📞

Kịch rối Nhật Bản Bunraku

14:03 | 18/08/2014
Ngày 30/8, tại Nhà hát Múa rối Việt Nam sẽ tổ chức chương trình giao lưu và biểu diễn kịch rối Nhật Bản “Bunraku gặp gỡ ASEAN”. Chương trình do Nhà hát Tuổi trẻ phối hợp với Trung tâm giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức trong khuôn khổ các hoạt động giao lưu văn hóa năm 2014 giữa hai quốc gia.
Một cảnh trong buổi biểu diễn kịch rối Bunraku.

Khởi phát ở Osaka năm 1684, Bunraku hay Ningyō Jōruri là một thể loại kịch rối truyền thống Nhật Bản thu hút rất nhiều khách du lịch bên cạnh nghệ thuật hát múa nổi tiếng Kabuki. Bunraku bắt đầu như một loại hình giải trí phổ biến dành cho dân thường trong thời kỳ Edo ở Osaka và phát triển thành một môn nghệ thuật vào cuối thế kỷ 17. Loại hình kịch rối này đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.

Biểu diễn Bunraku bao gồm 4 yếu tố: các con rối bằng một nửa hoặc 2/3 kích thước người thật; chuyển động của các con rối do những người điều khiển đảm trách; tiếng nói của các nhân vật do một người kể chuyện gọi là tayu phụ trách; và âm nhạc do một người chơi loại đàn 3 dây gọi là shamisen.

Rối Bunraku không được điều khiển bằng dây mà thay vào đó, những người điều khiển kết hợp kiểm soát sự chuyển động của chân tay, mí mắt, nhãn cầu, lông mày và miệng của con rối, từ đó tạo ra được những cử chỉ hành động, nét mặt như người thật. Những người điều khiển rối hiện diện trực tiếp trên sân khấu biểu diễn nhưng thường mặc quần áo đen, để trở nên “vô hình” trong mắt khán giả.

Chủ đề của Bunraku thường xoay quay những câu chuyện tình bi kịch cổ điển, truyền thuyết hoặc kể về các vị anh hùng dựa trên những sự kiện trong lịch sử. Khi biểu diễn, những câu chuyện được kể bởi một người lĩnh xướng duy nhất. Người này sẽ lồng tiếng cho tất cả các con rối nên đòi hỏi giọng nói phải có biểu cảm đa dạng và cao độ giọng khác nhau để chuyển đổi qua các nhân vật, không kể già trẻ, trai gái. Tốc độ kể chuyện sẽ phụ thuộc vào âm thanh của tiếng đàn shamisen được chơi kèm trong Bunraku. Sẽ là một trải nghiệm thú vị khi được chứng kiến những con rối chuyển động nhịp nhàng, sinh động y như người thật, ăn khớp với câu chuyện kể và âm thanh đàn shamisen.

Có lẽ, một phần kịch rối của Bunraku Nhật Bản xuất phát từ loại hình giải trí dân gian, nên nhìn chung nội dung của kịch rối cũng có nhiều nét tương đồng so với nội dụng kịch của Việt Nam. Chắc rằng buổi giao lưu sẽ là một món ăn tinh thần đậm tình hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản./.

M. H (tổng hợp)