📞

Khủng hoảng di cư thu hẹp ODA cho các nước kém phát triển

12:07 | 12/04/2017
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Viện trợ Phát triển Chính thức (ODA) thực sự tới được các nước nghèo nhất đang giảm do việc tăng chi phí để giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư trên khắp thế giới, nhất là tại châu Âu. 

Báo cáo thường niên của OECD về viện trợ quốc tế vừa được công bố cho hay, tổng vốn ODA trong năm 2016 đạt 142,6 tỷ USD, tăng 8,9% so với năm 2015. Một phần lớn trong số đó, tương đương 15,4 tỷ USD, dành cho việc hỗ trợ người tị nạn, tăng 27,5% so với năm trước đó. Như vậy, chi phí tiếp nhận người di cư chiếm tới 10% trong tổng giá trị viện trợ mà các nước tài trợ cung cấp cho các tổ chức nhân đạo quốc tế trong năm ngoái.

Cứu người di cư trên Địa Trung Hải. (Nguồn: Reuters)

Cũng theo ghi nhận của OECD, viện trợ dành cho nhóm các nước kém phát triển chỉ đạt 24 tỷ USD trong năm 2016, giảm 3,9% so với năm 2015. Thực tế này đang khiến những nước kém phát triển trở thành đối tượng chịu mất mát nhiều nhất. Đây cũng trở thành vấn đề được đặc biệt quan tâm tại cuộc họp mới đây của OECD, khi nhóm chuyên gia cố vấn của tổ chức này cho rằng, các nước tài trợ nên ưu tiên sử dụng khoản viện trợ của họ dành cho các chương trình phát triển tại nhóm nước nghèo thay vì chỉ chi tiền để hỗ trợ người tị nạn tại quê nhà.

Châu Phi là khu vực bị ảnh hưởng mạnh nhất bởi mức sụt giảm viện trợ ODA là 0,5%. Chỉ có sáu quốc gia của OECD là Đức, Đan Mạch, Luxembourg, Na Uy, Anh và Thụy Điển đạt mục tiêu do Liên hợp quốc đề ra về việc duy trì ODA ở mức bằng hoặc cao hơn 0,7% thu nhập quốc dân (GNI). Trong số 29 nước thành viên thuộc Ủy ban Viện trợ Phát triển (DAC), Mỹ vẫn là nhà tài trợ lớn nhất với 33,6 tỷ USD, xếp sau đó là Đức (24,7 tỷ USD), Anh (18 tỷ USD), Nhật Bản (10,4 tỷ USD) và Pháp (9,5 tỷ USD).

Các nước tài trợ có thể tự quyết định việc có hay không gộp nội dung chi phí tiếp nhận người di cư vào trong giá trị khoản viện trợ của năm, tùy theo chính sách từng nước. Chính vì thế, tiền trợ giúp dành cho những người xin tị nạn, trợ giúp nhà ở hay kể cả khoản chi tiêu hàng ngày mà những người nhập cư được hưởng có thể được tính gộp vào giá trị viện trợ trong một năm của một nước.

Tuy vậy, việc tính gộp cả chi phí tiếp nhận người nhập cư vào trong viện trợ công dành cho phát triển đã không nhận sự nhất trí giữa các nước tài trợ lớn trong một cuộc họp của OECD. Các nước OECD sẽ tiếp tục xem xét lại vấn đề liên quan đến chi phí dành cho người nhập cư. Tuy nhiên, các biện pháp cải tổ chắc chắn sẽ không được thực hiện trước năm 2017 và thậm chí có thể là cả năm 2018.

(theo TTXVN)