📞

Khoác ‘tấm áo mới’ cho văn hóa truyền thống

LINH PHƯƠNG 09:00 | 27/10/2024
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Vì vậy, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa truyền thống luôn là vấn đề được đề cao và coi trọng.
Ca khúc Trống cơm trong chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai. (Nguồn: TTXVN)

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống luôn là một bài toán không dễ giải.

Tuy nhiên, bằng việc sáng tạo, các chương trình giải trí, giáo dục đã phần nào giúp đưa vẻ đẹp văn hoá truyền thống đến gần hơn với khán giả trẻ.

Có thể thấy, hiện nay, các chương trình giải trí, giáo dục đã trở thành cây cầu giúp kết nối nhiều người hơn với các yếu tố văn hóa dân tộc, góp phần đưa vẻ đẹp văn hoá truyền thống lan tỏa đến khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ.

Nhắc đến các chương trình truyền hình gây sốt hiện nay, không thể không nhắc đến chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai khi quy tụ 33 anh tài quen thuộc với khán giả, đặc biệt với giới trẻ.

Chương trình đã liên tiếp đạt mốc Top 1 rating khung giờ trên Đài truyền hình Việt Nam và nhận được bàn luận rộng rãi trên truyền thông. Với sức lan tỏa mạnh mẽ như vậy, việc đan xen và khoác áo mới cho yếu tố văn hoá truyền thống tinh thần dân tộc đã giúp khán giả quan tâm lớn hơn nữa các giá trị văn hóa.

NSND Tự Long – một nghệ sĩ tham gia chương trình này, cho biết: “Văn hóa là bản chất, là cội nguồn của dân tộc. Phương diện văn hóa mà chúng tôi muốn kể đó chính là tiếp nối những giá trị truyền thống, chúng tôi muốn cho những người trẻ hiểu và tiếp cận nhiều hơn nữa văn hóa dân tộc qua các chương trình truyền hình thực tế”.

Tại cuộc thi Miss Cosmo 2024 - chương trình quy tụ các đại diện sắc đẹp đến từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, Ban tổ chức cũng đã khéo léo lồng ghép các yếu tố mang đậm tính lịch sử, văn hóa để lan tỏa đến cộng đồng trong nước và quốc tế.

Ngoài quảng bá vẻ đẹp của non nước Ninh Bình qua show Hello Cosmo from Vietnam, cuộc thi còn mang đến điệu chầu văn Cô đôi thượng ngàn làm nhạc nền cho phần trình diễn Trang phục dân tộc.

Chia sẻ về việc lựa chọn đưa âm nhạc dân tộc đến gần với nhiều người hơn, Giám đốc âm nhạc Mew Amazing khẳng định: “Chắc chắn phải có Cô đôi thượng ngàn. Giai điệu rất hay, rất Việt Nam nên nếu chúng ta muốn giới thiệu văn hóa đến với bạn bè quốc tế thì phải đưa Cô đôi thượng ngàn vào phần trình diễn Trang phục dân tộc Miss Cosmo 2024”.

Một ví dụ điển hình khác gần đây nhất là số chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2024 - một trong những “chương trình quốc dân” có lượng khán giả theo dõi đông đảo. Tại đây, màn cổ vũ của khán giả ở điểm cầu Huế tại Quảng trường Ngọ Môn đã đón nhận sự quan tâm lớn của cộng đồng và nhanh chóng gây sốt trên mạng xã hội.

Ngoài sự hiện diện của hơn 8.000 khán giả xứ Huế mặc áo tấc truyền thống, áo dài và đội nón lá tham gia đồng diễn để cổ vũ cho thí sinh, điểm cầu Huế còn tái hiện nét đẹp văn hóa độc đáo của cố đô là nghi lễ truyền lô - nghi thức trang trọng thời Nguyễn khi công bố danh sách Tiến sĩ.

Thay vì niêm yết tại Phu Văn Lâu như truyền thống, tại cầu truyền hình ở Quảng trường Ngọ Môn, các em học sinh Trường THPT chuyên Quốc học Huế đón nhận danh sách các Tiến sĩ như một món quà mang tính “xuyên không từ lịch sử” để nhắc nhở về truyền thống văn hiến của một vùng đất hiếu học.

Qua chương trình, không chỉ quảng bá tinh thần hiếu học của vùng đất cố đô, tỉnh Thừa Thiên Huế còn khéo léo lồng ghép những hình ảnh về văn hóa, con người và danh lam thắng cảnh địa phương tới đông đảo khán giả xem truyền hình.

Có thể nói, việc khoác “tấm áo mới” cho văn hóa truyền thống thông qua các chương trình văn hóa, giáo dục, giải trí đang là một hình thức sáng tạo giúp công chúng tiếp nhận và quan tâm nhiều hơn đến những giá trị văn hóa của dân tộc.