Các chi tiết liên quan đến vụ đánh bom liều chết này đang dần hiện lên rõ nét: Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã nhận là chủ mưu của vụ tấn công nói trên. Cảnh sát cũng đã công bố danh tính của kẻ đánh bom liều chết là Salman Abedi, 22 tuổi, sinh trưởng tại Manchester trong một gia đình gốc Libya. Ngày 24/5, Cảnh sát Anh tuyên bố có thể Abedi có đồng phạm sau khi bắt giữ thêm 4 kẻ tình nghi khác.
Việc kẻ khủng bố lựa chọn đêm nhạc Pop làm mục tiêu tấn công khiến người ta liên tưởng đến vụ thảm sát tại Paris hồi tháng 11/2015. Dường như cả IS lẫn lực lượng khủng bố al-Qaeda đều đang hướng tới cách thức tấn công khủng bố tại các sự kiện âm nhạc, hội hè lớn. Rất nhiều người trong số các nạn nhân của những vụ tấn công khủng bố kiểu này là thanh thiếu niên và cả trẻ em. Những kẻ chủ mưu muốn tạo ra những nỗi kinh hoàng, oán giận lớn hơn trong xã hội.
Cảnh sát canh phòng gần sân vận động Manchester Arena, một ngày sau vụ nổ. (Nguồn: AP) |
Điều an ủi duy nhất đối với giới chức Anh là ở Anh không có trường hợp kẻ khủng bố dùng súng bắn vào hàng loạt người vô tội như ở Paris khi chúng trên đường tháo chạy. Điều này được cho là do Anh có những quy định chặt chẽ đối với việc sở hữu súng đạn. MI5, cơ quan tình báo nội địa của Anh, đã có danh sách khoảng 3.000 nhân vật bị xếp vào loại những kẻ tôn giáo cực đoan, nhưng do nguồn lực có hạn nên hiện nay chỉ có khoảng 40 tên trong danh sách này bị cảnh sát Anh theo dõi 24/24 giờ mỗi ngày.
Kết quả là nhiều kẻ có tên trong danh sách đặc biệt nguy hiểm của Anh sẽ bị tuột khỏi “radar kiểm soát” của cảnh sát Anh sau một thời gian. Theo Chủ tịch Ủy ban An ninh và Tình báo của Quốc hội Anh Dominic Grieve, trong vòng 18 tháng tính đến tháng 3/2017, cảnh sát Anh đã chặn được ít nhất 12 âm mưu tấn công khủng bố, tuy nhiên sẽ không tránh khỏi việc để lọt lưới một số âm mưu.
Kẻ đánh bom liều chết trong vụ tấn công đã sử dụng bom tự chế. Nếu như hắn không nằm trong đường dây khủng bố nào đó tại Anh, thì hắn phải có một trình độ hiểu biết nhất định mới có thể tiến hành vụ tấn công kiểu này. Nhiều khả năng, hắn đã nhận được sự giúp đỡ và huấn luyện từ những người theo chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan từng tham chiến tại Syria. Nếu điều này là đúng với kẻ đánh bom liều chết tại Manchester thì đây thực sự là cơn “ác mộng kinh khủng nhất” đối với lực lượng an ninh Anh.
Cũng có những đồn đoán liên quan đến thời điểm xảy ra vụ tấn công khủng bố ở Manchester. Một số người cho rằng vụ tấn công khủng bố ở Manchester xảy ra nhân kỷ niệm 4 năm ngày người lính Lee Rigby bị một kẻ khủng bố sát hại ở khu vực Đông - Nam London. Tuy nhiên, đó cũng có thể là cuộc tấn công nhằm gây gián đoạn, rối ren cho cuộc tổng tuyển cử sắp diễn ra tại Anh vào ngày 8/6 tới.
Tuy nhiên, tờ The Economist cho rằng cuộc tấn công khủng bố tại Manchester không có tác động nào khác đến cuộc bầu cử tại Anh, ngoài việc hiện nay các chính đảng của Anh đã tuyên bố tạm ngừng chiến dịch tranh cử do vấn đề an ninh hiện tại của đất nước. Thủ tướng Anh Theresa May sau 6 năm làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh, tới đây rất có thể sẽ trở thành một “Thủ tướng an ninh”.
Tờ The Economist cho hay, các cuộc thăm dò gần đây cho thấy khoảng cách dẫn trước của đảng Bảo thủ so với Công đảng đang bị thu hẹp do cương lĩnh tranh cử của đảng Bảo thủ gây ra làn sóng chỉ trích trong các cử tri. Tuy nhiên, với việc chủ nghĩa khủng bố đang là chủ đề nóng hổi trên truyền thông Anh, khoảng cách này sẽ rất khó bị thu hẹp hơn nữa.