TIN LIÊN QUAN | |
Hoan nghênh cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên, Nga khẳng định đó là 'thành tố không thể thiếu' | |
Ông Trump mong đợi gặp lại nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un |
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un cùng nhau đứng trên lãnh thổ CHDCND Triều Tiên, ngày 30/6/2019. (Nguồn: AFP) |
Bán đảo Triều Tiên luôn là một trong những “điểm nóng” khó lường nhất trên thế giới bởi những bất đồng giữa hai miền Nam - Bắc, những xung đột giữa Mỹ và Triều Tiên mà điểm nhấn là các vụ thử tên lửa tầm xa và hạt nhân của Triều Tiên. Trong năm 2017, thế giới đã chứng kiến cảnh tượng một bán đảo Triều Tiên đang ngày một chìm trong căng thẳng tột độ với những vụ thử tên lửa của CHDCND Triều Tiên và những lời đe dọa lẫn nhau giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Thế nhưng, bước sang năm 2018, tình hình bất ngờ chuyển hướng và hạ nhiệt.
Những cuộc gặp gỡ đặc biệt
Ngày 27/4/2018, cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Chủ tịch Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại chính DMZ đã đem lại niềm hy vọng về một nền hòa bình bền vững không chỉ cho người dân tại bán đảo Triều Tiên, mà còn đem lại sự yên tâm cho toàn thế giới. Hai nhà lãnh đạo Hàn - Triều đứng bắt tay nhau tại làn ranh giới, rồi cùng nhau bước sang phía Bắc và cuối cùng sang phía Nam để bắt đầu hội nghị thượng đỉnh.
Hơn một năm sau, ngày 30/6/2019, Tổng thống Donald Trump đã làm nên lịch sử khi trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên đặt chân đến Triều Tiên sau khi ông bắt tay nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngay tại khu DMZ. Với lời mời của người đứng đầu Bình Nhưỡng, ông Trump đã bước qua vạch chia cắt giữa hai miền Triều Tiên và bước vào lãnh thổ Triều Tiên tới 20 bước. Sau khi đi qua biên giới vào lãnh thổ Triều Tiên, ông Trump đã bắt tay ông Kim trước khi cả hai quay lại và bước về lãnh thổ Hàn Quốc.
Chuyến thăm của Tổng thống Trump đến khu DMZ diễn ra một ngày sau khi ông ngỏ lời trên Twitter mời Chủ tịch Kim Jong-un gặp mặt tại nơi được xem là đường biên giới Chiến tranh Lạnh cuối cùng trên thế giới.
Tất cả những cuộc gặp gỡ lịch sử này đều diễn ra tại khu DMZ, nơi được coi là biểu tượng của sự chia rẽ, đối đầu nhưng với những chuyển biến tích cực tại bán đảo Triều Tiên, DMZ dần được biến thành biểu tượng của sự hòa giải và hòa bình. Tháng 9/2018, Hàn Quốc đã thành lập một hội đồng có nhiệm vụ biến DMZ trở thành một khu du lịch hòa bình, qua đó thực hiện cam kết mà Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đưa ra tại cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 3 ở Bình Nhưỡng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên và cái bắt tay lịch sử tại Khu phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên, ngày 30/6/2019. (Nguồn: KCNA) |
Lịch sử chia rẽ
Sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, Triều Tiên giành được độc lập từ đế quốc Nhật Bản. Đất nước tạm thời bị chia thành hai miền Bắc và Nam Triều Tiên. Phía Bắc Triều Tiên chịu sự tiếp quản của Liên Xô cũ, phía Nam Triều Tiên chịu sự tiếp quản của Mỹ. Hai chính quyền CHDCND Triều Tiên và Đại Hàn dân quốc cũng được thành lập ở 2 miền khi đó. Hai bên lấy vĩ tuyến 38 chia đôi tỉnh Kangwon làm đường phân cách.
