Nhỏ Bình thường Lớn

Thuế tối thiểu là việc đại sự toàn cầu

Có thể nói, việc thực thi thuế tối thiểu toàn cầu sẽ đặt ra nhiều thách thức đối với việc duy trì tính cạnh tranh về môi trường đầu tư.
Theo Tổng cục Thuế, trong năm 2022, ở Việt Nam có khoảng 1.015 doanh nghiệp FDI chịu ảnh hưởng bởi chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.  (Nguồn: VGP)
Theo Tổng cục Thuế, trong năm 2022, ở Việt Nam có khoảng 1.015 doanh nghiệp FDI chịu ảnh hưởng bởi chính sách thuế tối thiểu toàn cầu. (Nguồn: VGP)

Áp lực triển khai thuế tối thiểu toàn cầu đã đến rất gần, Việt Nam cần sớm cân nhắc và thực thi các hành động quyết liệt để không chịu thiệt về thu thuế, mà vẫn thu hút tốt nguồn đầu tư nước ngoài.

Thuế tối thiểu toàn cầu là gì?

Ngay từ giữa năm 2010, các nghị sĩ của Nghị viện châu Âu đã kêu gọi cải cách hệ thống thuế quốc tế sau khi phát hiện hàng loạt vụ bê bối thuế quan, điển hình là nhiều công ty đa quốc gia đã chuyển lợi nhuận sang các thiên đường thuế quan.

Mãi đến tháng 10/2021, Diễn đàn hợp tác chung thực hiện các giải pháp chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận của OECD mới đạt được thỏa thuận cuối cùng về giải pháp hai trụ cột, nhằm giải quyết các thách thức về thuế liên quan tới quá trình số hóa nền kinh tế và đề ra kế hoạch thực hiện chi tiết.

Năm 2021, Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng các nền kinh tế phát triển G20 thống nhất về nguyên tắc giải pháp hai trụ cột nhằm xử lý các vấn đề thuế phát sinh trong nền kinh tế kỹ thuật số. Trong đó, trụ cột I quy định phân bổ thuế đối với hoạt động kỹ thuật số; trụ cột II quy định về thuế suất tối thiểu toàn cầu.

OECD cho biết cụ thể, kể từ năm 2023, các công ty đa quốc gia chịu mức thuế tối thiểu toàn cầu là 15%, đã có 136/140 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia đàm phán - chiếm 90% GDP toàn cầu, thông qua thỏa thuận này. Do áp lực của một số quốc gia, thời hạn phải lùi sang năm 2024.

OECD dự tính, hiệp định trên giúp các nước nhận thêm 150 tỷ USD mỗi năm nhờ thu nhập thuế bổ sung. Để đạt được hiệp định này, các nước phải trải qua bốn năm đàm phán. Những nước cuối cùng tham gia là Ireland, Hungary và Estonia, còn bốn nước chưa tham gia là Kenya, Nigeria, Pakistan và Sri Lanka.

Quá trình triển khai

Trong số hai trụ cột, người ta chú trọng tới trụ cột II với nội dung là áp dụng mức thuế suất tối thiểu toàn cầu 15% với các công ty lớn có doanh thu hợp nhất toàn cầu hàng năm từ 750 triệu Euro. Sau khi được OECD công bố quy tắc lập pháp và hướng dẫn chi tiết (lần lượt vào tháng 12/2021 và 3/2022), từng quốc gia trên thế giới nhanh chóng chuẩn bị hoặc đang tiến hành luật hóa cơ chế thuế suất tối thiểu toàn cầu.

Ngày 15/12/2022, Liên minh châu Âu (EU) chính thức thông qua kế hoạch áp dụng thuế suất tối thiểu 15% từ năm 2024; Quốc hội Hàn Quốc cũng thông qua đạo luật điều chỉnh thuế, trong đó sẽ áp dụng cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024.

Chính phủ Nhật Bản đã thông báo dự thảo cải cách thuế, tiến tới áp dụng thuế này từ năm tài chính 2024 và sẽ trình Quốc hội phê duyệt. Tổng thống Mỹ ủng hộ hiệp định này nhưng còn chờ Thượng viện thông qua.

