Các 'đại gia công nghệ' Trung Quốc lần lượt tiến sâu vào thị trường Đông Nam Á |
FDI từ Trung Quốc "rót" vào ASEAN tăng kỷ lục
Năm 2020, lần lượt Alibaba, ByteDance, Tencent tuyên bố đặt trụ sở khu vực ở Singapore. Tháng 9/2020, Huawei đầu tư xây dựng trung tâm sáng tạo về mạng viễn thông 5G ở Thái Lan. Tháng 4/2021, Tencent Cloud tuyên bố chính thức khai trương trung tâm dữ liệu điện toán đám mây đầu tiên ở Indonesia. Tháng 2/2021, SF Express tuyên bố mua lại hơn 50% cổ phần của Kerry Logistics Network, trọng điểm tập trung vào thị trường Đông Nam Á.
Không giống với các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng truyền thống do các doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn chủ trì, trong những năm gần đây, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc “hướng Nam” đã gần gũi hơn với đời sống của người dân bình thường.
Tin liên quan |
Thừa nhận ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc, Đông Nam Á vẫn đặt niềm tin nơi ông Biden |
Các nền tảng video ngắn và trò chơi như TikTok của ByteDance, PUBG Mobile của Tencent… đang thịnh hành, cũng như các nền tảng mua sắm trực tuyến được người tiêu dùng thường xuyên sử dụng.
Nhờ sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghệ thông tin trong nước, những doanh nghiệp công nghệ này của Trung Quốc có lợi thế cạnh tranh tương đối mạnh ở Đông Nam Á.
Quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng cản trở con đường tiến đến thị trường phương Tây, đã thúc đẩy các doanh nghiệp Trung Quốc chuyển sự chú ý hướng sang thị trường Đông Nam Á có tiềm năng lớn đang chờ khai thác.
Theo số liệu của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu giảm mạnh 42% trong năm 2020, trong bối cảnh như vậy, vốn đầu tư nước ngoài mà các nước ASEAN thu hút được cũng giảm 31% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc cho thấy, vốn đầu tư trực tiếp (FDI) của Trung Quốc vào ASEAN đạt 14,36 tỷ USD trong năm 2020, tăng 52,1% so với cùng kỳ, trong đó ba điểm đến hàng đầu là Singapore, Indonesia, Việt Nam.
Tổng dân số 10 nước ASEAN khoảng 660 triệu người, tầng lớp trung lưu không ngừng tăng lên và được coi là một thị trường lớn khác của khu vực ngoài Trung Quốc và Ấn Độ.
Theo Chủ tịch Hội đồng Thương mại Trung Quốc-ASEAN Hứa Ninh Ninh, đầu tư của Trung Quốc vào ASEAN tập trung vào 5 hạng mục: Xây dựng cở hạ tầng thuộc sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI), sản xuất lắp ráp, dự án công trình, bất động sản, thương mại điện tử và kinh tế số.
Không gian rộng lớn cho hợp tác kinh tế-thương mại
Theo phân tích của ông Hứa Ninh Ninh, thị trường đa dạng và trình độ phát triển kinh tế xã hội khác nhau của các nước Đông Nam Á đã mở ra rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Trung Quốc.
Tính bổ trợ về tài nguyên và sản xuất công nghiệp của hai bên mạnh, cộng thêm các nhân tố tự nhiên như Đông Nam Á và Trung Quốc gần gũi về mặt địa lý… mang lại không gian rộng lớn cho hợp tác kinh tế-thương mại của hai bên trong thời hậu dịch bệnh.
Ví dụ, Singapore là trung tâm dịch vụ tài chính quốc tế, có thể đóng vai trò quốc gia cầu nối đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Trung Quốc. Trong khi đó, Việt Nam, Campuchia, Thái Lan là những quốc gia sản xuất và lắp ráp. Indonesia, Brunei và Lào có nhiều dự án BRI, chủ yếu liên quan đến tài nguyên như mỏ đá, gỗ…
Việt Nam đang là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc ở ASEAN. (Nguồn: HomeAZ) |
Những dự án bất động sản do doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư trải dài ở các khu vực như Johor Bahru (Malaysia), Bangkok (Thái Lan), Phnom Penh (Campuchia). Hoạt động thương mại điện tử chủ yếu tập trung ở Indonesia và Việt Nam.