Chiến tranh Triều Tiên bắt đầu xảy ra vào năm 1950 và kéo dài 3 năm. Đây là cuộc xung đột quân sự đầu tiên trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh. Vào ngày 27/7/1953, hai bên Triều Tiên và Hàn Quốc ký hiệp định ngừng bắn, tuyên bố cuộc chiến bất phân thắng bại. Tuy nhiên, văn bản này là lệnh ngừng bắn, không phải là một hiệp ước hòa bình vĩnh viễn. Hàn Quốc thậm chí không ký vào hiệp định đình chiến vì cảm thấy lợi ích của nước này không được thể hiện đầy đủ. Mỗi bên đều lùi quân đội 2 km sau vĩ tuyến 38, tạo thành khu phi quân sự rộng 4 km dọc theo vĩ tuyến 38. Khu phi quân sự bán đảo Triều Tiên được thành lập từ đó.
Ngoài Tổng thống Donald Trump, các nhà lãnh đạo Mỹ cũng nhiều lần đặt chân tới DMZ, nhưng chỉ dừng lại ở phía biên giới Hàn Quốc chứ chưa từng sang hẳn lãnh thổ Triều Tiên như ông Trump. Việc đến thăm DMZ dường như trở thành nghi lễ không thể thiếu đối với các nhà lãnh đạo Mỹ. Tổng thống George W. Bush từng đến đây tháng 2/2002. Sau đó, Tổng thống Barack Obama đến đây năm 2012. Phó Tổng thống đương nhiệm Mike Pence cũng đặt chân đến vùng ranh giới này tháng 4/2017 trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bình Nhưỡng. |
Canh gác nghiêm ngặt
DMZ trải dài 250km trên Bán đảo Triều Tiên, cách thủ đô Seoul của Hàn Quốc 50km về phía Nam và cách thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên 200km về phía Bắc. Vùng này coi như là một chiến tuyến để 2 miền Nam-Bắc luôn sẵn sàng trong tình trạng chiến tranh trong bất kì thời điểm nào với một số lượng binh sĩ khổng lồ lên tới hơn 2 triệu người.
Theo quy định chung giữa hai nước, đó là một rào chắn chia cắt hai miền Triều Tiên. Bên trong DMZ cấm sử dụng vũ khí hạng nặng nhưng có bố trí rải rác một số bãi mìn lên tới khoảng 1 triệu quả. Lực lượng tuần tra được phép hoạt động nhưng không thể vượt qua Đường phân định quân sự (MDL). Bên cạnh đó, mỗi bên không được vào DMZ quá 1.000 người cùng lúc. Khu vực xung quanh DMZ chính là một trong những nơi được canh giác nghiêm ngặt nhất hành tinh với đầy rẫy khẩu đội pháo, trại lính, hàng rào kẽm gai sắc nhọn cùng nhiều hàng rào điện, máy kiểm soát an ninh.
Bên trong DMZ, gần bờ biển phía Tây của bán đảo, Panmunjom (Bàn Môn Điếm) là ngôi nhà của Khu vực An ninh chung (JSA) được lính biên phòng Triều Tiên và quân của Bộ chỉ huy LHQ (do lính Mỹ dẫn đầu) bảo vệ dày đặc, là nơi duy nhất mà quân đội hai bên có thể đối mặt với nhau, đứng cách nhau vài mét. Lính Triều Tiên mang huy hiệu là ảnh các cố lãnh đạo, thường dùng ống nhòm quan sát du khách ở phía Hàn Quốc. Họ chỉ cách vài mét với những lính Hàn Quốc đeo kính mát (loại dành cho không quân Mỹ) và đứng im như tượng. Ngoài ra, JSA là còn là địa điểm diễn ra tất cả các cuộc đàm phán giữa hai miền Bắc - Nam Triều Tiên kể từ năm 1953, bao gồm cả Tuyên bố chung Panmunjom lịch sử giữa hai miền Triều Tiên.
Cuộc gặp gỡ lần thứ ba giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim kéo dài 50 phút, dài hơn so với dự kiến đã một lần nữa thắp lên niềm hy vọng về một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân hóa, hợp tác và hòa bình.
