TIN LIÊN QUAN | |
Câu chuyện ngoại giao 40 năm trước (Kỳ cuối ) | |
Câu chuyện ngoại giao 40 năm trước (Kỳ 1) |
Đại sứ có thể kể về những kỷ niệm khó quên với cố Thứ trưởng, người đã hướng Đại sứ tiếp bước con đường ngoại giao?
Ba tôi có bốn người con, chín cháu và chín chắt. Ba không để lại tài sản vật chất gì nhiều cho các con cháu, ngoài lời căn dặn: “Trước khi từ giã cõi đời này, ba có mấy lời căn dặn các con, cháu như sau: Gia đình ta là một gia đình cách mạng, các con, cháu đều được học hành, giáo dục theo truyền thống của gia đình, cho nên khi cha, mẹ qua đời, các con cháu phải có trách nhiệm giữ vững truyền thống gia đình, làm tròn trách nhiệm của người công dân tốt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nếu là Đảng viên, phải có trách nhiệm với Đảng, với dân. Phải biết đối xử, giúp đỡ, đoàn kết, thân ái, yêu thương lẫn nhau, giữ gìn danh tiếng của gia đình, không được tranh cãi, thù ghét nhau để ba mẹ yên lòng nơi chín suối”.
Nguyên Thứ trưởng Hà Văn Lâu (giữa) bên các con, cháu trong ngày kỷ niệm sinh nhật 97 tuổi năm 2015. (Ảnh do Đại sứ Hà Thị Ngọc Hà cung cấp) |
Từ bé, ba đã định hướng cho tôi trở thành một nhà ngoại giao. Trong số các anh chị em, tôi thường được ba đưa đi tham dự những cuộc chiêu đãi với khách nước ngoài. Tôi vẫn nhớ lần theo ba tham dự một cuộc chiêu đãi và được gặp cô Phương, chú Giáp (là bố mẹ của Đại sứ Nguyễn Phương Nga, hiện là Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc), cô Phương có nói với tôi: “Khi nào lớn lên, cháu sẽ theo sự nghiệp của ba cháu trở thành nhà ngoại giao”.
Cố Thứ trưởng mang trong mình khí chất của người lính trên mặt trận đạn bom và cả khí chất của nhà ngoại giao trên bàn đàm phán. Đại sứ học hỏi được từ ông những “bí quyết nghề nghiệp” nào phục vụ cho sự nghiệp của mình?
Tôi học hỏi từ ba nhiều thứ, những kinh nghiệm rất trừu tượng, khó có thể kể tên rạch ròi. Những kinh nghiệm của ba được đúc kết qua cuộc sống, tác phong sinh hoạt, qua các câu chuyện kể, từ từ thấm vào máu của tôi. Khi cần, nó mới bộc lộ ra như sự kiên định với chủ trương, lập trường trong đàm phán, nhưng cũng phải mềm mỏng, dẻo dai và nhẹ nhàng, linh hoạt để thuyết phục phía bạn chấp thuận mình. Người ta hay gọi đó là “khí chất của nhà ngoại giao”.
Khi làm Trưởng đoàn tham dự một cuộc trù bị cho Cuộc họp Quan chức Cao cấp (SOM) ASEAN - Ấn Độ, tôi đã nhanh trí xin gia hạn một dự án thành lập Trung tâm dạy tiếng Anh cho Việt Nam khi ấy đã hết hạn. Nếu kéo dài thêm một năm, Quỹ tài chính ASEAN - Ấn Độ phải chi thêm vài triệu USD cho Việt Nam. Tình huống này không có trong đề án. Tôi đã phát biểu mong muốn của mình và nhận được sự ủng hộ của tất cả các đại biểu tham dự. Hoạt động ngoại giao không thể cân đong đo đếm, mà là những chiến công thầm lặng, trừu tượng, phải bằng thời gian và kết quả thì người ta mới nhận ra nó.
Trên mỗi hành trình sự nghiệp của tôi đều có hình bóng của ba. Khi tôi được bổ nhiệm là Đại sứ Việt Nam tại Chile, ba tôi rất vui và khuyên tôi phải học tiếng Tây Ban Nha. Ba tôi biết tiếng Pháp, tiếng Anh và một chút tiếng Tây Ban Nha. Tôi đã hoàn thành tốt nhiệm kỳ của mình và được Tổng thống Chile tặng Huân chương Cao quý vì đóng góp vào việc phát triển quan hệ hữu nghị Việt Nam- Chile. Tôi đã thành công khi đặt được Tượng Bác Hồ tại Công viên Hồ Chí Minh ở thủ đô Santiago de Chile. Để làm được điều này, tôi phải nỗ lực trong hai năm thuyết phục ông Quận trưởng, một người thuộc Đảng Bảo thủ, không thích Cộng sản, nhưng lại rất yêu quý Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là một thành công trong sự nghiệp của tôi.
Cố Thứ trưởng Hà Văn Lâu đã trở thành biểu tượng của Ngoại giao Việt Nam tại nhiều diễn đàn quốc tế bởi sự uyên bác, lịch thiệp. Những câu chuyện/hình ảnh nào của ông mà Đại sứ ấn tượng, cảm phục nhất?
