Khủng hoảng năng lượng châu Âu: Nga sẽ 'đánh thẳng' vào điểm gây nhiều đau khổ nhất của EU?. (Nguồn: Getty) |
Dù muốn hay không, châu Âu vẫn cần năng lượng của Nga. Có thể không phải dầu, nhưng chắc chắn là khí đốt. Châu Âu hiện đang phụ thuộc khá lớn vào khí đốt của Nga, tuy nhiên, sự phụ thuộc đó không còn mang tính tuyệt đối và khó tránh như trước.
Tất nhiên, ở hiện tại, bất kỳ lời dụ dỗ nào về việc từ chối khí đốt của Nga đều sẽ bị khuyến cáo, bởi vì việc thay thế một nguồn cung chiếm tới khoảng một phần ba lượng nhập khẩu của châu Âu là không thể đối với một số quốc gia thành viên và cực kỳ tốn kém đối với những quốc gia khác.
Hàng nghìn dặm đường ống nối châu Âu với nguồn dữ trữ khí đốt khổng lồ của Tập đoàn Gazprom (Nga), trong khi hàng nghìn km đường ống khác đã sẵn sàng đi vào hoạt động. Và người châu Âu có “nghĩa vụ” hợp đồng mua khí đốt của Nga - mặc dù không còn phụ thuộc quá cực đoan như trước đây. Điểm mấu chốt là khi thảo luận về nguồn cung với Gazprom (hoặc bất kỳ nhà cung cấp nào khác), châu Âu không còn trong thế yếu nữa. Các lưới điện của châu Âu đã được kết nối với nhau tốt hơn và có nhiều khả năng tái định hình hơn.
Hiện có rất nhiều loại khí đốt có thể được mua tự do, thậm chí dễ dàng và rẻ trên thị trường giao ngay, dưới dạng khí hóa lỏng (LNG). Tình hình không chỉ nhờ nguồn cung dầu đá phiến từ Mỹ. Sự cạnh tranh cuối cùng cũng đã đến và châu Âu sẽ bắt đầu được hưởng lợi?
Tại Nga hay tại châu Âu?
Tuy nhiên, điểm đáng chú ý trong mối quan hệ phụ thuộc về khí đốt của châu Âu vào Nga không chỉ vì khối lượng bán ra hay mức giá được tính, mà là những vướng mắc chính trị trong mối quan hệ năng lượng hiện tại.
Châu Âu trong nhiều thập kỷ đã không thể hình thành một thị trường khí đốt duy nhất và Nga đã có thể sử dụng sự mất đoàn kết này để thu lợi cho mình. Nga đã đưa ra các giao dịch tuyệt vời cho từng nước thành viên EU và xây dựng các đường ống hào nhoáng làm suy yếu sự gắn kết của châu Âu.
Nói một cách đơn giản, mối quan hệ năng lượng của châu Âu với Nga khá nhạy cảm, thường gặp trở ngại bởi chỉ một dự án nào đó. Chẳng hạn, hiện Dự án đường ống dẫn khí đốt khủng sẽ nối Nga với Đức dưới Biển Baltic mang tên Nord Stream 2 đang là điểm nóng trong căng thẳng giữa những người châu Âu. Đây là một minh chứng rõ nét cho thấy sự mong manh trong mối quan hệ khí đốt Nga-EU.
Nga - đối tác láng giềng lớn nhất châu Âu, giàu khí đốt và nghèo tiền mặt. Đây có thể là một yếu tố giúp tạo ra một thỏa thuận hoàn hảo cho châu Âu, nếu người châu Âu biết thống nhất cách quản lý để nhập khẩu khí đốt Nga và có thể bỏ qua các ảnh hưởng chính trị của nước này. Giới chuyên gia cho rằng, châu Âu nên hoàn thành liên minh năng lượng đầy tham vọng của mình và phi chính trị hóa vấn đề khí đốt của Nga.
Theo đó, với các kết nối đường ống đầy đủ, những nhà ga LNG mới và việc giám sát tốt hơn các hợp đồng cung cấp khí đốt tự nhiên, mối quan hệ năng lượng chặt chẽ với Nga sẽ không còn là vấn đề. Và triển vọng khí đốt của Mỹ vào thị trường châu Âu sẽ khiến Nga có nhiều khả năng "chơi" tốt hơn với các nước láng giềng châu Âu.
Tuy nhiên, theo Nhà kinh tế cao cấp Krzysztof Bledowski, Giám đốc Hội đồng Liên minh các nhà sản xuất về Năng suất và Đổi mới, châu Âu đã phụ thuộc vào năng lượng của Nga trong một thời gian quá dài. Đối với các đối tác Trung và Đông Âu, nó hình thành nên một phần của chuỗi cung ứng kế thừa.
Tuy nhiên, khi Nga đang ngày càng trở thành một "đối tác nguy hiểm", sự thuận tiện thương mại về địa lý đã dẫn đến những cân nhắc chiến lược. Sự hợp tác mang đầy tính toán khiến châu Âu ngày càng quá phụ thuộc vào năng lượng của Nga, kể cả trong tương lai.