Chủ tịch Kim Jong-un nói rằng cuộc gặp lần này diễn ra rất bất ngờ và không có sự chuẩn bị từ trước: “Tôi không nghĩ rằng cuộc gặp gỡ bất ngờ này sẽ diễn ra nếu không phải do mối quan hệ cá nhân tuyệt vời giữa tôi và Tổng thống Trump”. Về phần mình, Tổng thống Trump nhận định cuộc gặp gỡ giữa hai lãnh đạo đã diễn ra rất tuyệt vời và đây là một sự kiện lịch sử trước khi có một lưu ý rằng, cuộc gặp gỡ này sẽ thực sự có ý nghĩa hơn nếu có kết quả sau đó.
Một số khu phi quân sự khác trên thế giới Khu phi quân sự, giới tuyến quân sự hay vùng phi quân sự (tiếng Anh: Demilitarized Zone, viết tắt DMZ) là khu vực, biên giới hoặc ranh giới nằm giữa hai hay nhiều lực lượng quân sự đối lập mà tại đó hoạt động quân sự không được phép tiến hành. Giới tuyến phi quân sự thông thường được hình thành bởi thỏa thuận song phương, đa phương hoặc hiệp định đình chiến, hiệp định hòa bình. Hiện tại, trên thế giới vẫn còn tồn tại một số DMZ, trải dài trên khắp các châu lục. Châu Phi: khu phi quân sự tại Bắc Morocco nằm giữa nước này và các thành phố do Tây Ban Nha kiểm soát là Ceuta và Melilla. Morocco chưa bao giờ thừa nhận hai thành phố trên thuộc lãnh thổ Tây Ban Nha. Châu Âu: • Khu phi quân sự đảo Cyprus phân cách Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ tại Bắc đảo Cyprus (quốc gia tự tuyên bố độc lập nhưng không được quốc tế thừa nhận) với Cộng hòa Cyprus. Vùng này do Liên hợp quốc lập ra năm 1974 sau cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ vào đảo Cyprus. • Khu phi quân sự Åland – vùng đất tự trị ở bờ biển phía Đông của Phần Lan, được quy định bởi Hội Quốc Liên (Leauge of Nations) năm 1921, khi xảy ra bạo động ở đây trong hai năm 1920-1922. • Quần đảo Svalbard của Na Uy: Hiệp định Svalbard ngày 9/2/1920 thừa nhận quyền kiểm soát của Na Uy trên quần đảo (vì vậy quần đảo này không phải khu trung lập), chấm dứt mọi tuyên bố của bất kỳ quốc gia nào về chủ quyền với quần đảo này. Hiệp định cũng quy định quần đảo là khu phi quân sự. Châu Á: • Khu phi quân sự giữa Syria và Israel trên cao nguyên Golan, lập ra bởi Liên hợp quốc năm 1974. • Vùng ngăn cách Kuwait và Iraq: đây là dải đất dài 192 km, rộng 4,8 km về phía Kuwait và 9,6 km về phía Iraq. Vùng phi quân sự này lập ra bởi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, chạy từ biên giới hai nước trên với Saudi Arabia đến bờ biển Vịnh Ba Tư. Nam Cực: Hiệp định Nam Cực ký bởi 45 quốc gia, có hiệu lực ngày 23/6/1961, cấm mọi hoạt động quân sự tại Nam Cực, tuy vậy quân nhân và thiết bị quân sự vẫn có thể được huy động ở vùng này với mục đích hòa bình. |
| Donald Trump là Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đặt chân tới Triều Tiên Chiều 30/6 Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại tới Khu phi quân sự (DMZ) giữa hai ... |
| Lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên sẽ gặp nhau tại DMZ ngày 30/6 Chủ tịch Kim Jong-un đã chấp nhận lời mời phút chót trên trang Twitter của Tổng thống Donald Trump và hai người sẽ gặp nhau ... |
| Tổng thống Hàn Quốc: Cuộc gặp Trump - Kim tại DMZ sẽ là cột mốc lịch sử Bình luận trên được ông Moon Jae-in đưa ra khi tiến hành cuộc hội đàm với ông Trump tại Seoul, trước khi thăm khu phi ... |