷ nguyên mới cần hướng đến để thành công.