Trên thực tế, theo chuyên gia Krzysztof Bledowski, có thể khẳng định, châu Âu có đầy đủ các nguồn cung có thể thay thế cho khí đốt của Nga. Bổ sung nguồn hàng từ Na Uy, Biển Caspi và sản phẩm LNG, có thể nói không thiếu nguồn cung cấp cho EU. Điều còn thiếu chỉ là tư duy chiến lược về hậu quả lâu dài do sự phụ thuộc vào Nga một cách quá mức.
Bởi khi nói đến năng lượng, các quốc gia châu Âu thường tập trung vào thị trường nội địa của nước mình, so sánh với chi phí của Chiến lược toàn châu Âu. Nga đang khai thác sự phân chia này bằng cách tăng cường hợp tác và triển khai các tuyến cung cấp song phương, điều này làm tăng tính dễ bị tổn thương chung của EU. Điều đó cho thấy, yếu tố năng lượng cho EU có thể chỉ đóng vai trò thứ yếu đối với chính phủ Nga khi đàm phán các thỏa thuận cung cấp mới.
Ý chí chính trị hay quyền lợi kinh tế?
EU không được trang bị để hành động một cách chiến lược trên phạm vi toàn cầu. Vẫn còn thiếu ý chí chính trị để đảm bảo cho an ninh năng lượng của cả khu vực. Và việc làm thế nào để đạt được mục tiêu đó vẫn là một câu hỏi khó.
Thật không may, đúng như vậy. Ủy ban châu Âu dù không muốn nhưng đã nhiều lần phải công nhận thực tế này. EU đã tìm nhiều cách nhằm thúc đẩy đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng và tăng cường kết nối giữa các nước thành viên EU như một phần của gói liên minh năng lượng. Những nỗ lực này cũng đã mang lại một số kết quả tích cực, tuy nhiên, vị trí của tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga trên thị trường khí đốt châu Âu vẫn chiếm ưu thế, khiến một số quốc gia châu Âu khó ra khỏi áp lực kinh tế và chính trị từ Moscow.
Do đó, họ cần hành động nhiều hơn nữa để củng cố thị trường năng lượng châu Âu và giảm sự phụ thuộc vào Nga càng nhiều càng tốt.
Tuy nhiên, đường ống Nord Stream 2 đang có tác dụng ngược lại. Mối liên kết này sẽ làm tăng ảnh hưởng của Moscow đối với Tây Âu, khiến các quốc gia khác ở Trung và Đông Âu dễ bị "bắt nạt" hơn, đồng thời có nguy cơ làm suy yếu tình hình địa chính trị ở Ukraine.
Cái khó của Berlin trong vấn đề này chủ yếu là do các cân nhắc về kinh tế trong nước và nhu cầu năng lượng, nhưng điều đó cũng có thể khiến sự chia rẽ nội bộ ở châu Âu thêm phần sâu sắc, điều mà Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể "hưởng lợi".
Hiện tại, an ninh năng lượng châu Âu đã nguy càng thêm khó. Khi căng thẳng biên giới với Ukraine leo thang, Nga bắt đầu xuất khẩu khí đốt sang châu Âu ít hơn thường lệ. Dự trữ ở các cơ sở khí đốt đặt tại châu Âu của Gazprom, tập đoàn khí đốt Nga, thường xuyên cạn đáy. Động thái này khiến châu Âu ngày càng lo ngại không đủ khí đốt qua mùa Đông.
Trong tình hình đó, Helima Croft, Giám đốc Ngân hàng đầu tư RBC Capital Markets lo ngại: "Họ (Nga) sẽ đánh thẳng vào điểm gây nhiều đau khổ nhất của chúng ta. Đó chính là năng lượng". Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng, Tổng thống Nga Putin sẽ chẳng mặn mà với phương án này. Cắt khí đốt của khách hàng quan trọng nhất sẽ là lựa chọn không mấy sáng suốt, bởi Nga có nguy cơ tự tước đi nguồn doanh thu chủ chốt của mình.
Trên hết mọi tính toán, mối quan hệ năng lượng giữa các thành viên EU và Nga ràng buộc và phức tạp, thậm chí là phụ thuộc lẫn nhau dày đặc, khó cắt đứt. Nga cung cấp 31% nhập khẩu khí đốt, 27% nhập khẩu dầu thô, 24% nhập khẩu than của EU, 30% tổng nhập khẩu uranium của EU và là nhà cung cấp điện lớn thứ ba của EU.
Đổi lại, EU không chỉ dễ dàng trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Nga mà còn là thị trường cho 88% lượng dầu xuất khẩu của Nga, 70% lượng khí đốt xuất khẩu và 50% lượng than xuất khẩu của nước này. Hiện hơn 40% ngân sách Nga đến từ việc xuất khẩu nguyên liệu thô sang EU.
| Giá vàng hôm nay 28/1, Giá vàng rơi tự do, còn thấp hơn nữa, Fed đang vội vàng? Vàng SJC mình một đường Giá vàng hôm nay 28/1 lao dốc mạnh, tiếp tục nằm trong vùng tiêu cực và không thể tìm thấy bất kỳ động lực tăng ... |
| Giá cà phê hôm nay 28/1, Biên độ giao động nhẹ bớt, biến đổi khí hậu có thể đe dọa giá cà phê Phiên họp chính sách của Fed khép lại dường như chỉ nhấn mạnh những gì đã được thị trường suy đoán, với khẳng định chỉ ... |