📞

Khởi nghiệp và mối nguy của những 'cái đầu rỗng' thời 4.0

Trọng Vũ 13:45 | 01/10/2020
TGVN. Chia sẻ với TG&VN về phong trào khởi nghiệp trong giới trẻ hiện nay, TS. Bùi Phương Việt Anh đưa ra cảnh tỉnh về những “cái đầu rỗng” nhưng đầy ắp ước mơ: “Cứ mơ đi vì đó là quyền chính đáng của con người, nhưng bạn cũng cần phải tỉnh táo”.

Khởi nghiệp là lĩnh vực đang được các nước trên khắp thế giới coi trọng, anh có suy nghĩ gì về phong trào này của giới trẻ tại Việt Nam?

Phải khẳng định khởi nghiệp rất quan trọng vì đây là tiền đề cho nền kinh tế phát triển và xây dựng trí tuệ xã hội. Ở Việt Nam, khởi nghiệp được Chính phủ rất coi trọng, được coi là linh hồn cho công cuộc cách mạng phát triển của nước ta.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, thì ở mặt nào đó lại thấy nó không còn thực sự khởi nghiệp nữa khi bị lợi dụng để trở thành những chuyện rất khôi hài.

Ý tưởng và mong muốn của các bạn trẻ là quyền rất chính đáng, nhưng khởi nghiệp phải bắt đầu từ mọi thứ mà chỉ “tôi muốn” không là chưa đủ. (Ảnh: Cafebiz)

Có một thực tế là nhiều diễn giả làm về khởi nghiệp đang chỉ biết tung hô suông nhưng không tính đến hiệu quả thực sự. Họ cứ vô tư “nhả ngọc” còn hậu quả thì… thiên hạ chịu. Và kết quả là các startup cứ vô tư mọc lên như nấm sau mưa bất chấp thất bại dù được cảnh báo vì họ có niềm tin, họ được tung hô và tiếp sức bởi các diễn giả mà họ trả tiền. Thế nhưng, liệu có diễn giả nào phải chịu trách nhiệm cho những tư vấn của họ?

Chẳng hạn như có một mô-típ truyền đạt khởi nghiệp rất thú vị là từ câu chuyện về Bill Gates, một số kẻ đã lợi dụng đánh vào mơ ước đổi đời, thổi vào tư tưởng “muốn như thế thì phải làm như vậy” nên sinh ra một trào lưu sinh viên bỏ học để được làm giống ông Bill Gates.

Đương nhiên, chúng ta có thể học tập những người thành đạt về mặt tình huống và tinh thần khởi nghiệp nhưng để thành công các startup cần có con đường và ứng xử của riêng mình, không thể rập khuôn theo mẫu được.

Ý tưởng và mong muốn của các bạn trẻ là quyền rất chính đáng, nhưng khi làm startup, bạn phải bắt đầu từ mọi thứ mà chỉ “tôi muốn” không là chưa đủ. Ví dụ gần đây nhất báo chí đã đưa tin về một ông tổng giám đốc phải đi cướp do... khởi nghiệp thua lỗ. Đây chính là nỗi đau thực sự cho những người làm khởi nghiệp và làm quản trị, cũng là bài học cảnh tỉnh cho những “cái đầu rỗng” nhưng đầy ắp ước mơ!

Như vậy theo anh, ngoài chỉ có “tôi muốn” ấy, họ cần có những gì?

Tôi cho rằng, những người khởi nghiệp cần phải có tố chất chịu khó, chịu khổ và đủ ý chí để ham học hỏi chứ không phải nghe hơi nồi chõ, cóp nhặt mà đòi thành công.

Gần đây tôi tham gia một vài diễn đàn và theo dõi thấy nhiều bạn trẻ chỉ có ít vốn và ước mơ đã bắt tay khởi nghiệp nhưng lại loay hoay vì hành chính không biết, luật và quản trị không biết, nhân sự và thị trường cũng không rõ nên sớm đổ vỡ, sinh ra mất lòng tin. Điều này rất nguy hiểm vì có thể làm thất bại chính sách khởi nghiệp của nước ta.

Cần phải nhấn mạnh thêm rằng khởi nghiệp là một chính sách, chủ trương đúng. Dù Chính phủ đã cởi bỏ rất nhiều rào cản, tạo ra nhiều đạo luật giúp cho các doanh nghiệp và người dân có thể khởi nghiệp tốt nhưng chính những người khởi nghiệp lại đang “bóp chết mình” bằng tư tưởng thủ cựu và những cách làm sai. Có thể thấy, số lượng khởi nghiệp tăng đột biến gần đây nhưng cũng tỷ lệ thuận với số lượng khởi nghiệp bị phá sản.

