📞

Khóa họp 41 Đại hội đồng UNESCO: Kỳ họp lịch sử, thành quả nổi bật, tự hào hai tiếng 'Việt Nam'!

Hạnh Hằng 09:23 | 25/11/2021
Khi Ngài Chủ tịch gọi tên Việt Nam, trúng cử thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025, những tràng pháo tay theo đó ngân dài cũng là lúc Đại sứ Lê Thị Hồng Vân và các thành viên trong đoàn Việt Nam tham dự kỳ họp cảm thấy niềm hạnh phúc vỡ òa! Niềm hạnh phúc xen lẫn tự hào và hy vọng…
Đại sứ Lê Thị Hồng Vân phát biểu tại Đại hội đồng UNESCO với tư cách Chủ tịch Nhóm châu Á-Thái Bình Dương. (Ảnh: NVCC)

Trả lời phỏng vấn TG&VN ngay sau khi kết thúc Khóa họp Đại hội đồng (ĐHĐ) UNESCO lần thứ 41 tại Paris (Pháp), Đại sứ, Trưởng đại diện phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO Lê Thị Hồng Vân đã có những tổng kết, đánh giá toàn diện về Kỳ họp và sự tham gia của Việt Nam.

Trong bối cảnh kỷ niệm 75 năm thành lập UNESCO, xin Đại sứ chia sẻ những kết quả nổi bật của Kỳ họp lần này?

Khóa họp ĐHĐ UNESCO lần thứ 41 tại Paris là kỳ ĐHĐ quan trọng, vừa kỷ niệm 75 năm thành lập tổ chức, vừa có ý nghĩa quyết định tương lai và ưu tiên hợp tác UNESCO đến năm 2030. Kỳ họp đã đạt nhiều kết quả nổi bật.

Thứ nhất, đây là kỳ họp có quy mô lớn nhất đầu tiên được tổ chức trực tiếp kể từ khi đại dịch bùng phát; được đánh giá có ý nghĩa lịch sử trong các kỳ Đại hội đồng với cấp dự cao nhất, lần đầu tiên có sự tham dự của 27 nguyên thủ cấp cao.

Thứ hai, nhìn lại 75 năm của UNESCO, các thành viên cho rằng UNESCO đã trải qua một hành trình đầy ý nghĩa, khẳng định vị thế trong cấu trúc quản trị toàn cầu, vai trò của một tổ chức đại diện cho lương tri và trí tuệ nhân loại, đóng góp cho hòa bình và phát triển bền vững trên thế giới.

Bên cạnh đó, các đại biểu đánh giá cao hợp tác UNESCO, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19, UNESCO vẫn duy trì đà hợp tác, thể hiện khả năng thích ứng và phát huy hiệu quả vai trò đi đầu trong hợp tác đa phương về giáo dục, khoa học, văn hoá và thông tin truyền thông, triển khai nhiều sáng kiến kịp thời hỗ trợ các quốc gia ứng phó tác động của đại dịch.

Nhìn lại 75 năm của UNESCO, các thành viên cho rằng UNESCO đã trải qua một hành trình đầy ý nghĩa, khẳng định vị thế trong cấu trúc quản trị toàn cầu, vai trò của một Tổ chức đại diện cho lương tri và trí tuệ nhân loại, đóng góp cho hòa bình và phát triển bền vững trên thế giới.

Thứ ba, Kỳ họp đã thông qua nhiều quyết định quan trọng, trong đó có việc bầu các vị trí chủ chốt như Tổng giám đốc nhiệm kỳ 2021-2025; Ban điều hành của ĐHĐ nhiệm kỳ 2021-2023; bổ sung thành viên Hội đồng chấp hành và 14 Ủy ban, cơ quan chuyên môn.

Kỳ họp đã thông qua Chiến lược trung hạn giai đoạn 2020-2029 (41 C/4), Chương trình và ngân sách giai đoạn 2022-2025 (41 C/5), quyết định định hướng hợp tác tương lai của Tổ chức đến năm 2030.

