Phát biểu tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng Cục trưởng TCTK, bày tỏ: "Trong gần 45 năm hợp tác giữa Việt Nam và UNFPA, năng lực của Tổng cục Thống kê trong việc xây dựng và quản lý dữ liệu và số liệu thống kê đã được cải thiện đáng kể.
Tổng Cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: Thanh Dung) |
Dự án chu kỳ 10 hợp tác giữa TCTK và UNFPA phù hợp với lộ trình thực hiện Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Chúng tôi cam kết sẽ sẽ tận dụng tốt các nguồn lực của dự án để không ngừng phát triển nhằm cung cấp các dữ liệu kịp thời, có chất lượng cao, phục vụ công tác hoạch định chính sách phát triển kinh tế, xã hội, thúc đẩy sự tăng trưởng quốc gia”.
Bà Naomi Kitahara - Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cũng cho biết: “Chúng tôi bắt đầu triển khai Chương trình Quốc gia mới lần thứ 10 và TCTK là một trong những đối tác quan trọng nhất của UNFPA tại Việt Nam. Như chúng ta vẫn thường nói, những quốc gia có dữ liệu chất lượng là những quốc gia đạt được mức tăng trưởng kinh tế - xã hội ấn tượng. Dữ liệu tốt hơn, cuộc sống tốt hơn”.
Tại sự kiện, Báo cáo Tình trạng Dân số Thế giới năm 2022 của UNFPA có tên Nhìn rõ những mảng tối: Các bằng chứng cho thấy cần phải hành động để ứng phó với cuộc khủng hoảng đang bị lãng quên - Mang thai ngoài kế hoạch cũng được công bố.
Báo cáo nhấn mạnh rằng trong tổng số ca mang thai hàng năm trên toàn thế giới, thì gần nửa trong số đó và cụ thể là 121 triệu ca là mang thai ngoài kế hoạch. Đối với phụ nữ và trẻ em gái bị ảnh hưởng, họ không có lựa chọn trong việc có mang thai hay không, trong khi đây là lựa chọn về sinh sản có tác động lớn nhất đến cuộc sống của họ.
Báo cáo cũng đưa ra cảnh báo rằng, cuộc khủng hoảng nhân quyền này gây ra những hậu quả rất nặng nề cho xã hội, phụ nữ và trẻ em gái, và sức khỏe toàn cầu. Hơn 60% trường hợp mang thai ngoài kế hoạch sẽ dẫn đến kết cục phá thai và có khoảng 45% số ca phá thai là không an toàn.
Tỷ lệ tử vong mẹ do việc phá thai không an toàn chiếm 5 - 13% tổng số ca tử vong mẹ và gây ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững của thế giới.
Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam Naomi Kitahara phát biểu kết luận. (Ảnh: Thanh Dung) |
Điều tra các Mục tiêu Phát triển Bền vững do TCTK phối hợp với UNFPA và UNICEF thực hiện vào năm 2021 cho thấy chỉ có 72,2% phụ nữ đã kết hôn hài lòng với các biện pháp tránh thai hiện đại và tỷ lệ này thậm chí còn giảm xuống còn 50,3% ở những phụ nữ chưa kết hôn.
Vấn đề này dường như còn đang diễn ra cấp bách ở những người chưa có gia đình, những đối tượng có nhu cầu chưa được đáp ứng về kế hoạch hóa gia đình ước tính cao hơn 4 lần so với phụ nữ đã lập gia đình.
Liên quan đến khả năng ra quyết định về sinh sản và quan hệ tình dục của phụ nữ, Điều tra các Mục tiêu Phát triển Bền vững năm 2021 đã chỉ ra rằng trung bình có 84,8% phụ nữ Việt Nam tự quyết định về quan hệ tình dục và 70,4% tự quyết định về việc sử dụng các biện pháp tránh thai.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng chỉ có 42,6% người dân tộc H'Mông và 61,4% phụ nữ không được đi học có thể tự ra quyết định về quan hệ tình dục. Đối với các quyết định về việc sử dụng các biện pháp tránh thai, chỉ có 25,5% trẻ vị thành niên và 54,2% thanh thiếu niên ở độ tuổi từ 20-24 có thể tự ra quyết định.
Kết luận tại sự kiện, bà Naomi Kitahara cho hay: “UNFPA kêu gọi các nhà hoạch định chính sách và các nhà lãnh đạo địa phương ưu tiên quyền của phụ nữ và trẻ em gái, tạo thêm nhiều lựa chọn, bao gồm cả việc tiếp cận phổ cập tới các biện pháp tránh thai an toàn và hiệu quả và đảm bảo rằng mọi thanh thiếu niên - bao gồm cả trẻ em trai - đều nhận thức đầy đủ về các nguy cơ và biện pháp phòng tránh mang thai ngoài kế hoạch.
Chúng ta cần lắng nghe tiếng nói của phụ nữ, hiểu rõ hơn nhu cầu của họ và tăng cường sự bình đẳng cho họ trên mọi lĩnh vực”.
Các đại biểu chụp ảnh tham dự buổi lễ khởi động dự án. (Ảnh: Đức Nguyễn) |
Các dự án mới của UNFPA trong khuôn khổ Chương trình Quốc gia lần thứ 10 sẽ hướng đến mục tiêu đạt được các kết quả mang tính chuyển đổi trong Kế hoạch Chiến lược chung của UNFPA, hướng tới việc Việt Nam sẽ không còn trường hợp tử vong mẹ khi có thể ngăn ngừa được, không còn nhu cầu kế hoạch hóa gia đình nào mà không được đáp ứng, và không còn các trường hợp bạo lực trên cơ sở giới và các thực hành có hại khác với phụ nữ và trẻ em gái.
Chương trình trong 5 năm tới sẽ phù hợp với Khung Hợp tác Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc để Việt Nam thực hiện cam kết mang tính chuyển đổi “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Dự án mới sẽ tập trung: -Nâng cao năng lực thu thập, phân tích và phổ biến dữ liệu về dân số và sức khỏe sinh sản và tình dục (SKSS&TD) nhằm đạt được đầy đủ các tiềm năng “lợi tức nhân khẩu học”; -Trang bị cho các nhà hoạch định chính sách kiến thức và kỹ năng về sử dụng nguồn dữ liệu mới; -Khai thác các nguồn dữ liệu mới (các cuộc điều tra mới, Dữ liệu lớn và dữ liệu hành chính của ngành và liên ngành), truyền thông và quản lý dữ liệu (Ví dụ: trang dữ liệu điện tử và kho dữ liệu) nhằm hỗ trợ xây dựng chính sách dân số dựa trên bằng chứng, đồng thời có thể được sử dụng cho các hoạt động ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu; -Nâng cao năng lực sử dụng dữ liệu cho vận động và xây dựng chính sách dựa trên bằng chứng; -Cung cấp bằng chứng về hiệu quả đầu tư cho SKSS&TD, đặc biệt củng cố hệ thống quản lý tài chính công ở cấp địa phương để đảm bảo phân bổ và chi đủ ngân sách cho SKSS&TD. |
| UNFPA cảnh báo tình trạng mang thai ngoài ý muốn ngày càng gia tăng Báo cáo Tình trạng Dân số Thế giới 2022 do Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) mới công bố cho thấy mỗi năm, gần ... |
| Trải nghiệm trọn vẹn một Việt Nam hấp dẫn, sôi động và tràn đầy sức sống Tổng cục Du lịch chính thức ra mắt video clip “Việt Nam: Đi Để Yêu! - Trải nghiệm trọn vẹn' nhằm hưởng ứng chủ trương ... |