📞

Khủng hoảng nhân khẩu học, nỗi lo 'chưa giàu đã già' ám ảnh Trung Quốc

Thạch Bình 11:29 | 28/02/2023
Trung Quốc đã chính thức xác thực tình trạng sụt giảm của dân số vào tháng 1/2023 vừa qua. Điều này khiến cho nhiều nhà quan sát đặt câu hỏi liệu xu hướng dân số hiện nay của Trung Quốc có đe dọa sự ổn định của nước này hay không?
Xu hướng dân số hiện nay của Trung Quốc có đe dọa sự ổn định của nước này hay không? Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Theo dữ liệu của Cục thống kê quốc gia Trung Quốc, dân số năm 2022 của nước này lần đầu tiên suy giảm trong 60 năm qua, sớm hơn 9 năm so với dự đoán của chính phủ. Tỷ lệ sinh giảm xuống mức 1-1,1, thấp hơn nhiều so với mức dự đoán 1,8.

Số liệu bị thổi phồng

Vấn đề đáng quan tâm nhất là mặc dù Trung Quốc đã chuyển sang chính sách hai con vào năm 2016, nhưng số ca sinh vẫn giảm mạnh xuống 9,56 triệu, mức thấp nhất kể từ năm 1790 đến nay.

Tuy nhiên, tỷ lệ sinh giảm mạnh là kết quả của con số bị phóng đại quá mức trước năm 2020. Chẳng hạn, cuộc điều tra khảo sát lấy mẫu năm 2016 cho thấy, mặc dù tỷ lệ sinh là 1,25, nhưng số ca sinh chỉ là 13 triệu, sau đó được phóng đại lên 18,83 triệu.

Tương tự, báo cáo Triển vọng dân số thế giới (WPP) của Liên hợp quốc, thường được coi là nguồn tin cậy để ước tính và dự đoán xu hướng dân số của Trung Quốc cũng luôn sai lầm, không có ngoại lệ.

Theo bài viết trên báo Liên hợp buổi sáng, báo cáo WPP năm 2022 cho rằng, dân số Trung Quốc bắt đầu sụt giảm từ năm 2022 (sớm hơn 10 năm so với dự báo năm 2019), trong khi một số chuyên gia nhận định xu hướng này bắt đầu từ năm 2018. Báo cáo WPP mới nhất còn dự đoán dân số Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 767 triệu người vào năm 2100, thấp hơn mức 1,065 tỷ người đã dự báo trước đó khá xa.

Dự báo của WPP vẫn đánh giá quá cao dân số Trung Quốc. Báo cáo WPP năm 2022 xác định dân số Trung Quốc là 1,43 tỷ người, tuy nhiên một số chuyên gia ước tính hiện nay chưa đến 1,28 tỷ người.

Ngoài ra, theo số liệu của WPP, năm 1990 và 2000, Trung Quốc lần lượt có 28,2 triệu và 17,4 triệu ca sinh. Tuy nhiên, kết quả điều tra dân số năm 1900 và 2000 cho thấy, số ca sinh của Trung Quốc lần lượt là 23,7 triệu và 14,2 triệu, số học sinh lớp 9 năm 2004 và 2014 cũng đã chứng thực điều này.

Báo cáo WPP năm 2022 còn "thổi phồng" số lượng dân số trong tương lai của Trung Quốc, dự đoán tỷ lệ sinh giai đoạn 2023-2050 và 2051-2100 lần lượt là 1,31 và 1,45. Tỷ lệ sinh của người Hoa ở trong khu vực cho thấy tình hình không phải như vậy.

Tỷ lệ sinh bình quân của người Hoa ở Đặc Khu hành chính Hong Kong, Macau, Đài Loan (Trung Quốc) và Singapore trong 20 năm là 1-1,1, mức thấp nhất trên thế giới, mặc dù chính quyền các nơi đã thực hiện chính sách khuyến khích sinh đẻ.

Ba thách thức lớn

Nỗ lực nâng cao tỷ lệ sinh của Trung Quốc đối diện với ba thách thức lớn. Đầu tiên, chính sách một con đã định hình nền kinh tế Trung Quốc, làm gia tăng mạnh chi phí nuôi dạy một đứa bé. Thu nhập khả dụng của các hộ gia đình ở Trung Quốc chỉ tương đương 44% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), trong khi của Mỹ là 72%, Anh là 65%. Năm 2020, giá trị thị trường bất động sản Trung Quốc gấp 4 lần GDP nước này, trong khi ở Mỹ chỉ 1,6 lần.

Những nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đối diện với tình thế tiến thoái lưỡng nan: nếu bong bóng bất động sản không vỡ thì các cặp vợ chồng trẻ không đủ khả năng để nuôi dạy hai con. Tuy nhiên, nếu bong bóng thực sự vỡ thì nền kinh tế Trung Quốc sẽ sa sút, toàn cầu sẽ xảy ra khủng hoảng tài chính. Tương tự, việc nâng thu nhập khả dụng của hộ gia đình lên 60-70% GDP để cải thiện tỷ lệ sinh có thể sẽ làm suy yếu nền kinh tế hiện nay.

