Đây là nội dung chính được các đại biểu đưa ra thảo luận tại Diễn đàn “Thúc đẩy phát triển bền vững Khu công nghiệp Việt Nam” ngày 28/3 do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 28/3 tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn “Thúc đẩy phát triển bền vững Khu công nghiệp Việt Nam” ngày 28/3, ông Nguyễn Quang Vinh - Bí thư Đảng uỷ, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, cả nước đã có 418 khu công nghiệp (KCN) đã thành lập, bao gồm 371 KCN nằm ngoài các KKT, 39 KCN nằm trong các KKT ven biển, 8 KCN nằm trong các KKT cửa khẩu, với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 129,9 nghìn ha. Tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 89,2 nghìn ha.
Trong số các KCN đã được thành lập, có 298 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 92,2 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 63,1 nghìn ha và 120 KCN đang trong quá trình xây dựng với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 37,5 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 26,1 nghìn ha.
Các doanh nghiệp trong KCN đóng góp khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, góp phần vào việc chuyển cán cân thương mại của Việt Nam từ nhập siêu, đến cân bằng và sang xuất siêu, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách. Hệ thống KCN, KKT đã góp phần quan trọng trong việc phát triển doanh nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế phát triển sản xuất công nghiệp, tham gia chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Quang Vinh. (Ảnh: Vân Chi) |
Những con số và phân tích trên đây đã cho thấy, sự phát triển của các KCN đóng vai trò quan trọng trong bức tranh kinh tế - xã hội của Việt Nam, cũng như phát triển bền vững các KCN sẽ góp phần đáng kể vào việc hiện thực hóa các cam kết hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và nhiều chính sách quan trọng khác của Việt Nam.
Theo khảo sát của Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI) và tổ chức Sáng kiến Thương mại bền vững tại Việt Nam (IDH Việt Nam), năm 2022, thực trạng các KCN theo khung kinh tế, môi trường, xã hội và quản trị với 19 nhóm chỉ tiêu chính tại 118 KCN trên cả nước cho thấy, có tới 50% KCN chưa nghe đến khái niệm KCN phát triển bền vững, 30% có nghe hiểu về khái niệm KCN sinh thái, chỉ có 22% KCN có chứng chỉ hệ thống quản lý quốc tế. Đáng lưu ý, 77% KCN không có thông tin kiểm toán cấp doanh nghiệp về các mặt tài chính, xã hội và môi trường…
"Kết quả này đã chỉ ra một số 'điểm nghẽn' trong các khía cạnh về nhận thức, xây dựng chính sách, quản trị của các KCN liên quan đến việc phát triển bền vững các KCN. Đây cũng có thể là những chỉ dấu cho các khuyến nghị về chính sách và hành động để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc xây dựng, vận hành các KCN bền vững tại Việt Nam", ông Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh.
Ngoài ra, tình trạng tăng phát thải khí CO2 là vấn đề nghiêm trọng mà các KCN đang phải đối mặt hiện nay, ảnh hưởng nặng nề tới môi trường tự nhiên và môi trường sống của cộng đồng dân cư xung quanh. Do vậy, để thực hiện Chiến lược quốc gia và phát triển xanh giai đoạn 2021-2030, cũng như cam kết của Chính phủ tại COP26, các KCN truyền thống sẽ được thay đổi và phát triển theo hướng bền vững, tiệm cận với yêu cầu quốc tế.
Các chuyên ra cho rằng, việc phát triển KCN thời gian qua đã bộc lộ một số hạn chế, đó là sự phát triển thiếu đồng bộ, thiếu gắn kết; sử dụng kém hiệu quả các nguồn tài nguyên; ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường tự nhiên và môi trường sống của cộng đồng dân cư quanh KCN…Trong bối cảnh đó, việc cụ thể hóa chủ trương, chính sách về KCN, KKT, đặc biệt là hoàn thiện thể chế, chính sách về KCN, KKT để đảm bảo KCN, KKT tiếp tục đóng vai trò là mô hình quan trọng trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội là yêu cầu cấp thiết.
Trước thực tế này, VCCI đã đồng hành cùng các cơ quan Bộ ngành liên quan xây dựng những bộ chỉ số có ý nghĩa hết sức quan trọng, như Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) ra mắt năm 2016. Theo đó, VCCI là một trong những “đầu tàu” đi tiên phong mạnh mẽ nhất trong thúc đẩy phát triển cộng đồng doanh nghiệp bền vững.
