Trung Quốc phóng 3 vệ tinh do thám Yaogan-31 vào quỹ đạo hồi cuối tháng 2/2021. (Nguồn: Handout) |
Nỗ lực đầu tư không mệt mỏi của Bắc Kinh
Không phải người Mỹ nào cũng nhận ra rằng, vị thế thống trị công nghệ tiên tiến của đất nước họ đang bị lung lay. Thế nhưng, đây lại là điều mà cựu Giám đốc điều hành Tập đoàn Google Eric Schmidt thừa nhận trong phiên điều trần gần đây trước Quốc hội.
Trong khi đó, tỷ phú Elon Musk - doanh nhân sở hữu Tập đoàn công nghệ Tesla và SpaceX - từng thừa nhận rằng, Trung Quốc sẽ trở thành cường quốc thế giới và nền kinh tế hàng đầu thế giới, chủ yếu nhờ nỗ lực đầu tư không mệt mỏi trong quá trình đổi mới công nghệ hiện đại.
Tin liên quan |
Mỹ coi Trung Quốc là 'đối thủ lớn nhất' trong lĩnh vực công nghệ quân sự |
Cho dù là trí tuệ nhân tạo hay công nghệ vũ trụ, Trung Quốc đang nhanh chóng vươn lên chiếm vị thế chủ lực trong phát triển công nghệ cao. Khi những xu hướng này ngày càng phát triển trong 10 năm tới, mối đe dọa về quân sự của Trung Quốc đối với Mỹ cũng sẽ theo đó gia tăng.
Minh chứng là hồi cuối tháng 2 vừa qua, Trung Quốc đã khiến cộng đồng tình báo phương Tây "mắt tròn mắt dẹt" khi bất ngờ phóng 3 vệ tinh do thám Yaogan-31 vào quỹ đạo. Vụ việc đánh dấu lần thứ 3 Bắc Kinh phóng vệ tinh lên quỹ đạo kể từ ngày 31/1, như ghi nhận của Thượng nghị sỹ Dân chủ Mỹ đồng thời là thành viên Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ Gary Peters.
Đây là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy năng lực công nghệ vệ tinh của Trung Quốc đã nhanh chóng đuổi kịp Mỹ. Khi những năng lực của Bắc Kinh sánh ngang hoặc vượt qua năng lực của Mỹ, Washington sẽ tự cảm vị thế siêu cường duy nhất thế giới dần suy tàn.
Trung Quốc công bố hệ thống vệ tinh Yaogan hồi năm 2006 với việc phóng vệ tinh radar khẩu độ mở tổng hợp đầu tiên thu thập dữ liệu hình ảnh về thời tiết trên toàn bộ Trái Đất. Năm 2007, Trung Quốc triển khai vệ tinh quang học đầu tiên thuộc hệ thống vệ tinh Yaogan. Năm 2009, Trung Quốc "trình làng" bộ ba vệ tinh do thám đầu tiên thuộc tổ hợp Yaogan ngày càng phát triển của nước này.
Đa phần giới chuyên gia cho rằng tổ hợp vệ tinh Yaogan của Trung Quốc có tính năng và năng lực giống Hệ thống Giám sát Hải dương của Hải quân Mỹ. Những vệ tinh này có khả năng chặn tín hiệu sóng radio phát đi từ mặt đất và sử dụng sóng này để truy vết tàu chiến trên biển.
Đây là bước phát triển quan trọng đối với năng lực hải quân và vũ trụ vốn đang ngày càng phát triển của Trung Quốc. Tổ hợp vệ tinh Yaogan sẽ giúp lực lượng quân sự đang ngày càng hiện đại hóa của Bắc Kinh có thể đe dọa những đơn vị quân sự của Mỹ hoạt động gần Trung Quốc.
Mục tiêu chiến lược chính đối với Trung Quốc là ngăn chặn Mỹ can thiệp quân sự vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Việc tổ hợp vệ tinh Yaogan của Trung Quốc có khả năng truy vết các mục tiêu hải quân Mỹ có ý nghĩa quan trọng đối với chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực mà Bắc Kinh đang đẩy mạnh.
Bắc Kinh cần những hệ thống vệ tinh như hệ thống Yaogan nhằm đẩy lùi sự hiện diện quân sự Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Mỹ cần sớm nhận thức về mối đe dọa
Nhà kinh tế học người Mỹ David P Goldman đã nêu một nhận định trong cuốn sách gần đây, "trong khi Washington tự mãn với sự phát triển của mình thì Bắc Kinh lại hoạch định những lĩnh vực chiến lược và đặt mục tiêu để đạt được vị thế đi đầu trong những lĩnh vực đó".
Khi nắm bắt được lĩnh vực công nghệ cao như máy tính lượng tử, công nghệ vũ trụ, công nghệ sinh học hoặc trí tuệ nhân tạo, Trung Quốc sẽ trở thành trung tâm của thế giới. Một khi Trung Quốc trở thành trung tâm của đổi mới công nghệ cho cuộc cách mạng công nghiệp tiếp theo thì năng lực quân đội của nước này sẽ ngày càng lớn mạnh.
Tin liên quan |
Yếu tố nào giúp Trung Quốc tự tin 'vượt mặt' Mỹ tại Đông Nam Á? |
Rốt cuộc, Bắc Kinh sẽ sở hữu những vũ khí có thể đe dọa Mỹ. Nếu Bắc Kinh sử dụng vũ lực để đe dọa Mỹ thì có thể gây ra những thay đổi cơ bản đối với trật tự quốc tế vốn lâu nay nhiều lợi thế vẫn thuộc về Mỹ.
Dần dần, khi Bắc Kinh đạt được mục tiêu của mình trở thành trung tâm của cuộc cách mạng công nghiệp kỹ thuật cao, thì cán cân quyền lực sẽ thay đổi theo hướng có lợi cho Trung Quốc và cán cân đó được cho là sẽ khó có thể đảo ngược.
Washington cần thiết lập một chiến lược "dài hơi" cho nghiên cứu và phát triển công nghệ cao trước khi Trung Quốc "vượt mặt" về lĩnh vực công nghệ trong vòng 10 năm tới, không chỉ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới mà rốt cuộc sẽ có năng lực quân sự vượt trội so với Washington.
Nếu Mỹ không sớm triển khai một chiến lược nghiên cứu và phát triển ở cấp độ liên bang thì nước này sẽ bị Bắc Kinh bỏ lại phía sau trong tương lai, như cảnh báo của ông Eric Schmidt và David Goldman.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld từng nhận định: "Mỹ cảnh giác song chưa nhận thức được". Vì vậy, hy vọng rằng Washington sẽ sớm nhận thức được mối đe dọa nói trên.