Các thành viên cũng thông qua các sáng kiến toàn cầu do UNESCO khởi xướng, góp phần định vị vai trò của UNESCO trong hợp tác đa phương trên những lĩnh vực thuộc thẩm quyền của tổ chức như Báo cáo về Tương lai của giáo dục: xây dựng tầm nhìn dài hạn cho giáo dục và tri thức, định hình chính sách giáo dục ở tầm quốc gia, khu vực và toàn cầu đến năm 2050; Các khuyến nghị về Khoa học mở và các khuyến nghị về Đạo đức trong trí tuệ nhân tạo: tạo khuôn khổ pháp lý cho thúc đẩy hợp tác, chia sẻ kiến ​​thức, tận dụng cơ hội Cách mạng công nghiệp 4.0, giảm khoảng cách về số, công nghệ và kiến thức trong từng quốc gia và giữa các quốc gia, tăng cường quản trị toàn cầu về công nghệ và đổi mới sáng tạo, hỗ trợ các nước đang phát triển nâng cao năng lực hoạch định chính sách khoa học…

Bên cạnh đó, Kỳ họp thông qua Nghị quyết UNESCO cùng kỷ niệm các danh nhân giai đoạn 2022-2023; trao nhiều giải quốc tế quan trọng…

Ngoài ra, các thành viên còn nhất trí hàng năm sẽ kỷ niệm một số Ngày quốc tế như: Ngày quốc tế về khu dự trữ sinh quyển (3/11), Ngày quốc tế đa dạng địa chất (6/10), Tuần lễ sách truyện thế giới (13/10), Ngày quốc tế về phụ nữ trong hợp tác đa phương (25/1)...

Thứ tư, Kỳ họp đã tiếp tục bàn về vấn đề đổi mới, cải cách UNESCO phù hợp với xu thế chung của đa phương, hệ thống Liên hợp quốc (LHQ), nhằm nâng cao tính linh hoạt, khả năng thích ứng, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của tổ chức.

Trước những nội dung quan trọng như vậy của Kỳ họp, Việt Nam đã có những tham gia, đóng góp như thế nào, thưa Đại sứ?

Đoàn Việt Nam đã tích cực tham gia tất cả các phiên họp, thể hiện tinh thần trách nhiệm, đóng góp chủ động, tích cực, được các thành viên đánh giá cao.

Việt Nam ủng hộ và tham gia đồng sáng kiến đề xuất tổ chức hàng năm Ngày quốc tế về khu dự trữ sinh quyển (3/11), Ngày quốc tế đa dạng địa chất (6/10), Tuần lễ sách truyện thế giới (13/10), Ngày quốc tế về phụ nữ trong hợp tác đa phương (25/1)…

Chúng ta cùng tham gia quá trình xây dựng, đóng góp hoàn thiện dự thảo Chiến lược trung hạn giai đoạn 2020-2029 (41 C/4), Chương trình và ngân sách giai đoạn 2022-2025 (41 C/5), các sáng kiến toàn cầu (Báo cáo về Tương lai của giáo dục, Các khuyến nghị về Khoa học mở và các khuyến nghị về Đạo đức trong Trí tuệ nhân tạo).

Có thể nhấn mạnh, với vai trò Chủ tịch Nhóm châu Á-Thái Bình Dương, chúng ta đã trực tiếp tham gia vào quá trình điều phối, xây dựng, thông qua các quyết định quan trọng của UNESCO, thúc đẩy hợp tác văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ ở tầm toàn cầu, đồng thời tranh thủ tri thức và các nguồn lực bên ngoài cho phát triển kinh tế-xã hội, trực tiếp góp phần phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam, phát triển giáo dục-đào tạo và khoa học-công nghệ phù hợp với xu thế chung của thế giới, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO tham dự Kỳ họp ĐHĐ. (Ảnh: NVCC)

Xin Đại sứ cho biết cụ thể hơn những kết quả tham gia của Việt Nam tại kỳ họp lần này?

Trước hết, tôi muốn nhấn mạnh về bối cảnh Việt Nam tham gia kỳ họp lần này. Năm nay là năm kỷ niệm 45 năm quan hệ đối tác Việt Nam-UNESCO (1976-2021).