Với tầm nhìn đó, VCCI đã chủ trì xây dựng những bộ chỉ số có ý nghĩa hết sức quan trọng, như Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) ra mắt năm 2016 - là công cụ hỗ trợ quản trị doanh nghiệp bền vững cho chính các doanh nghiệp Việt Nam.
“Các doanh nghiệp có thể “soi mình” vào đó với các chỉ số về môi trường, lao động, quản trị xã hội…. sẽ thấy được mức độ phát triển bền vững của mình. CSI là công cụ hết sức hữu hiệu được doanh nghiệp đánh giá cao trong suốt 8 năm qua”, ông Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh.
Bên cạnh CSI, VCCI còn cho ra mắt Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) từ năm 2005 mà nay đã trở thành một công cụ quan trọng để khuyến khích và thúc đẩy cải cách ở cả cấp trung ương và cấp địa phương về công tác điều hành kinh tế. Mới đây nhất, VCCI cũng cho ra mắt Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) ra mắt năm 2023, là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh.
Toàn cảnh Diễn đàn. (Ảnh: Vân Chi) |
Chia sẻ tại Diễn đàn, đại diện cho phía Hiệp hội, ông Trần Tiến Dũng, Ủy viên Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hải Phòng cho hay, cơ hội đón đầu xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng trên toàn cầu không chia đều, trong khi Việt Nam đang chậm bước hơn so với nhiều quốc gia về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Vì thế, phát triển bền vững là nội dung bắt buộc các nhà đầu tư phát triển KCN và ngành nghề liên quan phải làm.
Về phía các doanh nghiệp, bà Trần Thị Tố Loan - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn đầu tư Sao Đỏ chia sẻ, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó nguồn vốn và tài chính. Phần lớn các KCN được phát triển theo giai đoạn cuốn chiếu, việc đầu tư đồng bộ toàn bộ hệ thống các phân khu chức năng và hệ thống xử lý nước thải, hệ thống hoàn thiện điện nước thì cần nguồn vốn lớn và phải đầu tư ngay từ ban đầu. Bên cạnh đó, các quy định pháp lý còn chưa rõ ràng, gây cản trở cho KCN trong việc chuyển đổi mô hình.
Bà Loan kiến nghị những hỗ trợ về nguồn vốn và tài chính cũng như sự đảm bảo hơn về quy định pháp lý. Đồng thời, đề nghị xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi hơn để khuyến khích doanh nghiệp phát triển, cạnh tranh lành mạnh.
Hiện Chiến lược quốc gia về phát triển xanh giai đoạn 2021-2030 cũng như cam kết của Chính phủ tại COP26 đã đặt ra yêu cầu về khu vực sản xuất công nghiệp theo hướng xanh, bền vững. Vì thế, bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, mô hình KCN truyền thống cần được thay đổi và phát triển theo hướng bền vững, tiệm cận với yêu cầu quốc tế.
Bên cạnh đó, chuyển hướng KCN bền vững cần thực hiện từ cấp độ doanh nghiệp với những giải pháp hiệu quả để sản xuất sạch hơn hoặc sử dụng năng lượng tái tạo… Nhưng cũng cần vai trò của UBND các tỉnh trong việc hỗ trợ đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trong và ngoài hàng rào KCN, để hỗ trợ việc kết nối và thực hiện các sáng kiến KCN sinh thái, cũng như chuyển giao các công nghệ tiên tiến trong KCN.
| Việt Nam luôn sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với các nước và đối tác vì bình đẳng giới Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân khẳng định, phụ nữ ngày nay là một lực lượng không thể thiếu trong mọi tiến trình ... |
| Việt Nam thăng hạng vượt bậc về chỉ số phát triển con người Trong bảng xếp hạng chỉ số phát triển con người (HDI) mới nhất, Việt Nam đã tăng 8 bậc từ vị trí 115 lên vị ... |
| Sắp diễn ra hội thảo hiến kế để du lịch Điện Biên gỡ 'điểm nghẽn', phát triển bền vững Điện Biên có thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng, lịch sử hào hùng, văn hóa đặc sắc, khí hậu trong lành, là nơi hội tụ ... |
| VITM 2024 lấy chủ đề 'Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững' Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2024 sẽ diễn ra từ ngày 11-14/4 tại Trung tâm Triển lãm quốc ... |
| Doanh nghiệp FDI cùng Việt Nam xanh hóa Khi tăng trưởng xanh được Việt Nam xác định là yếu tố cốt lõi của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, doanh nghiệp ... |