TIN LIÊN QUAN | |
Chiến tranh Lạnh phủ bóng đen lên số phận của Damascus | |
Syria ra tối hậu thư cho lực lượng IS gần Damascus |
Đúng một tuần sau khi Damascus bị cáo buộc tiến hành một cuộc tấn công vũ khí hóa học (VKHH) nhằm vào dân thường tại thị trấn Douma, phía Đông tỉnh Ghouta, Mỹ, Anh và Pháp đã mở một chiến dịch không kích quy mô lớn vào những địa điểm được cho là nghiên cứu và tàng trữ VKHH tại Syria rạng sáng ngày 14/4.
Nhưng Syria và Nga cũng đã sẵn sàng. Dưới hệ thống phòng thủ được hỗ trợ bởi nhiều vũ khí tối tân đến từ Moscow, chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đều tuyên bố đã chặn đứng động thái “xâm phạm chủ quyền trắng trợn” đến từ bộ ba Anh - Pháp - Mỹ.
Ngay sau cuộc tấn công, cộng đồng quốc tế chia làm hai phe: Bên ủng hộ động thái táo bạo của Mỹ cùng đồng minh, trong khi bên còn lại phản đối hành vi xâm phạm chủ quyền đến từ những quốc gia này. Giới chuyên gia đã tốn không ít giấy mực thảo luận về chiến sự tại Syria. Song sau những cuộc đấu khẩu tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) hay công bố trái ngược từ các bên liên quan, còn đó một câu hỏi quan trọng, liên quan đến sự chênh lệch về mặt số liệu tên lửa giữa phe tấn công và phe phòng thủ vẫn chưa được giải đáp.
Tên lửa phòng không Syria đáp trả những đợt tấn công của Mỹ và đồng minh. (Nguồn: AP) |
Tuyên bố hùng hồn
Ngay sau chiến dịch chớp nhoáng này, Syria tuyên bố đã đánh chặn thành công 71/103 quả tên lửa của đối phương. Đáng chú ý, Nga cho biết lực lượng đánh chặn của quốc gia Trung Đông này vẫn chủ yếu bao gồm các tổ hợp phòng không chế tạo từ thời Liên Xô như S-200, S-125, song đã “chặn đứng” 2/3 số tên lửa hành trình tối tân của Mỹ và đồng minh, một con số cao chưa từng có. Tuy nhiên, Moscow không cung cấp bằng chứng cụ thể về hình ảnh như thường lệ.
Có thể nói, đây là cách Nga chứng tỏ ưu thế vượt trội của mình trên mặt trận quân sự. Việc xứ Bạch Dương tuyên bố hệ thống phòng không “cây nhà lá vườn” có thể khắc chế tên lửa Mỹ không chỉ là đòn bẩy trên bàn đàm phán về Syria, mà còn là cách quảng bá hình ảnh, thu hút các hợp đồng mua bán vũ khí đã góp phần không nhỏ trong sự hồi sinh của nền kinh tế Nga.
Đối với Damascus, một “chiến thắng” trước liên quân ba nước do Mỹ dẫn đầu sẽ tiếp tục củng cố vị thế của chính quyền Tổng thống Bashar Al-Assad trước lực lượng Đối lập Syria được Washington hậu thuẫn.
Con số có biết nói?
Số liệu do Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ công bố lại cho thấy một bức tranh hoàn toàn khác. Mỹ, Anh và Pháp đã bắn tổng cộng 105 quả tên lửa vào ba mục tiêu chính, cao hơn hai quả so với số liệu của Nga. Đáng chú ý, trong họp báo ngay sau chiến dịch không kích, Trung tướng Kenneth McKenzie đã cho rằng chính quyền Assad đã phóng đến 40 quả tên lửa phòng không, song chẳng thể bắn hạ được bất kỳ một tên lửa nào từ phía liên quân. Trong khi đó, hình ảnh được Lầu Năm góc cung cấp cho thấy Mỹ đã "thành công" trong việc tiêu diệt những mục tiêu của mình.
Thủ đô Damascus (Syria), nhìn từ núi Qasioun. (Nguồn: Sputnik News) |
Đáng chú ý, ngay cả trong những đoạn video clip được phía Syria quay lại, các tên lửa do quân đội nước này phóng đi đã không có hình ảnh va chạm nào với các tên lửa hành trình từ phía Mỹ, Anh hay Pháp. Những tên lửa này cũng không có quỹ đạo zic zac thường thấy ở các tên lửa đánh chặn tên lửa hành trình.
Ngoài ra, ngày 16/4, Damascus tuyên bố đánh chặn “thành công” 9 tên lửa siêu thanh thế hệ mới nhất Sky Sniper từ phía Israel, nhưng ngay sau đó đã phải cải chính khi phát hiện hệ thống phòng thủ tên lửa đưa ra thông tin sai lệch vì bị Mỹ và Israel tiến hành “tấn công điện tử”.
Nhưng sức mạnh quân sự có phần nhỉnh hơn so với Moscow cùng ưu thế về truyền thông sau đợt không kích cũng chẳng thể mang lại lợi ích chiến lược thiết thực cho Washington. Nhận định của một quan chức giấu tên từ Israel, đồng minh thân cận của Mỹ, cho rằng Tổng thống Trump có thể thành công khi cho thấy mọi hành động sử dụng VKHH phải bị trừng trị, song đã thất bại trong việc làm tê liệt tiến trình phát triển VKHH của Syria, khi Damascus đã tiến hành di dời nhiều cơ sở quan trọng. Thêm vào đó, việc “tay nhúng chàm” khi phê chuẩn tấn công vào quốc gia Trung Đông này sẽ khiến ý định rút quân khỏi Syria của Tổng thống Mỹ Donald Trump càng khó khăn hơn.
Ngược lại, tuy chưa thể khiến cho Mỹ “bẽ mặt”, nhưng Nga vẫn đạt được thành công khi tiếp tục duy trì chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad, đảm bảo sự hiện diện của Moscow tại đây trong vai trò “người bảo hộ” hòa bình.
Với diễn biến nhanh và kịch tính, “vở kịch” hay tại Syria chắc chắn sẽ tiếp tục là chủ đề quan tâm của cộng đồng quốc tế và giới chuyên gia. Song đối với người dân nơi đây, chừng nào tấn “thảm kịch” này chưa “hạ màn”, thứ mà họ “cảm nhận được vẫn chỉ là sự hỗn loạn, khung cảnh chết chóc len lỏi vào từng đống đổ nát trên khắp quê hương.
Nga và Áo ủng hộ khôi phục hòa đàm Syria Ngày 18/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Áo Sebastian Kurz để thảo luận về tình hình tại ... |
Hậu không kích Syria: Nga - Mỹ chỉ duy trì đối đầu trong giới hạn Thị trấn Douma (Syria) được cho là nơi đã xảy ra vụ tấn công hóa học khiến nhiều người thiệt mạng hôm 7/4. Vụ không ... |
Saudi Arabia đã sẵn sàng điều quân tới Syria Ngày 17/4, Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir đã tái xác nhận về sự sẵn sàng của vương quốc này trong việc triển khai các ... |