Thực tế cũng nhiều bạn trẻ Việt Nam có các ý tưởng rất tốt nhưng tại sao lại gian nan trong con đường khởi nghiệp đến vậy?

Tôi khẳng định rằng người Việt Nam rất sáng tạo và vô cùng giỏi. Tôi đã đi khắp thế giới và nhận thấy rõ điều đó. Giới trẻ Việt cũng rất cầu tiến nhưng vấn đề nhiều người gặp phải là sự ảo tưởng sức mạnh.

Họ tưởng mình có đầy đủ kiến thức để khởi nghiệp mà không cần biết những yếu tố khác. Đó là sự thiếu hiểu biết trong làm khởi nghiệp.

TS. Bùi Phương Việt Anh.

Cách mạng bắt đầu từ những người trẻ nhưng có lẽ họ chưa được khơi dậy đúng lúc và đúng cách. Ngoài ra, còn có sự lười nhác về lao động trí tuệ nhưng lại muốn có thành công nhanh và ngay.

Điều này rất nguy hiểm dẫn đến những xuống cấp về văn hóa ở một số người trẻ như không biết kính trên nhường dưới, thứ bậc, không chịu học hỏi người khác.

Một nguyên nhân khác là về phía truyền thông nhiều khi không thông tin trung thực về vấn đề khởi nghiệp mà lại ủng hộ cho những kẻ làm ăn thiếu chân chính.

Mặt khác, hiện Hội doanh nghiệp vừa và nhỏ và Sở kế hoạch và đầu tư tại các tỉnh có rất nhiều các chương trình đào tạo nhưng chưa có cơ chế thực sự đủ mạnh để hỗ trợ các bạn trẻ, khiến nhiều startup không làm đúng quy trình. Bởi vậy, các cơ quan truyền thông và các hiệp hội, tổ chức và các doanh nghiệp phải có trách nhiệm hơn trong vấn đề này.

Được biết đến như một nhà quản trị thực tế, vậy anh có lời khuyên gì cho những bạn trẻ đang muốn khởi nghiệp?

Tôi rất ủng hộ các bạn trẻ có hoài bão. Khởi nghiệp là một lĩnh vực thú vị nhưng đặc biệt bởi nó là khoa học về làm kinh tế và tổ chức, nên cần làm bài bản, nghiêm túc, đúng với nguyên tắc quản trị: đảm bảo tính hiệu quả trên những điều kiện có thật.

Khi mở một lớp học quản trị cho nghề luật sư và pháp chế, tôi rất ngạc nhiên khi nhiều người làm về ngành luật mà vẫn còn mơ màng về tổ chức, chỉ biết mỗi luật không thì làm sao có thể tư vấn cho những nhà khởi nghiệp đúng, dẫn đến cách làm tùy tiện và không hiệu quả.

Vì vậy, tôi cho rằng, muốn khởi nghiệp chúng ta phải nhìn nhận việc đánh giá thị trường và khả năng của chính mình, đặc biệt tư duy về mặt quản trị và nguồn lực (có khả năng tập hợp được về nhân sự, có khả năng thích ứng với những thách thức không...?). Nghe thì tưởng đơn giản nhưng khi bắt tay làm lại khác, dù một công ty nhỏ cũng cần trí tuệ lớn của người lãnh đạo.

Tôi nghĩ khởi nghiệp cũng như việc các bạn lấy vợ lấy chồng vậy, phải nghiên cứu kỹ, nếu không thì phá cũng nhanh lắm. Thực tế, tỷ lệ hôn nhân trong giới trẻ hiện nay rất cao là do làm ngẫu hứng, khởi nghiệp cũng thế!

Xin cảm ơn anh!

Bùi Phương Việt Anh hiện là Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tổ chức giáo dục EAS Việt Nam, cha đẻ của Học thuyết Kinh tế Tổng thể và Chuẩn Nhân lực Quốc tế (EAS IHHRM G23.0). Anh tốt nghiệp Thạc sỹ tại Đại học Victoria (Australia) và nghiên cứu Tiến sĩ Quản trị chiến lược tại Đại học Horizons (Pháp).

(thực hiện)