📞

Khủng hoảng năng lượng châu Âu: Đức và Tây Ban Nha xích lại gần nhau vì khí đốt, doanh nghiệp Trung Quốc hưởng lợi

12:55 | 27/08/2022
Ngày 26/8, Văn phòng Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho biết ông sẽ hội đàm với Thủ tướng Olaf Scholz tại Đức vào ngày 30/8, với các nội dung thảo luận dự kiến tập trung vào cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu.
Tây Ban Nha hiện có 6 bến cảng khí đốt tự nhiên hóa lỏng để xử lý khí đốt đến bằng đường biển, có thể giúp EU tăng cường nhập khẩu. (nguồn: Elpais)

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh châu Âu đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga.

Với việc Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt, các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đang tìm kiếm các giải pháp nhằm tránh để xảy ra tình trạng thiếu hụt trong mùa Đông này do giá khí đốt và điện tăng cao.

Trong những tuần gần đây, lập trường của Tây Ban Nha và Đức về năng lượng đã xích lại gần nhau hơn rất nhiều, với việc Thủ tướng Scholz ủng hộ kế hoạch xây dựng một đường ống dẫn khí đốt nối bán đảo Iberia với Trung Âu để giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga, một dự án được Tây Ban Nha ủng hộ từ lâu.

Đầu tháng này, Thủ tướng Scholz cho biết, một đường ống dẫn khí đốt từ Iberia đến Trung Âu có thể đóng góp to lớn trong việc làm dịu cuộc khủng hoảng nguồn cung.

Tây Ban Nha hiện có 6 bến cảng khí đốt tự nhiên hóa lỏng để xử lý khí đốt đến bằng đường biển, có thể giúp EU tăng cường nhập khẩu. Nhưng nước này chỉ có hai liên kết công suất thấp với mạng lưới khí đốt của Pháp có kết nối với phần còn lại của châu Âu.

Trong khi đó, tận dụng cơn khát khí đốt tại châu Âu, trong bối cảnh nhu cầu nội địa giảm đã thúc đẩy nhà nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) hàng đầu thế giới - Trung Quốc bán lại hàng dư thừa cho châu Âu với mức giá cao hơn.

Tổng lượng LNG mà Trung Quốc bán lại có thể vượt mốc 4 triệu tấn, tương đương 7% lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu trong nửa đầu năm 2022. Theo đó, Jovo - một trong những tập đoàn năng lượng hàng đầu của Trung Quốc, gần đây thông báo đã bán lại một lô LNG cho khách hàng ở châu Âu. Một nhà giao dịch ở Thượng Hải cho biết, lợi nhuận thu được từ thương vụ này có thể lên tới hàng chục triệu, thậm chí 100 triệu USD.

Trong một hội nghị hồi tháng 4, Tập đoàn lọc dầu lớn nhất Trung Quốc Sinopec cũng thừa nhận đã chuyển lượng lớn LNG dư thừa ra thị trường quốc tế. Truyền thông Trung Quốc cho biết Sinopec đã bán 45 chuyến hàng LNG, tương đương 3,5 triệu tấn.

(theo Nikkei, AP)