Pháo mặt đất Australia khai hỏa. (Nguồn: Army Recognition) |
Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược, chủ yếu giữa Mỹ và Trung Quốc tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chính phủ Australia nhận định: Mặc dù còn xa, khả năng xung đột quân sự cường độ cao ở khu vực này có xác suất cao hơn bao giờ hết.
Chính vì vậy, Canberra đã đặt ra 3 mục tiêu chiến lược mới để chỉ đạo kế hoạch phòng thủ, bao gồm cơ cấu lực lượng, xây dựng nguồn lực và tham gia vào hoạt động quốc tế. Mục đích chính là định hình môi trường chiến lược Australia, ngăn chặn các hành động chống lại lợi ích của nước này, đồng thời có đủ lực lượng quân sự đáng tin cậy, khi cần.
Chính phủ cũng đã chỉ đạo Lực lượng Phòng thủ Australia (ADF) ưu tiên khu vực địa lý cụ thể, đề cao khả năng tự lực của ADF để mang lại hiệu quả răn đe; mở rộng khả năng phòng thủ để đáp ứng các chiến dịch ở vùng xám (luật pháp quốc tế dựa trên sự phân biệt đen trắng giữa chiến tranh và hòa bình, thì vùng xám là khu vực ở giữa - PV); tăng cường khả năng sát thương của ADF đối với các chiến dịch cường độ cao; duy trì khả năng triển khai lực lượng ADF trên toàn cầu; nâng cao khả năng để hỗ trợ chính quyền dân sự ứng phó với thiên tai và khủng hoảng…
Theo Kế hoạch Cơ cấu Quốc phòng Australia năm 2020 được ban hành ngày 1/7 vừa qua, Australia sẽ tăng cường khả năng chiến đấu của các lực lượng vũ trang bằng các hệ thống pháo mới, bao gồm các hệ thống pháo tự hành và pháo bắn loạt. Cụ thể, theo tiến độ thời gian từ 2020-2040, quân đội nước này sẽ được cấp kinh phí để nâng cấp pháo tự hành 4,5-8,8 tỷ AUD và pháo bắn loạt cùng tên lửa là 3,2-4,8 tỷ AUD.
Quân đội Australia có kế hoạch thành lập các trung đoàn pháo tự hành để bổ sung cho khả năng tấn công hiện có của Lục quân. Kế hoạch bao gồm một chương trình nâng cấp phần cứng và phần mềm trong tương lai để đảm bảo các hệ thống này duy trì khả năng chiến đấu theo thời gian.
Kế hoạch này cũng bao gồm việc tăng cường hoặc thay thế pháo có khối lượng nhẹ M777 155mm bằng pháo có thể triển khai nhanh và nhẹ để tối đa hóa khả năng linh hoạt của lực lượng pháo binh ADF. Việc mua một khẩu đội pháo bắn loạt tầm xa và các hệ thống tên lửa bắn giàn, nâng cấp tầm bắn của các hệ thống này nhằm nâng cao khả năng tấn công trên bộ, và mua thêm pháo để thành lập một trung đoàn đầy đủ biên chế với ba khẩu đội.
Hiện tại, sức mạnh pháo binh của ADF bao gồm 54 khẩu pháo M777A2 (155mm) xe kéo và 185 súng cối F2 (81mm). Pháo M777A2 - phiên bản cải tiến của pháo xe kéo khối lượng nhẹ tiêu chuẩn M777 (155mm) do Công ty BAE Systems thiết kế và sản xuất, về thực chất là một khẩu pháo 155mm xe kéo do Quân đội và Thủy quân Lục chiến Mỹ phối hợp phát triển để thay thế cho pháo xe kéo M198 (155mm).
Súng cối F2 (81mm) trong thực tế là súng cối L16 (81mm) của Anh được sản xuất tại Australia, có tầm bắn tối đa 5.650m. Loại cối này có thể được mang vác bởi các binh sĩ, trong trường hợp đó, đạn sẽ được các binh sĩ khác gùi. Ngoài các thiết bị thông thường của họ, mỗi người lính sẽ mang theo 4 quả đạn trong hộp nhựa, với 2 quả mỗi hộp.
Australia cũng sẽ khởi động một chương trình trong tương lai để phát triển hệ thống vũ khí năng lượng trực tiếp có thể tích hợp trên các phương tiện bọc thép và được bảo vệ của ADF, có khả năng tiêu diệt các mục tiêu bọc thép, bao gồm cả xe tăng chiến đấu chủ lực. Việc triển khai vũ khí năng lượng trực tiếp nhằm mục đích cuối cùng là cải thiện khả năng hỏa lực của lực lượng Lục quân bằng cách giảm phụ thuộc vào kho dự trữ đạn và dây chuyền cung cấp đạn dược.
| Du lịch Australia có thể thiệt hại gần 38 tỷ USD do dịch Covid-19 TGVN. Ủy ban Thương mại và Đầu tư Australia mới đây công bố báo cáo cho thấy ngành du lịch nước này đang đối diện khả ... |
| Làn sóng Covid-19 thứ 2 sẽ đến với Australia? TGVN. Trong một cuộc khảo sát mới nhất của The Guardian, đa số người dân Australia tin rằng, sẽ có một làn sóng Covid-19 thứ 2 ... |
| Căng thẳng Australia-Trung Quốc: Đòn ngược TGVN. Cách tiếp cận ngoại giao cứng rắn, cùng việc gây áp lực kinh tế đối với Australia có thể không giúp Trung Quốc đạt ... |