Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Klaus Schwab. (Nguồn: Getty Images) |
Ông Schwab đánh giá, đây không chỉ là một cuộc khủng hoảng theo chu kỳ mà là một cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống. Những tác động kéo dài của dịch bệnh lần này đối với nền kinh tế toàn cầu bao gồm những hậu quả ngắn hạn như mất việc làm và cả những ảnh hưởng mang tính cơ cấu, cũng như một loạt các nguy cơ mới.
Theo ông Schwab, nhiều nước công nghiệp lớn đã thực hiện các biện pháp tài khóa tích cực để xoa dịu sức ép của thanh khoản, trong khi tình trạng mất giá tiền tệ đã được ghi nhận ở một số nước đang phát triển tại Nam Mỹ và châu Phi.
"Chúng ta phải thực hiện mọi nỗ lực để đảm bảo sự chênh lệch giữa các nền kinh tế phát triển và các nền kinh tế mới nổi sẽ không nới rộng do cuộc khủng hoảng lần này”, ông Schwab nhấn mạnh.
Theo người sáng lập WEF, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) đã bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch, do có ít thanh khoản và phụ thuộc nhiều vào các chuỗi cung ứng hơn so với các công ty lớn và SME là đối tượng cần “sự chăm sóc đặc biệt” trong quá trình phục hồi kinh tế.
Ông Schwab cho biết, nhiều nước đã cố gắng tránh các nguy cơ tài chính ngắn hạn và điều này đã khiến gánh nặng nợ gia tăng. Vì vậy, các nước này cần đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế và giảm gánh nặng nợ nhanh nhất có thể.
Đề cập đến "tác động tích cực" của cuộc khủng hoảng đối với nền kinh tế kỹ thuật số, người đứng đầu WEF cho rằng, “cuộc khủng hoảng sẽ gây áp lực buộc các công ty phải số hóa nhiều hơn, tự động hóa nhiều hơn và ứng dụng công nghệ Vạn vật kết nối Internet (IoT) nhiều hơn”.
Theo ông Schwab, những thách thức mà đại dịch Covid-19 đặt ra đòi hỏi sự vào cuộc của giới chính trị gia, cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt là thế hệ trẻ. Tất cả những nguy cơ này chỉ có thể giảm xuống nếu chúng ta tăng cường hợp tác toàn cầu.
“Trật tự thế giới hậu đại dịch phải được định hình bởi tất cả các nước. Chúng ta cần không chỉ một phương pháp đa phương, chúng ta còn cần một phương pháp đa thành phần”, Chủ tịch WEF khẳng định.