Trong khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang leo thang, phương Tây không được đánh giá thấp Nga. (Nguồn: Gzero) |
Hai tác giả Liana Fix and Michael Kimmage* đã có bài phân tích trên tạp chí Foreign Affairs về những điều có thể xảy ra nếu Nga giành được chiến thắng trong cuộc khủng hoảng Ukraine.
Khi Moscow can dự cuộc nội chiến tại Syria năm 2015, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama từng tuyên bố rằng đây sẽ trở thành một “vũng lầy” đối với nước Nga và Tổng thống Valadimir Putin.
Tuy nhiên, Nga đã thay đổi cục diện cuộc chiến, giúp Tổng thống Syria Bashar al-Assad khỏi thất bại sắp xảy ra biến lực lượng quân sự thành đòn bẩy ngoại giao. Moscow đã xây dựng được ảnh hưởng lớn hơn trong khu vực, từ Israel đến Libya.
Tới nay, Mỹ và phương Tây một lần nữa dự báo về một cuộc can thiệp quân sự lớn của Nga, lần này là ở chính châu Âu.
Ngày 11/2, Bộ trưởng Anh phụ trách các vấn đề châu Âu James Cleverly dự đoán rằng, một cuộc chiến tranh rộng hơn ở Ukraine “sẽ là một vũng lầy” đối với Moscow bởi nó có thể gây tổn thương cho nền kinh tế Nga, Tổng thống Putin có khả năng mất tín nhiệm trong giới tinh hoa và hứng chịu sự phẫn nộ từ người dân.
Bên cạnh đó, quân đội Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có thể đến gần biên giới của Nga hơn, khiến quốc gia này phải chiến đấu với phía Ukraine trong nhiều năm tới.
Tuy nhiên, từ góc nhìn của Moscow, khi phân tích chi phí lợi ích, thì chiến thắng ở Ukraine là nằm trong tầm tay và có lợi cho việc thay đổi hiện trạng ở châu Âu.
Tất nhiên, Nga có thể chỉ đơn giản là kéo dài cuộc khủng hoảng hiện tại mà không cần phát động chiến tranh hoặc tìm ra một số thỏa thuận hòa giải.
Nhưng nếu tính toán của Điện Kremlin giống như kết quả của cuộc chiến ở Syria, thì Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cũng nên chuẩn bị cho một tình huống Nga "không trở thành vũng lầy".
Và điều gì sẽ xảy ra nếu Nga thắng ở Ukraine?
Thách thức kép
Nếu Nga giành được quyền kiểm soát đối với Ukraine, các nhà lãnh đạo Mỹ và EU sẽ phải đối mặt với thách thức kép trong việc cân nhắc lại vấn đề an ninh châu Âu và không bị lôi kéo vào một cuộc chiến lớn hơn với Nga.
Khi đó, EU và NATO sẽ không còn đủ năng lực để đưa ra các chính sách đầy tham vọng vượt ra ngoài biên giới. Châu Âu sẽ ở trong tình trạng chiến tranh kinh tế tạm thời với Nga.
Trong khi phương Tây sẽ tìm cách thực thi các biện pháp trừng phạt sâu rộng, thì Nga cũng có thể áp dụng các biện pháp liên quan đến mạng Internet và đe dọa cắt nguồn cung năng lượng.
Ngoài ra, Trung Quốc có thể lựa chọn nghiêng về phía Nga trong cuộc "ăn miếng trả miếng" kinh tế này.
Trong trường hợp Nga chiến thắng Ukraine, vị thế của Đức ở châu Âu sẽ bị thách thức nghiêm trọng. Vành đai đồng minh mà Đức có, đặc biệt là ở phía Đông với Ba Lan và các nước Baltic, có nguy cơ rơi vào bất ổn.
Nhờ có quân đội tương đối mạnh và truyền thống can thiệp quân sự lâu đời, Pháp và Anh vẫn sẽ đảm nhận các vai trò hàng đầu trong các vấn đề châu Âu.
Các quốc gia thành viên phía Đông, bao gồm Estonia, Latvia, Lithuania, Ba Lan và Romania, có thể phải tăng cường số binh sĩ NATO thường trú.
Trong khi đó, Ukraine có thể phải đối mặt với thách thức về khủng hoảng nhân đạo, kéo theo dòng người tị nạn có thể lên tới hàng triệu người ồ ạt đổ đến châu Âu. Điều này sẽ làm trầm trọng thêm chính sách di cư chưa được giải quyết của EU và tạo ra mảnh đất màu mỡ cho những người theo chủ nghĩa dân túy.
Một ngôi nhà của người dân bị hư hại do pháo kích, ở thị trấn Vrubivka, thuộc vùng ly khai Luhansk, miền Đông Ukraine, ngày 17/2. (Nguồn: Reuters) |
Bàn cờ chiến lược thế giới
Đối với Mỹ, thành công của Nga ở Ukraine sẽ đòi hỏi Washington phải xoay trục sang châu Âu. Chỉ có một cam kết mạnh mẽ của Washington đối với an ninh châu Âu mới có thể ngăn cản được sự chia rẽ trong EU.
Điều này sẽ khó khăn trong bối cảnh các ưu tiên cạnh tranh của Washington, đặc biệt là những ưu tiên hàng đầu trong mối quan hệ cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc.
EU và Mỹ là đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất của nhau. Một châu Âu hòa bình, thịnh vượng sẽ gia tăng chính sách đối ngoại của Mỹ về biến đổi khí hậu, y tế toàn cầu và quản lý căng thẳng với Bắc Kinh hoặc Moscow.
Ngược lại, nếu châu Âu mất ổn định, Washington sẽ trở nên đơn độc hơn trên thế giới.
Đối với Trung Quốc, nước này có thể đóng vai trò là hậu thuẫn kinh tế cho Moscow. Tuy nhiên, cũng không có gì đảm bảo rằng một sự leo thang ở Ukraine sẽ có lợi cho mối quan hệ Nga-Trung.
Bởi tham vọng trở thành trung tâm nền kinh tế Á-Âu của Trung Quốc sẽ bị tổn hại do chiến tranh ở châu Âu và những bất ổn tàn khốc mà chiến tranh mang lại.
Điều này không thể tạo ra mối quan hệ hợp tác giữa Washington và Bắc Kinh, nhưng có thể bắt đầu các cuộc đối thoại mới giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Cuộc đối đầu giữa Washington và Moscow trong trường hợp xấu nhất có thể dẫn tới các cuộc chiến tranh ủy nhiệm ở Trung Đông hoặc châu Phi nếu Mỹ quyết định tái lập sự hiện diện của mình sau khi rút quân tại Afghanistan.
Tuy nhiên, Nga và Mỹ dẫu đối lập nhau về mặt ý thức hệ, nhưng hai cường quốc hạt nhân quan trọng nhất thế giới vẫn sẽ phải kiềm chế. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng chiến tranh kinh tế và đấu tranh địa chính trị trên khắp lục địa châu Âu, nhưng lại không cho phép leo thang dẫn đến chiến tranh hoàn toàn.
Trong khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang leo thang, phương Tây không được đánh giá thấp Nga. Chiến thắng của Nga ở Ukraine không phải là chuyện không tưởng.
* Liana Fix là thành viên thường trú tại Quỹ Marshall của Đức ở Washington D.C (Mỹ).
Michael Kimmage là giáo sư lịch sử tại Đại học Công giáo Mỹ (CUA) và nghiên cứu viên thỉnh giảng tại Quỹ Marshall. Từ 2014-2016, ông làm việc tại bộ phận hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ.