📞

Khóc cho dòng sông quê

15:22 | 31/05/2013
Mỗi nền văn minh đều gắn với một hoặc nhiều dòng sông. Và dòng sông nào cũng có những gắn bó mật thiết với những vùng đất mà nó đi qua, với người dân sống hai bên bờ con sông ấy... Nhưng khi dòng sông ấy chết đi, thì nền văn minh ấy, vùng đất ấy và con người của vùng đấy ấy sẽ thế nào nhỉ?

Thuở học trò, tôi vẫn thường được nghe và nhẩm theo một bài hát với những ca từ tha thiết, trữ tình: “Quê hương tôi bên dòng sông Nhuệ, bãi dâu mươn mướt xanh bờ. Quê hương tôi màu sen tấm áo vân hồng, hàng lúa chín thiết tha. Quê hương tôi 10 năm giặc chiếm đóng, còn đâu bóng người con gái đẹp giữa mùa xuân trẩy hội bên đình…” Sau này, tôi mới biết đó là bài “Người con gái Việt” của nhạc sĩ Lân Tuất phổ thơ nữ sĩ Anh Thơ. Tôi mới thấy mỗi dòng sông quê đều mang trong tôi nó biết bao giá trị văn hóa vật chất và tinh thần mà bây giờ người ta gọi là văn hóa vật thể và phi vật thể.

Nhìn rộng ra, mỗi nền văn minh đều gắn với một/nhiều dòng sông: sông Nile của Ai Cập, sông Hằng của Ấn Độ, sông Danube của nhiều nước Trung và Đông Âu, sông Volga của Nga, Euphrates và Tigris của Trung Đông, Hoàng Hà của Trung Quốc, sông Hồng Việt Nam… Mỗi một vùng, tỉnh hoặc làng xã cũng đều có con sông chảy qua với cây đa bến nước của riêng mình mà dù đi cùng trời cuối đất người ta vẫn da diết nhớ về nó.

Dòng sông trong ký ức

Quê ngoại tôi ở làng Hữu Thanh Oai còn gọi là Hữu Châu, hay là Tó Hữu. Đây là nơi hợp lưu của dòng sông Nhuệ với sông Tô Lịch nên rất thuận lợi cho thông thương, buôn bán, quanh năm chợ họp đông đúc, thuyền bè tấp nập khiến cho làng phát triển hưng thịnh lắm. Rồi những sinh hoạt đời thường cũng gắn với con sông: tắm giặt, rửa rau, vo gạo, tưới rau…

Tôi không sống ở quê mà ở thị xã Hà Đông, nhưng con sông Nhuệ trong xanh vẫn hằn sâu trong kí ức vì mỗi khi có dịp về quê là tôi lại vùng vẫy, bơi lội, bắt cá, mò trai thỏa thích. Hơn nữa, sông Nhuệ cũng chảy qua thị xã Hà Đông nên có thể nói là tôi đã mang theo sông Nhuệ lên thị xã hay ngược lại, sông Nhuệ đã theo tôi, gắn bó với tôi suốt tuổi học trò. Sông Nhuệ Hà Đông cũng trong xanh và trường học nằm ngay cạnh sông nên hầu như hôm nào giờ ra chơi bọn tôi cũng tranh thủ lẩn ra sông ngụp lặn. Để giấu nhà trường, mấy thằng chúng tôi cạo trọc đầu và tắm truồng nên khi lên bờ nhảy nhót, lắc lắc tí là khô người, mặc vội quần áo vào rồi lại vào học như thường.

Một mùa hè, tôi còn theo “điếu đóm” cho một nhóm đo đạc, khảo sát dọc sông Nhuệ. Chuyến đi rất thú vị, ngày làm, đêm tìm một nhà dân cạnh bờ sông để ăn, ngủ, còn tắm giặt thì đã có “spa thiên nhiên” rộng rãi, mát mẻ. Tôi vẫn nhớ cảnh quan đôi bờ sông, bãi mía, nương dâu, các loại hoa màu: ngô, đậu, khoai, sắn… trải ra mát mắt. Và một hôm, chả phải cất công lên mạn ngược, chàng trai mới lớn đã được bất ngờ chứng kiến cảnh “tắm tiên” của mấy cô thôn nữ ngay trên dòng sông Nhuệ. Đó là đoạn sông vắng người, khi nhóm khảo sát vừa qua khỏi khúc quanh thì trước mắt hiện ra ba cô nàng trắng ngần trong tư thế Eva đang đùa rỡn, té nước vào nhau. Tôi không kịp “trốn” vào đâu, sau phút sững sờ, ngoảnh mặt đi trong khi còn mấy anh trong đoàn khảo sát thì chẳng tỏ ra ngại ngùng gì. Thấy có người bất ngờ xuất hiện, mấy cô nàng rú lên, vơ vội quần áo rồi chạy vọt vào vườn ngô. Sau đó, mấy anh cứ trêu tôi rằng chuyến đi hôm nay hên thế nên không phải trả công cho tôi! Tôi chối đây đẩy, bảo em có nhìn thấy gì đâu. Nhưng quả tình, tối hôm đó, hình ảnh các “nàng eva” cứ ám ảnh tôi mãi...

“Có một dòng sông đã qua đời”

Có lẽ, nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã linh cảm thấy tình cảnh của nhiều con sông trên khắp đất nước này nên ông đã đặt tên một bài hát của mình là “có một dòng sông đã qua đời”. Điều đó cũng đúng với con sông Nhuệ của tôi chăng? Con sông Nhuệ của tuổi thơ chúng tôi đẹp là thế, gắn với bao kỉ niệm êm đềm là thế mà bây giờ, khi về quê tảo mộ, tôi chứng kiến sông Nhuệ đang biến dạng. Cùng với đà phát triển chóng mặt của nền kinh tế thị trường là nạn đô thị hoá ồ ạt. Lợi nhuận đã làm người ta mờ mắt. Nơi trước kia từng là dòng sông trong mát nay chỉ còn là “dải nước đen giả suối, chẳng thông dòng” như trong thơ Thế Lữ. Tệ hơn, nước cạn, đen ngòm, đầy rác rưởi, bốc mùi nồng nặc. Tôi lặng ngắm một bến xưa, bậc cũ rêu phong vẫn còn đó, nhưng cạn khô, bao quanh đầy rác rưởi. Rồi một lạch nước với hai con thuyền nhỏ xíu bị lãng quên. Hỡi ôi, cảnh “trên bến dưới thuyền, ngược xuôi tấp nập” ngày nào như đã lùi hẳn vào dĩ vãng. Đường làng, ngõ xóm cũng bị thu hẹp lại, chật chội, bức bối và ngột ngạt. Xe máy, xe ô tô và những phương tiện thô sơ lưu thông theo kiểu mạnh ai nấy đi, còi inh ỏi, xả khói mù mịt.

Những dòng sông là nguồn cảm hứng cho biết bao thế hệ nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ. Những câu thơ vang vọng mãi trong ta như: “Quê hương tôi có con sông xanh biếc/Nước gương trong soi tóc những hàng tre/Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè/Tỏa nắng xuống lòng sông lấp loáng.” (Nhớ con sông quê hương-Tế Hanh). Rồi những bài hát với ca từ rất đẹp: “Sông mấy ngàn năm tuổi, mà sao sông trẻ mãi không già” (Chảy đi sông ơi-Phó Đức Phương); “Sông không dừng lại như ta không thể nào neo bóng em yêu” (Sông ơi đừng chảy-Nguyễn Vĩnh Tiến); “Quá nửa đời phiêu bạt, con lại về úp mặt vào sông quê” (Khúc hát sông quê-Nguyễn Trọng Tạo-Lê Huy Mậu)…Thưa các nhạc sĩ, thi sĩ, con sông trong tác phẩm của quí vị với con sông quê đời thực giờ khác nhau nhiều lắm đấy. Với con sông Nhuệ quê tôi chẳng hạn, thì “Chảy đi sông ơi” là điều quá khó và “Sông ơi đừng chảy” thì chả phải bảo vì hầu như quanh năm nó có chảy nữa đâu. Tôi cũng chẳng dám nghe theo Nguyễn Trọng Tạo-Lê Huy Mậu xui dại mà úp mặt vào nó đâu nhé!

Trên mảnh đất chữ S này, biết bao con sông quê như sông Nhuệ đã hoặc đang chết. Bài hát “Người con gái Việt” vì lí do nào đó biến mất cho tới gần đây mới trở lại trong cuộc thi Sao Mai 2007 với giọng ca Lê Anh Dũng. Nhưng than ôi, thưa nhạc sĩ Lân Tuất, nữ sĩ Anh Thơ, sông Nhuệ không còn “bãi dâu mươn mướt xanh bờ” nữa. Trách nhiệm tất nhiên là của tất cả chúng ta, nhưng trước tiên và quyết định nhất vẫn là thuộc các nhà quản lí, hoạch định chính sách. Tôi khóc cho dòng sông quê, con sông Nhuệ thân thương, nhưng cũng là khóc cho cả các con sông khác nữa. Không hiểu: Mỗi dòng sông gắn với một nền văn minh, dòng sông ấy chết đi thì nền văn minh ấy sẽ thế nào nhỉ?

Vũ Đức Tâm