Áp dụng hài hòa trong môi trường thuế

Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đang thúc đẩy việc áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu bền vững có thể hài hòa với môi trường đầu tư và hệ thống thuế/pháp lý hiện tại... Việc trước mắt, ưu tiên áp dụng cơ chế thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn (QDMTT - Qualified Domestic Minimum Top-up Tax) để giành quyền thu phần thuế bổ sung trước các quốc gia khác được cho là ưu tiên hàng đầu, có tính cấp bách về mặt thời gian.

Theo các chuyên gia, QDMTT đơn giản là một cơ chế nội luật hóa trong đó việc tính toán lợi nhuận thặng dư (excess profits) và thuế tối thiểu được áp dụng tương đương với các quy định tại trụ cột II theo hướng dẫn của OECD.

OECD sẽ phát triển quy trình giúp các chính phủ và cơ quan thuế đánh giá liệu mức thuế tối thiểu được đề xuất có cấu thành một QDMTT hay không. Sau khi thuế tối thiểu trong nước đáp ứng các điều kiện của QDMTT, bất kỳ khoản thuế theo QDMTT nào do một công ty chi trả sẽ được khấu trừ toàn bộ với bất kỳ nghĩa vụ thuế nào theo các quy tắc của trụ cột II. Điều này có nghĩa là QDMTT sẽ thay đổi thứ tự mà các khu vực tài phán được quyền tính thuế bổ sung khi thuế suất thực tế của một đối tượng bị điều chỉnh bởi trụ cột II giảm xuống dưới mức tối thiểu toàn cầu 15%.

Theo đó, quốc gia thực hiện QDMTT sẽ được ưu tiên đầu tiên để thu thuế bổ sung từ các đối tượng nằm trong khu vực tài phán của mình. Nếu không có QDMTT, nguồn thu đó sẽ được chuyển đến một quốc gia khác như được xác định theo thứ tự quy tắc trụ cột II.

Xu hướng tại nhiều quốc gia

Việc thuế tối thiểu toàn cầu ra đời là một điều tất yếu và các nước trên thế giới cần phải xác định rõ cũng như nghiên cứu điều tiết các quy định pháp luật của nước mình để điều chỉnh theo quy luật, trong đó phải hiểu được ưu điểm và nhược điểm của sắc thuế này mà đưa ra phương án phù hợp.

EU sẽ thực hiện các đề xuất của trụ cột II trên toàn EU, cho phép các quốc gia thành viên áp đặt các mức thuế tối thiểu trong nước; Vương quốc Anh cũng nghiên cứu về thuế tối thiểu nội địa UKDMT và đã bắt đầu quá trình xin ý kiến.

Mỹ dự kiến sẽ áp dụng cơ chế CAMT tương tự với QDMTT từ năm 2023 để ngăn chặn việc các quốc gia khác giành quyền đánh thuế đối với các doanh nghiệp nội địa.

Hàn Quốc dự kiến xây dựng hành lang pháp lý cho chính sách QDMTT trong năm 2023.

Malaysia và Indonesia đã công bố sẽ áp dụng QDMTT. Gần đây nhất, ngày 14/2/2023, Singapore thông báo kế hoạch dự kiến về việc áp dụng cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu từ 2025.

Việt Nam làm gì để không bị bỏ lại phía sau?

Tương tự nhiều nước cùng hoàn cảnh, Việt Nam phải áp dụng QDMTT để giữ được quyền đánh thuế và các nhà đầu tư cũng xác định được nghĩa vụ phải đóng thuế bổ sung tại Việt Nam, thay vì chuyển đến một quốc gia khác để nộp khoản thuế bổ sung này.

Có thể nói, việc thực thi thuế tối thiểu toàn cầu sẽ đặt ra nhiều thách thức đối với việc duy trì tính cạnh tranh về môi trường đầu tư của Việt Nam. Qua đó, bắt buộc Việt Nam phải nhanh chóng triển khai các dự án, đạo luật để doanh nghiệp trong nước và ngoài nước đầu tư tại Việt Nam được ổn định.

Các chuyên gia quốc tế cũng cho rằng, Việt Nam có thể xem xét nhiều cách khác nhau để thu hút đầu tư nước ngoài và khuyến khích các nhà đầu tư hiện tại, như hoàn thiện hệ thống pháp luật nội địa, hiện đại hóa việc quản lý thuế, nâng cao hiệu quả của các chính sách thuế và đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ đầu tư, nhất là các biện pháp hỗ trợ sau thuế theo xu thế chung và phù hợp với các cam kết quốc tế.

