Tài liệu chiến lược mới đã dựng lên một bức tranh quan ngại hơn về những mối đe dọa mà Nga phải đối mặt. (Nguồn: The Moscow Times) |
Nhận thức thay đổi, nội hàm "mối đe dọa" rộng hơn
Ngày 3/7 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký phê chuẩn chiến lược an ninh quốc gia mới, trong đó nhấn mạnh những khía cạnh mới liên quan đến khái niệm "an ninh” và “mối đe dọa” mà Nga đang phải đối mặt, đồng thời đặt ra ưu tiên đối với vấn đề an ninh kinh tế theo hướng củng cố nội lực và giảm phụ thuộc vào bên ngoài.
Tài liệu chiến lược an ninh quốc gia mới này không mang tính đột phá, mà được xây dựng dựa trên những nội dung của tài liệu chiến lược được thông qua hồi năm 2015. Tuy nhiên, tài liệu năm 2021 này đánh dấu một bước chuyển biến tích cực trong những ưu tiên đối với những vấn đề gây quan ngại đến lợi ích quốc gia của Nga, đồng thời cho thấy sự thay đổi trong thế giới quan của Moscow về mối đe dọa.
Điều đáng lưu tâm là tài liệu chiến lược mới đã dựng lên một bức tranh quan ngại hơn về những mối đe dọa mà Nga phải đối mặt từ phương Tây và do đó Moscow đã định nghĩa những mối đe dọa này trên phạm vi khái quát hơn.
Hồi tháng 3, Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev đưa ra nhận định trên báo chí Nga rằng "nhằm kiềm chế Nga", phương Tây đã và đang mưu đồ "gây bất ổn tình hình chính trị xã hội trong nước nhằm kích động và cực đoan hóa phong trào biểu tình cũng như hủy hoại những giá trị, tinh thần truyền thống của Nga".
Theo đó, tài liệu mới đã xác định nội hàm rộng lớn hơn của mối đe dọa đối với Nga do "tham vọng duy trì vị thế bá quyền của các nước phương Tây" gây ra. Ngoài những nhân tố mang tính quân sự, các nhân tố phi quân sự gây ra những thách thức lớn đối với Moscow gồm: mong muốn cô lập Nga và sử dụng tiêu chuẩn kép trong chính trị quốc tế, mưu đồ của "những nước không thân thiện... nhằm tận dụng những vấn đề kinh tế xã hội của Nga để hủy hoại sự đoàn kết nội bộ, kích động và cực đoan hóa phong trào biểu tình, ủng hộ các lực lượng ngoài lề xã hội và chia rẽ xã hội Nga".
Lâu nay, Nga đối đầu với mối đe dọa và nguy cơ xảy ra xung đột quân sự với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang mở rộng về khu vực biên giới với Nga. Thêm nữa, việc phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ cũng được cho là đang "hủy hoại hệ thống ổn định chiến lược của Nga".
Để đối phó với những mối đe dọa nói trên, tài liệu chiến lược mới cho biết chính phủ Nga có kế hoạch phát triển những biện pháp răn đe chiến lược mới đồng thời tăng cường khả năng sẵn sàng huy động lực lượng.
Tài liệu chiến lược an ninh mới của Nga nhắm đến việc cân bằng quan hệ của Nga với cả Ấn Độ và Trung Quốc, theo đó, Moscow muốn phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác chiến lược với New Delhi đồng thời phát triển quan hệ đối tác toàn diện với Bắc Kinh.
Chính sách cân bằng quan hệ này nhằm thiết lập một quá trình đảm bảo sự ổn định và an ninh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, dựa trên cơ sở không liên minh, liên kết (với Trung Quốc cũng như với Ấn Độ). Ngoài quan hệ với Bắc Kinh và New Delhi, các nội dung còn lại của chiến lược mới liên quan đến quan hệ quốc tế đều không thay đổi.
An ninh kinh tế, an ninh thông tin có nhiều điểm nhấn
So với tài liệu chiến lược năm 2015, tài liệu năm 2021 “kiệm ngôn từ” về những thành công mà thay vào đó đề cập nhiều hơn đến tình trạng suy thoái kinh tế thế giới.
Nếu như trước kia, vấn đề tăng trưởng kinh tế được coi là một phần thiết lập nên nền tảng cho an ninh quốc gia của Nga thì giờ đây, tài liệu năm 2021 miêu tả vấn đề tăng trưởng kinh tế là một mục tiêu mà Nga cần đạt được.
Một điểm đáng chú ý về vấn đề an ninh kinh tế quốc gia là tài liệu năm 2021 đề xuất việc giảm thiểu sử dụng đồng USD trong các giao dịch quốc tế, giải thích rằng điều này sẽ thúc đẩy và tăng cường an ninh kinh tế của Nga.
Ngoài ra, chiến lược mới đề xuất việc giảm thiểu sự phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu, bao gồm hàng hóa là sản phẩm công nghệ cao. Tài liệu khuyến nghị cần tăng cường đầu tư vào hoạt động kinh tế trong nước, mà không cần đến vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tài liệu này cho thấy chỉ số tăng trưởng kinh tế không còn là mục tiêu quan trọng nhất. Thay vào đó, nhiệm vụ ưu tiên của Nga là “tăng cường và củng cố chủ quyền kinh tế đất nước” và tăng cường khả năng chống đỡ của nền kinh tế trước “những mối đe dọa bên trong và bên ngoài”.
Ngoài ra, mục về vấn đề an ninh thông tin trong tài liệu chứa đựng nhiều thay đổi hơn cả. Theo đó, mọi thay đổi trong vấn đề an ninh thông tin đều trong xu thế “tinh thần thời đại”. Trong hàng loạt nội dung mới về an ninh thông tin, tài liệu chiến lược mới nhấn mạnh đến vấn đề an ninh mạng, nói rằng kẻ thù của Nga, bao gồm các công ty công nghệ quốc tế tấn công Nga bằng cách “phát tán những thông tin không được kiểm chứng” và ngăn dòng chảy thông tin mà chính phủ Nga coi là những thông tin có ý nghĩa xã hội quan trọng.
Tài liệu cho rằng việc sử dụng các thiết bị viễn thông và công nghệ thông tin nước ngoài làm gia tăng nguy cơ các nguồn thông tin của Nga bị ảnh hưởng từ luồng thông tin bên ngoài.
Mặc dù tài liệu chiến lược mới đề ra hàng loạt biện pháp đối phó với tình hình trên đồng thời tăng cường chủ quyền của Nga trên mặt trận thông tin song không được giải thích chi tiết.
Ngoài ra, chiến lược an ninh mới 2021 của Nga còn đề cập các kế hoạch đưa Nga trở thành "nước lãnh đạo" về phát triển khoa học và công nghệ.
| Nga: Tiềm năng hợp tác kinh tế giữa Moscow và ASEAN vẫn chưa được phát huy đầy đủ Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 6/7 tuyên bố, Moscow nhận định, việc tăng cường hợp tác giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam ... |
| 'Xích mích' Nga-NATO: Lời muốn nói từ Gió Biển 2021 TGVN. Cuộc tập trận Gió Biển 2021 do Mỹ và Ukraine tổ chức, đang diễn ra tại Biển Đen (28/6-10/7) mang thông điệp rõ ràng ... |