📞

Không muốn 'chậm chân' ở Đông Nam Á, Nhật Bản đẩy mạnh ngoại giao tư pháp

Hồng Phúc 21:08 | 01/06/2020
TGVN. Một phần tư thế kỷ thực hiện chính sách "ngoại giao tư pháp" của Nhật Bản đang mang lại thành quả ở khu vực Đông Nam Á.
Các nhà lãnh đạo tại Thượng đỉnh ASEAN-Nhật Bản lần thứ 22 tại Thái Lan, tháng 11/2019.

Hôm 27/5 vừa qua, Lào đã trở thành quốc gia thứ ba ở Đông Nam Á, sau Việt Nam và Campuchia, đưa vào áp dụng bộ luật dân sự mới. Bộ luật này được xây dựng với sự hỗ trợ của Nhật Bản.

Sự can dự dài hạn

Sự can dự dài hạn của Tokyo trong lĩnh vực này đã dẫn đến việc lần đầu tiên Nhật Bản được phép tham gia một hội nghị của các quan chức tư pháp cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Hội nghị Quan chức Tư pháp Cấp cao ASEAN (ASLOM) dự kiến sẽ thảo luận về an ninh mạng và các vấn đề pháp lý xuyên biên giới khác.

Bà Noriko Shibata, lãnh đạo Bộ phận Quan hệ Quốc tế thuộc Bộ Tư pháp Nhật Bản, cho rằng việc Tokyo “có chân” tại ASLOM phản ánh “niềm tin mà nước này đã giành được thông qua các chương trình hỗ trợ thực tế và tạo ra mạng lưới con người”.

Kể từ khi bắt đầu triển khai chính sách “ngoại giao tư pháp” vào năm 1994 thông qua việc cung cấp hỗ trợ trong lĩnh vực tư pháp cho Việt Nam đến nay, Nhật Bản đã tư vấn pháp lý cho 3 quốc gia Đông Nam Á khác gồm Campuchia, Indonesia và Myanmar. Nhật Bản giúp các nước này soạn thảo các dự luật và đào tạo các quan chức tư pháp.

Mặt khác, Nhật Bản cũng tiếp tục hỗ trợ để giúp xây dựng các khái niệm như tôn trọng luật pháp và nhân quyền ở các quốc gia Đông Nam Á. Tokyo hy vọng củng cố vị thế quốc tế của mình, đồng thời tạo ra các điểm đến hấp dẫn để đầu tư bằng cách đóng góp cho sự phát triển kinh tế ổn định của khu vực.

Bộ phận Quan hệ Quốc tế của Bộ Tư pháp Nhật Bản được thành lập năm 2018 để thực hiện chính sách “ngoại giao tư pháp”. Đơn vị này có chức năng khuyến khích các quốc gia ở Đông Nam Á và các khu vực khác áp dụng các hệ thống pháp luật kiểu Nhật Bản. Phát triển pháp luật là một công cụ viện trợ phát triển chính thức (ODA) đòi hỏi ít kinh phí hơn so với các dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng hay các chương trình hỗ trợ khác.

Nhật Bản đã từng cung cấp viện trợ hạ tầng pháp luật theo yêu cầu của các quốc gia khác, nhưng Tokyo đã thành lập bộ phận mới này để cung cấp hỗ trợ tích cực hơn. Trước đó, chính sách ngoại giao tư pháp của Nhật Bản đã phải đối mặt với những chỉ trích rằng Tokyo thiếu một chiến lược về vấn đề này.

Chính sách không đơn độc

Chắc chắn là Nhật Bản không đơn độc. Mỹ, châu Âu và các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng cung cấp hỗ trợ về phát triển pháp luật. Tuy nhiên, theo ông Hiroshi Matsuo, Giáo sư Luật của Đại học Keio và là một trong những người đã tham gia các chương trình hợp tác pháp luật với các nước đang phát triển, sự trợ giúp của nước ngoài và các tổ chức quốc tế thường ưu tiên đạt được các kết quả dưới dạng định hình các hệ thống pháp luật “hiệu quả”, trong khi “Nhật Bản lại tập trung vào cả quá trình”.

Nói cách khác, Nhật Bản cung cấp hỗ trợ “theo kiểu đối tác” cho các quốc gia đang phát triển dựa trên kinh nghiệm của mình khi áp dụng các hệ thống luật pháp phương Tây. Trong thời Minh Trị (1868–1912), Nhật Bản đã tiến hành hiện đại hóa một cách nhanh chóng xã hội phong kiến đang bị cô lập. Chuyên gia Taro Morinaga, Trưởng phòng Phòng Hợp tác Quốc tế của Viện Nghiên cứu và Đào tạo thuộc Bộ Tư pháp Nhật Bản, cho biết những gì đã diễn ra trong thời kỳ Minh Trị cũng đồng nghĩa với việc Nhật Bản có thể duy trì “lợi thế cạnh tranh cao ở châu Á”.

Với sự giúp đỡ của Nhật Bản, Lào đã xây dựng bộ luật dân sự của nước này trong 6 năm. Nếu tính cả giai đoạn chuẩn bị, quá trình này mất tổng cộng 15 năm. Luật hợp đồng và tài sản ở Lào không nằm trong bộ luật này, và điều đó gây ra tình trạng chồng chéo và thiếu sót.

Nhật Bản đã giúp Lào kết hợp 2 luật này thành bộ luật dân sự duy nhất. Luật sư Katsunori Irie, người tham gia quá trình xây dựng bộ luật dân sự ở Lào, cho biết những phần chính yếu của 2 luật này đã được “cập nhật hoàn toàn”.

Với sự giúp đỡ của Nhật Bản, Lào đã xây dựng bộ luật dân sự của nước này trong 6 năm.

Tuy nhiên, nếu chỉ đơn giản là soạn thảo, cập nhật và đưa các luật này vào thi hành, điều đó sẽ không đảm bảo rằng các luật đó mang lại hiệu quả như mong muốn.

Ở Campuchia, Nhật Bản đã phải từ bỏ cách tiếp cận “kiểu đối tác” vì tầng lớp trí thức ở quốc gia Đông Nam Á này đã bị tàn sát bởi chế độ diệt chủng Pol Pot vào thập kỷ 70 của thế kỷ trước. Thay vào đó, Nhật Bản đã xuất khẩu các luật và thủ tục dân sự của mình. Kết quả là, theo luật sư Nobuaki Murakami, các luật “được đánh giá cao tại Campuchia nhưng lại vô dụng”.

Tại Việt Nam, Nhật Bản đã giúp nước này xây dựng hàng loạt bộ luật, bao gồm các bộ luật dân sự và hành chính cũng như luật phá sản. Tuy nhiên, các nhà thực thi pháp luật ở nước này cho biết họ thiếu nhân lực để đảm bảo các luật được thực thi một cách hiệu quả.

Nhận thức được vấn đề đó, Nhật Bản đã mời các quan chức tư pháp Việt Nam sang nước này để đào tạo hoặc cử các chuyên gia Nhật Bản sang hỗ trợ đào tạo.

Với những hỗ trợ mà Nhật Bản đã cung cấp cho Việt Nam đến thời điểm này, Hà Nội đã đạt đến tầm có thể giúp các nước khác. Bà Shibata nói hệ thống luật pháp của Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với các quốc gia láng giềng như Lào, nên việc Tokyo và Hà Nội hợp tác để hỗ trợ cho các quốc gia Đông Nam Á khác là “một phương án”.

(theo Nikkei Asia Review)