Về thuế, trong trường hợp không có những hành động ngay hoặc chậm trễ trong việc triển khai thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội giành quyền đánh thuế, vì khi đó các quốc gia đầu tư thuộc khối EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia khác sẽ thực hiện thu thuế bổ sung theo các nguyên tắc trụ cột II bắt đầu từ năm 2024.

Ngoài ra, Việt Nam có thể không thu được phần thuế bổ sung, nếu phát sinh trong trường hợp các tập đoàn của Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài.

Việt Nam đã chính thức tham gia tiến trình hành động chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) và trở thành thành viên thứ 100 vào tháng 6/2017. Việt Nam cũng là thành viên thứ 159 của Diễn đàn toàn cầu về trao đổi thông tin về thuế từ ngày 26/12/2019.

Qua rà soát của Tổng cục Thuế, trong năm 2022, ở Việt Nam có khoảng 1.015 doanh nghiệp FDI chịu ảnh hưởng bởi chính sách này. Áp lực triển khai thuế tối thiểu toàn cầu đã đến rất gần, nên Việt Nam cần sớm cân nhắc và thực hiện các hành động quyết liệt để không chịu thiệt về thu thuế, mà vẫn thu hút đầu tư nước ngoài.

Theo tư vấn của các chuyên gia, Việt Nam cần thực hiện một loạt giải pháp sau:

Trước hết, cần nghiên cứu đầy đủ các văn bản của G7, G20, OECD có liên quan đến cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu, tham khảo quy định của một số nước lớn như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước thành viên ASEAN, từ đó chọn lọc những nội dung phù hợp với Việt Nam để sử dụng trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp và Luật thuế.

Hai là, cần rà soát các quy định ưu đãi đầu tư của Việt Nam có liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp…

Ba là, cần nghiên cứu hoàn thiện chính sách pháp luật về thuế đối với các tổ chức nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam, nhưng phát sinh hoạt động kinh doanh và thu nhập tại Việt Nam. Đây là điều kiện cần để đánh thuế đối với các tập đoàn công nghệ đa quốc gia.

Bốn là, cần đàm phán với từng công ty đa quốc gia để thỏa thuận giải pháp cùng có lợi.

Cuối cùng, là cần định ra thời gian thực hiện các công việc liên quan sao cho Chính phủ có thể sớm trình Quốc hội thông qua việc sửa đổi nhiều luật bằng một luật sửa đổi có hiệu lực, thi hành ngay từ đầu năm 2024, theo lộ trình của nhiều nền kinh tế quan trọng đối với Việt Nam.

Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam cần chuẩn bị gì?

Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam cần chuẩn bị gì?

Ông Thomas McClelland, Phó tổng giám đốc phụ trách Dịch vụ tư vấn thuế, Deloitte Việt Nam, đã chia sẻ góc nhìn của mình về ...

Ứng phó với vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu, đâu là cánh cửa cho Việt Nam?

Ứng phó với vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu, đâu là cánh cửa cho Việt Nam?

Để ứng phó với vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu, đề xuất áp dụng các ưu đãi đầu tư bổ sung, bao gồm cả ...

Mỹ ban hành đạo luật áp mức thuế tối thiểu 15% với công ty có doanh thu hơn 1 tỷ USD/năm

Mỹ ban hành đạo luật áp mức thuế tối thiểu 15% với công ty có doanh thu hơn 1 tỷ USD/năm

Ngày 16/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành Đạo luật Giảm lạm phát với số tiền lên tới 430 tỷ USD.

Bloomberg: Fed tăng lãi suất là 'đòn' nghiêm trọng đánh vào kinh tế toàn cầu

Bloomberg: Fed tăng lãi suất là 'đòn' nghiêm trọng đánh vào kinh tế toàn cầu

Theo hãng tin Bloomberg, Ngân hàng Trung ương các nước phương Tây đang tăng lãi suất nhằm ngăn chặn việc gia tăng lạm phát, khiến ...

Đâu là những cú sốc có thể đe dọa kinh tế toàn cầu năm 2023?

Đâu là những cú sốc có thể đe dọa kinh tế toàn cầu năm 2023?

Báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy “những cú sốc bất lợi hơn nữa” có thể đẩy nền kinh tế ...