Việt Nam đang đẩy mạnh triển khai đường lối Đại hội Đảng lần thứ XIII về chủ động hội nhập quốc tế và nâng tầm đối ngoại đa phương, tiếp tục coi trọng LHQ, UNESCO, thể hiện vai trò tích cực trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, thành viên nòng cốt trong ASEAN, góp phần thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tăng cường hợp tác giữa LHQ, UNESCO với khu vực.

Ta đang đảm nhận cương vị Chủ tịch Nhóm châu Á-Thái Bình Dương tại UNESCO, khẳng định vai trò thành viên năng động, tích cực, trách nhiệm, một trong những nước triển khai hiệu quả nhất chương trình hợp tác của UNESCO.

Đặc biệt, Thủ tướng vừa kết thúc rất thành công chuyến thăm UNESCO trước thềm ĐHĐ UNESCO, trong đó hai bên đã nhất trí đẩy mạnh hơn nữa hợp tác để nâng tầm quan hệ đối tác Việt Nam-UNESCO thực chất, hiệu quả hơn, phù hợp mong muốn và tiềm năng, ký Bản ghi nhớ hợp tác Việt Nam-UNESCO giai đoạn 2021-2025 định hướng lớn cho hợp tác trong 5 năm tới.

Với những nỗ lực đó, tại kỳ họp lần này, Việt Nam là một trong 27 nước trúng cử thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025 với số phiếu rất cao, đạt xấp xỉ 92%, xếp thứ 6/27 quốc gia trúng cử.

Kết quả này đã khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; cho thấy cộng đồng quốc tế ủng hộ sự tham gia tích cực của Việt Nam vào hoạt động của các tổ chức quốc tế, trong đó có các tổ chức của LHQ.

Tại Kỳ họp lần này, Việt Nam là một trong 27 nước trúng cử thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025 với số phiếu rất cao, đạt xấp xỉ 92%, xếp thứ 6/27 quốc gia trúng cử. Kết quả này đã khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; cho thấy cộng đồng quốc tế ủng hộ sự tham gia tích cực của Việt Nam vào hoạt động của các tổ chức quốc tế, trong đó có các tổ chức của LHQ.

Thêm nữa, UNESCO và các nước thành viên đã thông qua nghị quyết cùng tôn vinh các danh nhân Việt Nam, cùng kỷ niệm 200 năm ngày sinh của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu và kỷ niệm 250 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của nữ sĩ Hồ Xuân Hương vào năm 2022.

Điều này thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những giá trị của dân tộc Việt Nam về văn hóa, lịch sử, truyền thống học tập, bình đẳng giới... rất phù hợp với những giá trị mà UNESCO đang thúc đẩy; đưa đến thế giới một hình ảnh Việt Nam đổi mới, năng động, nhưng vẫn giữ được bản sắc truyền thống của dân tộc.

Đại sứ có thể cho biết những nội dung chính về Chiến lược trung hạn của UNESCO 2022-2029?

Về Chiến lược trung hạn của UNESCO 2022-2029, UNESCO tiếp tục hướng tới mục tiêu bao trùm là đóng góp vào hòa bình, giảm nghèo, phát triển bền vững và đối thoại liên văn hóa thông qua các lĩnh vực giáo dục, khoa học, văn hóa, thông tin và truyền thông với tư duy đổi mới sáng tạo, cách tiếp cận liên ngành, đa ngành và tổng thể; châu Phi và bình đẳng giới tiếp tục là 2 ưu tiên toàn cầu, các quốc đảo nhỏ đang phát triển (SIDS) và thanh niên là đối tượng ưu tiên.

Bốn mục tiêu chiến lược của UNESCO đến 2030 bao gồm:

Thứ nhất, bảo đảm giáo dục công bằng, chất lượng và bao trùm và cơ hội học tập suốt đời để giảm bất bình đẳng, thúc đẩy xã hội học tập và sáng tạo trong kỷ nguyên số, trong đó chú trọng đổi mới sáng tạo công nghệ trong giáo dục, hỗ trợ phát triển chính sách và chiến lược quốc gia về trí tuệ nhân tạo cho giáo dục, thúc đẩy hệ thống giáo dục tự cường, giải quyết các thách thức từ Covid-19, tham gia định hình tương lai giáo dục.