Đó là khi ba tôi là Phó Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và khôi phục lại hòa bình ở Việt Nam. Khi ông bước xuống xe ô tô, các phóng viên vây quanh hỏi: “Thưa Ngài, Ngài có lạc quan về cuộc đàm phán này?”. Ông đã trả lời: “Người cách mạng luôn luôn lạc quan", nhưng lúc đó nhóm phóng viên phương Tây lại trích dẫn câu trả lời của ba tôi mà bỏ đi cụm từ "Người cách mạng".
Ba tôi kể lại sau đó ông đã bị phê bình nhẹ nhàng là không nên trả lời “lạc quan”, không được chủ quan khinh địch. Tôi tranh luận với ba rằng: “Ba nói thế là đúng, con thấy người cách mạng phải luôn lạc quan, luôn phải nghĩ rằng ta sẽ chiến thắng kẻ thù, đó chính là động lực để chiến đấu. Bác Hồ đã tặng ba một bước ảnh chân dung của Người với câu đề tặng “Kháng chiến nhất định thắng lợi” là gì!”. Lúc đó, ba chỉ cười và xoa đầu tôi.
Những bức ảnh của ông trong thời gian là Đại sứ Việt Nam tại Cuba cùng Lãnh tụ Fidel Castro đứng giữa một rừng người (hơn một triệu người dân Cuba) đón chào Thủ tướng Phạm Văn Đồng và phái đoàn cấp cao Việt Nam thăm chính thức Cuba khiến tôi vô cùng ấn tượng. Lúc đó, Lãnh tụ Fidel đã có phát biểu nổi tiếng: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”. Những hình ảnh ba tôi họp hay phát biểu ở Đại hội đồng, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, lên án tội ác diệt chủng của Khmer đỏ… cũng luôn khắc ghi trong tâm trí của tôi.
Cố Thứ trưởng được biết đến là con người gương mẫu cả về công việc và tư cách, trong cuộc sống gia đình. Nhân cách đó ấy được thể hiện như thế nào, thưa Đại sứ?
Ba tôi là một người rất gương mẫu. Với ông, giờ giấc phải chính xác. Ông đúng là người của nhà binh, tác phong quân đội luôn thấm trong con người ông, đó là tính kỷ luật, nguyên tắc và luôn đúng giờ. Thậm chí, đến những năm cuối cuộc đời, ông cũng sinh hoạt đúng giờ giấc, giờ nào tập thể dục, giờ nào ăn và giờ nào đo huyết áp. Dù bận rộn nhưng không ngày nào ông sai lịch.
Thêm nữa, ba tôi có tính kỷ luật nghiêm minh, tuân lệnh cấp trên. Cấp trên ra lệnh là phải thực hiện tốt và nghiêm chỉnh. Đặc biệt, ông rất khiêm tốn. Tôi nhớ một kỷ niệm khi cháu nội Hà Kiều Anh thi chung kết Hoa hậu Việt Nam. Buổi tối trước khi thi vòng chung kết, Kiều Anh có gọi điện xin ông lời khuyên. Ba tôi chỉ khuyên phải khiêm tốn. Hôm sau, khi bốc thăm phải câu hỏi: “Nếu trở thành hoa hậu, em có nghĩ em là người Việt Nam đẹp nhất không?”, Kiều Anh đã trả lời: “Nếu em trúng hoa hậu đêm nay, em là người đẹp nhất trong số các bạn tham dự ở đây. Nhưng em nghĩ còn nhiều bạn đẹp hơn em ở ngoài, và vì điều kiện mà không tham gia được cuộc thi hoa hậu này”.
Sau đó ít lâu, trong một buổi gặp gỡ giữa bác Phạm Văn Đồng, cô Trà Giang (giám khảo cuộc chấm thi hoa hậu đêm đó) và ông, khi nghe ba tôi kể lại câu chuyện, cô Trà Giang mới biết ông là ông nội Hà Kiều Anh. Cô nói: “Tôi chấm cho Hà Kiều Anh là hoa hậu chính vì câu trả lời khiêm tốn của cháu”. Lúc đó, bác Phạm Văn Đồng liền nói: “Thế thì ông Lâu mới chính là hoa hậu chứ không phải Hà Kiều Anh”.
Xin cảm ơn Đại sứ!
Ba bài báo không bao giờ quên Nhờ sự động viên của Ban biên tập báo TG&VN, tôi đã viết một số bài báo, trong đó có các câu chuyện ngoại giao ... |
Chuyện ngoại giao liên quan đến Phật giáo Nhiều người cho rằng, tôn giáo chi phối, ảnh hưởng đến chính trị và chính sách ngoại giao là chuyện của thời trung cổ hay ... |
Số 253: Tái thiết Li-bi LTS. Cuộc chiến Li-bi cuối cùng cũng đến hồi kết sau hơn 6 tháng không ngớt tiếng bom đạn, những chuyến ngoại giao con thoi ... |