Hiện nay, thương mại điện tử và thanh toán điện tử là những ngành công nghiệp phát triển nhanh nhất của Đông Nam Á, trong đó ứng dụng Shopee thuộc Tập đoàn Sea của Singapore và Lazada thuộc Tập đoàn Alibaba của Trung Quốc lần lượt chiếm vị trí thứ nhất và thứ hai về lượng khách hàng trên thị trường mua sắm trực tuyến Đông Nam Á.
Theo thông tin của giới truyền thông Trung Quốc, tổng bưu kiện chuyển phát nhanh ở Đông Nam Á của tập đoàn logistics BEST Trung Quốc năm 2020 là 73,59 triệu kiện, tăng 738% so với cùng kỳ.
Thúc đẩy chiến lược “Trung Quốc+1”
Thành lập vào năm 2015 và có trụ sở chính đặt ở Thượng Hải, ICE KREDIT (Băng Giám) là một công ty công nghệ cao sử dụng công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI) để cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp.
Những năm gần đây, công ty đã tích cực mở rộng sang thị trường Đông Nam Á với các dịch vụ như sử dụng AI để xét duyệt tín dụng và thu hồi các khoản nợ thẻ tín dụng quá hạn…
Theo Giám đốc tiếp thị của công ty ICE KREDIT Chu Dương, quan sát khắp toàn cầu, trình độ số hóa của thị trường Mỹ và châu Âu đã rất phát triển. Trong khi đó, ở Đông Nam Á, ngoài Singapore thì các nước khác vẫn chưa thực sự phát triển, cơ hội kinh doanh tương đối lớn.
Về phương diện chuỗi sản xuất công nghiệp, những năm gần đây, các doanh nghiệp Trung Quốc và các công ty xuyên quốc gia ở Trung Quốc đã phát triển chiến lược “Trung Quốc+1”, lần lượt xây dựng thêm nhà máy ở những nước Đông Nam Á có mức lương tương đối thấp.
Tin liên quan |
RCEP mang lại động lực mới cho hợp tác kinh tế Trung Quốc - ASEAN |
Điều này vừa giúp hạ thấp chi phí, vừa có thể tránh thuế quan mang tính trừng phạt của Mỹ và châu Âu đối với hàng hóa của Trung Quốc.
Trong số các nước ASEAN, Việt Nam được coi là điểm đến tiếp nhận đầu tư hấp dẫn. Theo số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc, tổng kim ngạch thương mại Trung Quốc-ASEAN năm 2020 đạt 684,6 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ, trong đó Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc ở ASEAN.
Triển vọng trong tương lai, sau khi 10 nước ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào cuối năm 2020, các học giả và giới kinh doanh đều đánh giá Đông Nam Á sẽ trở thành điểm thu hút đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc sau đại dịch.
Hiện nay, Trung Quốc không phải là nước đầu tư lớn nhất của ASEAN mà đứng sau Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Mỹ… Tuy nhiên, Phó giáo sư Lý Minh Giang thuộc Viện nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) nhận định, việc Trung Quốc trở thành nước đầu tư lớn nhất của Đông Nam Á chỉ là vấn đề thời gian.
Ông Giang nhấn mạnh, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã thúc đẩy các công ty xuyên quốc gia ở Trung Quốc và ngành sản xuất phân khúc trung bình và thấp của Trung Quốc chuyển sang Đông Nam Á.
Hơn nữa sáng kiến BRI của Trung Quốc cũng đã cam kết đầu tư quy mô lớn, tất cả đều sẽ thúc đẩy đầu tư ở Đông Nam Á tăng lên.
Trưởng bộ phận nghiên cứu khu vực Trung Quốc của Ngân hàng OCBC Tạ Đống Minh nhấn mạnh, ngoài các nhân tố như sự thúc đẩy của RCEP và thị trường, "đọ sức địa chính trị" cũng là một trong những động lực lớn.
Sau dịch bệnh, mối quan hệ nước lớn giữa Trung Quốc và Mỹ, châu Âu sẽ càng phức tạp hơn, không thể quay lại trạng thái trước đây.
Ngược lại, quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN tương đối đơn giản, lực cản chính trị không quá lớn, nên sẽ thu hút nhiều hơn các doanh nghiệp Trung Quốc đến Đông Nam Á.