📞

Không để Covid-19 'đánh gục', ngoại giao điện ảnh của Mỹ quyết tìm hướng đi mới

Hằng Nhi 22:45 | 16/07/2020
TGVN. Phim ảnh là một trong những công cụ ngoại giao văn hóa quan trọng của nước Mỹ, nhưng làn sóng Covid-19 quét qua đã khiến cho ngành này phải chịu nhiều tổn thất nặng nề.
Ngoại giao phim ảnh là một trong những công cụ ngoại giao văn hóa quan trọng của Mỹ. (Nguồn: CPD)

Để có thể thích ứng nhanh chóng với đại dịch, Mỹ đã có những nỗ lực trong việc phát triển chương trình trực tuyến về lĩnh vực phim ảnh. Kênh quảng bá phim Mỹ - American Film Showcase (AFS) là chương trình ngoại giao phim ảnh và truyền hình hàng đầu của chính phủ, được tài trợ bởi Cục Văn hóa và Giáo dục (ECA) của Bộ Ngoại giao Mỹ, do trường Đại học Nghệ thuật Điện ảnh USC sản xuất. Tuy nhiên, trước sự bùng phát của dịch Covid-19, AFS không thể chỉ “khoanh tay đứng nhìn” những khó khăn, mà buộc phải có những bước đi đổi mới sáng tạo để cứu lấy chính mình.

Đầu tháng 3, AFS chuẩn bị cho một mùa xuân “đầy bận rộn” với những chuyến hành trình ngoại giao văn hóa kéo dài 21 tuần. Các nhà làm phim và chuyên gia truyền thông Mỹ sẽ ra nước ngoài để tổ chức các buổi chiếu phim, tổ chức hội thảo làm phim và kết nối với khán giả địa phương.

Nhưng kể từ khi Covid-19 lan rộng trên khắp thế giới thì một số chương trình đã sớm bị hủy bỏ. Đầu tiên là hoãn chiếu một bộ phim tài liệu về quyền dành cho người khuyết tật ở Thái Lan, tiếp theo là một hội thảo viết về truyền hình khu vực ở Kyrgyzstan và sau đó là hội thảo sản xuất phim tài liệu ở Morocco.

Vài ngày sau khi Liên hoan phim độc lập South by Southwest (SXSW) do AFS lên kế hoạch tổ chức bị hủy, nhân viên AFS đã được yêu cầu ở nhà và xem xét lại các hoạt động ngoại giao văn hóa trong khoảng thời gian không thể tập trung đông người.

Vì sự an toàn cho các phái viên, Bộ Ngoại giao Mỹ đã tạm dừng tất cả các chương trình trao đổi trực tiếp và chuyển sang làm việc trực tuyến. Họ cố gắng tìm ra cách duy trì hoạt động ngoại giao công chúng này và tìm ra giải pháp thu hút khán giả cho những bộ phim trong bối cảnh Covid-19 ảnh hưởng tới tất cả các hoạt động sinh hoạt.

AFS phải đứng trước hàng loạt câu hỏi như: Có được phép chiếu phim AFS trên trang Facebook của các Đại sứ quán hay không? Các Trung tâm Mỹ ở nhiều nước đã đóng cửa thì làm thế nào để có thể tiếp tục chiếu phim AFS?

Việc thương lượng lại quyền chiếu từng bộ phim AFS với các nhà phân phối phim của Mỹ cũng là một thách thức không nhỏ với AFS.

Để giải quyết những thách thức, AFS đã mở các lớp học và hội thảo về làm phim thông qua hình thức trực tuyến. Giai đoạn dịch Covid-19, AFS thực hiện hạn chế hơn các buổi công chiếu phim và tập trung vào mục tiêu liên kết các khán giả trên khắp thế giới, dù họ đến từ các nền văn hóa khác nhau nhưng vẫn có thể trò chuyện và tương tác.

AFS nhận được sự ủng hộ nhiệt tình cho sự thay đổi mới mẻ này. Chỉ sau hai ngày gửi email tới các chuyên gia phim ảnh hàng đầu của Mỹ, AFS đã nhận được tới 175 ý tưởng về các lớp học và hội thảo trực tuyến, từ các hội thảo chia sẻ truyền thống cho đến các lớp học nội dung số.

Trong vòng một tuần, AFS có thể cung cấp hơn 50 các chương trình truyền hình trực tuyến. Do vậy, các đại sứ quán và lãnh sự quán Mỹ ở nước ngoài đã nắm bắt cơ hội, cung cấp chương trình cho khán giả sở tại, giúp họ có thể giải khuây trong những ngày phải ở nhà tránh dịch Covid-19. Đến giữa tháng 5, đã có khoảng gần 60 các sự kiện trực tuyến của AFS được công chiếu và nhận được những phản hồi tích cực.

Tuy nhiên, việc tổ chức các chương trình trực tuyến này cũng có những khó khăn nhất định, chẳng hạn như việc đẩy mạnh tính tương tác và hứng thú của những người đăng ký tham dự.

Thực tế là các chương trình trực tuyến sẽ không bao giờ thay thế được trải nghiệm phim ảnh trực tiếp, nhưng rõ ràng những nỗ lực thay đổi này là cần thiết để duy trì các hoạt động ngoại giao văn hóa Mỹ trong thời điểm dịch bệnh hoành hành và giúp mở rộng các phương thức ngoại giao công chúng trong tương lai.

Chắc chắn sau khi “cơn bão” Covid-19 qua đi, AFS vẫn sẽ tiếp tục tìm giải pháp sáng tạo để góp phần phát triển chương trình trực tuyến trong chiến lược ngoại giao công chúng của quốc gia.

(theo USC Center on Public Diplomacy)