Để việc cân bằng những vấn đề này rất khó, các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc có xu hướng sao chép chính sách của Nhật Bản để hạ thấp chi phí nuôi dạy trẻ em, chẳng hạn giảm học phí, cung cấp các dịch vụ chăm sóc trẻ tiện lợi cho những cặp vợ chồng trẻ, trợ cấp thai sản và trợ cấp nhà ở.

Tuy nhiên thực tế chứng minh, biện pháp của Nhật Bản tốn kém và không mang lại hiệu quả. Tỷ lệ sinh của nước này tạm thời được cải thiện, từ mức 1,26 của năm 2005 lên 1,45 vào năm 2015, nhưng sau đó lại giảm xuống mức 1,23 trong năm 2022. Thêm vào đó, Trung Quốc "chưa giàu đã già", nên thiếu nguồn lực tài chính để sao chép mô hình chính sách của Nhật Bản.

Khủng hoảng dân số của Trung Quốc vừa có nguyên nhân sinh học, vừa có nguyên nhân văn hóa. Cùng với việc ngày càng nhiều phụ nữ trì hoãn kết hôn và sinh con, tỷ lệ vô sinh đã tăng từ 2% của thập niên 1980 lên 18% vào năm 2020. Giai đoạn 2013-2021, số lượng các cuộc kết hôn lần đầu giảm hơn một nửa, số người kết hôn lần đầu trong độ tuổi 20-24 giảm 3/4. Chính sách một con thực hiện 36 năm đã trở thành quan niệm sinh đẻ không thể thay đổi của người Trung Quốc: Sinh một con hoặc không sinh đã trở thành trạng thái bình thường của xã hội.

Trong giới phụ nữ Trung Quốc, thế hệ càng trẻ thì dường như càng không muốn sinh con. Kết quả một cuộc khảo sát điều tra gần đây cho thấy, số con trung bình phụ nữ Trung Quốc muốn có là 1,64.

Tuy nhiên, số con trung bình phụ nữ sinh sau năm 1990 muốn có là 1,54, sinh sau năm 2000 là 1,48. Ngược lại, số con trung bình mà phụ nữ Hàn Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) muốn có lần lượt là 1,92 và 1,41 (tỷ lệ sinh của hai nơi này chỉ bằng khoảng một nửa so với mong muốn).

Nếu sự sụt giảm đối với hứng thú sinh đẻ này nói lên điều gì, thì đó chính là Trung Quốc rất khó ổn định tỷ lệ sinh ở mức 0,8, đến năm 2025 dân số sẽ giảm xuống dưới 1,02 tỷ người, đến năm 2100 giảm xuống còn 310 triệu người.

Trung Quốc cổ đại từng bị suy giảm dân số do chiến tranh loạn lạc và nạn đói, nhưng phục hồi rất nhanh, tương tự như quá trình tái sinh máu bình thường. Tuy nhiên, dân số hiện đại suy giảm lại giống như bệnh thiếu máu bất sản (aplastic anemia), rất khó phục hồi.

Ngay cả khi Trung Quốc thành công trong việc nâng tỷ lệ sinh lên 1,1 và ngăn chặn đà giảm, thì đến năm 2050 dân số cũng có thể giảm xuống còn 1,08 tỷ người, đến năm 2100 còn 440 triệu người. Tỷ lệ dân số của Trung Quốc giảm từ 37% năm 1820 xuống còn 22% giai đoạn 1950-1980, tiếp tục thu hẹp còn 11% vào năm 2050 và còn 4% vào năm 2100.

Ảnh hưởng của việc sụt giảm dân số này sẽ nghiêm trọng hơn do tình trạng già hóa dân số nhanh, từ đó làm chậm lại tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc, đồng thời có thể gia tăng nợ của chính phủ.

Tỷ lệ dân số trên 65 tuổi sẽ tăng từ mức 14% của năm 2020 lên 35% vào năm 2050. Năm 2020, cứ mỗi người già từ 65 tuổi trở lên thì có 5 lao động trong độ tuổi 20-64 phụng dưỡng. Tỷ lệ này sẽ liên tục giảm xuống, đến năm 2035 là 2,5 người lao động phụng dưỡng một người già, năm 2050 là 1,6 người lao động phụng dưỡng một người già.

Đến lúc đó, khủng hoảng lương hưu của Trung Quốc sẽ trở thành thảm họa. Hơn nữa, tuổi thọ bình quân của phụ nữ cao hơn nam giới từ 6-7 năm, lại thường trẻ hơn chồng của mình vài tuổi, cuối cùng họ là những người phải trả giá cho sự thay đổi cơ cấu dân số đau đớn này.

(theo Liên hợp buổi sáng)