Thứ hai, hợp tác hướng tới xã hội bền vững và bảo vệ môi trường thông qua thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và di sản thiên nhiên: Lần đầu tiên khẳng định UNESCO, với chức năng liên ngành và mạng lưới các chương trình quốc tế và liên chính phủ chuyên ngành, có vai trò đặc biệt, cần gắn kết các mạng lưới toàn cầu các danh hiệu UNESCO trên tất cả các lĩnh vực để thúc đẩy các giải pháp liên ngành; giáo dục, truyền thông ứng phó thách thức môi trường; tăng hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ, hỗ trợ chuyển đổi sang khoa học mở, thúc đẩy thông tin khoa học minh bạch, có khả năng tiếp cận và hiệu quả, thu hẹp khoảng cách công nghệ giữa và trong các quốc gia.

Thứ ba, xây dựng xã hội hòa bình, công bằng, bao trùm thông qua thúc đẩy tự do biểu đạt, đa dạng văn hóa, giáo dục tinh thần công dân toàn cầu và bảo vệ di sản: Nhấn mạnh vai trò của UNESCO đi đầu thúc đẩy xã hội bao trùm, bình đẳng và hòa bình, tôn trọng và bao dung, chống kỳ thị, bảo đảm sự đa dạng, quyền con người, đẩy mạnh gắn kết xã hội, đối thoại liên văn hóa; cơ quan duy nhất của LHQ về văn hóa, thiết lập chuẩn mực cho chính sách quốc gia và hợp tác quốc tế để thúc đẩy, bảo tồn, bảo vệ các biểu đạt văn hóa và các loại hình di sản, hỗ trợ về kinh tế sáng tạo.

Thứ tư, thúc đẩy môi trường công nghệ phục vụ nhân loại thông qua phát triển và chia sẻ kiến thức, kỹ năng, các chuẩn mực đạo đức: theo đó khẳng định vai trò trung tâm trong bảo đảm tiếp cận bao trùm và đa chủ thể đối với chuyển đổi số, đóng góp định hình môi trường số mới; thúc đẩy chia sẻ tri thức, tiếp cận nguồn giáo dục mở, thiết kế và sử dụng các giải pháp nguồn mở và dữ liệu mở; hỗ trợ các nước đang phát triển sử dụng, thiết kế và phát triển công nghệ, xây dựng chính sách bảo đảm hệ sinh thái số đa dạng; đi đầu hệ thống LHQ định hình các chuẩn mực toàn cầu, hỗ trợ chính sách, nâng cao năng lực về đạo đức trong trí tuệ nhân tạo; thúc đẩy chương trình nghị sự toàn cầu để công nghệ tiên phong phù hợp cách tiếp cận dựa trên quyền con người, hòa bình và phát triển bền vững.

Ngoài ra, Chiến lược cũng nhất trí tăng cường quan hệ đối tác và nâng cao tính linh hoạt, khả năng thích ứng, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của Tổ chức.

Có thể nói, Chiến lược trung hạn của UNESCO 2022-2029 đề ra định hướng và ưu tiên hợp tác của UNESCO trong giai đoạn tới. Đối với Việt Nam, Bản ghi nhớ hợp tác Việt Nam-UNESCO giai đoạn 2021-2025 được ký kết dịp chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến Trụ sở UNESCO (ngày 5/11) đã phản ánh được những ưu tiên hợp tác hiện nay của UNESCO trong Chiến lược trung hạn giai đoạn 2022-2029, đồng thời phù hợp quan tâm của Việt Nam trong quá trình triển khai chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn mới.

Đó chính là khuôn khổ quan trọng cho thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO, vừa đóng góp cho hợp tác chung, vừa tạo điều kiện để tận dụng các ý tưởng, sáng kiến, nguồn lực của UNESCO, mở ra những không gian phát triển mới cho Việt Nam, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững đã đề ra.

Xin cảm ơn Đại sứ!