Kết luận trên đã được ghi nhận trong nghiên cứu có tên Chính sách Nước ở Singapore, do hai Tiến sĩ Cecilia Tortajada và Joost Buurman thuộc Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, tiến hành gần đây.
Một nhà máy Newater tại Bedok và Kranji, Singapore. (Nguồn: PUB) |
Theo nghiên cứu này, tăng trưởng kinh tế và dân số, cùng với tình trạng biến đổi khí hậu có thể khiến các vùng đất rộng lớn ở châu Á bị thiếu nước trầm trọng vào năm 2050. Để giải quyết tình trạng này, các quốc gia trong khu vực có thể tham khảo kinh nghiệm mà Singapore đã áp dụng thành công trong vài thập kỷ qua.
Có nhiều lý do quyết định thành công của “đảo quốc sư tử” bao gồm quản lý nguồn cung và cầu đối với nước, xây dựng quy hoạch dài hạn, ý chí chính trị mạnh mẽ trong việc thực hiện các kế hoạch, khung pháp lý và quy định, nguồn lực lao động năng động, có kinh nghiệm, cùng sự quản lý hiệu quả toàn bộ chu trình nước của Cơ quan Nước quốc gia Singapore (PUB).
“Bốn vòi nước quốc gia”
Singapore là một trong số ít quốc gia đưa vấn đề nguồn cung cấp nước vào chiến lược phát triển tổng thể của nước này. Theo đó, quốc gia Đông Nam Á không chỉ chú trọng tới lượng cung mà còn tính đến các khía cạnh khác như: chất lượng, chi phí sản xuất và quản lý nước.
Kế hoạch tổng thể về nước được triển khai từ năm 1972 đã xây dựng một danh mục tài nguyên nước đa dạng, để đáp ứng nhu cầu nước trong giai đoạn này và có thể phát triển trong tương lai. Có bốn nguồn cung cấp mà người Singapore gọi là “bốn vòi nước quốc gia”, gồm nước nhập khẩu từ Malaysia, nước mưa, nước tinh khiết lọc từ nước thải (người Singapore đặt tên là Newater), và lọc từ nước biển.
Lượng nước mưa rơi xuống hơn 65% diện tích đất của Singapore được chuyển tới một trong 17 hồ chứa. Một chương trình có tên ABC Waters được khởi xướng năm 2006 giúp làm chậm dòng chảy và nâng cao chất lượng nước thông qua việc sử dụng các tính năng của nước như hồ sinh học, mương lọc sinh học và vùng đất ngập nước.
Trước đó, năm 2005, Singapore đã xây dựng hai nhà máy xử lý nước mặn ở Tuas, có thể đáp ứng 25% nhu cầu về nước. Dự kiến nhà máy thứ ba đi vào hoạt động trong năm nay và hai nhà máy khác sẽ hoàn thành trong 10 năm tới, đáp ứng 30% nhu cầu nước của Singapore trong thời gian dài.
Một góc Singapore. (Nguồn: Latimes) |
Từ đầu những năm 1970, Singapore đã xem xét khả năng tái sử dụng nước thải. Từ năm 2000, nước này đã xây dựng năm nhà máy xử lý, sau khi chi phí và độ tin cậy của công nghệ đã được cải thiện đáng kể. Nước tinh khiết lọc từ nước thải (Newater) có thể đáp ứng tới 40% nhu cầu về nước của Singapore, và dự kiến sẽ tăng tới 55% vào năm 2060.
Nguồn nước cuối cùng là nước nhập khẩu từ Malaysia. Theo hiệp định được ký năm 1962, Singapore sẽ ngừng nhập khẩu và tự cung cấp nước từ năm 2061.
Để tăng cường và đảm bảo an ninh nguồn nước, Singapore cũng tìm cách hạn chế thất thoát, kể cả do rò rỉ đường ống, từ mức 9,5% năm 1990 xuống còn 5% vào năm 2016 - tỷ lệ thấp nhất thế giới.
ABC - viết tắt của ba từ Active (chủ động), Beautiful (đẹp) và Clean (sạch) với hàm ý hướng tới vai trò chủ động hơn của con người trong việc bảo vệ nguồn nước và cảnh quan luôn sạch đẹp. |
Thách thức 10 lít
Tuy nhiên, tìm kiếm nguồn cung mới chỉ đáp ứng được một nửa bài toán nguồn nước của Singapore. Dự kiến, đến năm 2060, nhu cầu nước của quốc gia này có thể tăng gấp đôi tới 430 triệu galon mỗi ngày. Để hạn chế nhu cầu tiêu thụ nước gia tăng, PUB đã đề ra các chính sách quản lý nhu cầu toàn diện bao gồm giá, các biện pháp bảo tồn và giáo dục công cộng.
Thuế bảo tồn nước được ban hành năm 1991. Việc điều chỉnh giá nước đã được xem xét vào năm 1997 theo hiệu quả kinh tế, và cân đối với chi phí khử mặn.
Giá nước ở Singapore không thay đổi từ năm 2000 đến nay. Tuy nhiên, ngoài việc áp dụng mức thuế riêng cho Newater, năm 2017, Chính phủ Singapore đã thông báo tăng giá 30%. Việc này sẽ được thực hiện trong hai năm tới để bù đắp chi phí cung cấp nước tăng lên. Các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình sẽ được cấp phiếu ưu đãi để có thể sử dụng tất cả các dịch vụ tiện ích liên quan đến nước.
Từ cuối những năm 1970, PUB đã áp dụng các giải pháp kỹ thuật để bảo tồn nguồn nước. Cơ quan này yêu cầu sử dụng các bể chứa dòng chảy thấp, quy định mức lưu lượng tối đa đối với vòi và máy trộn, đồng thời giới thiệu Chương trình dán nhãn hiệu quả về nước áp dụng với các loại vòi, máy trộn, máy giặt và các sản phẩm khác đủ tiêu chuẩn được kinh doanh trên thị trường.
Ngoài ra, từ năm 2015, các cá nhân và tổ chức sử dụng hơn 60.000 m3 nước mỗi năm sẽ phải nộp Kế hoạch quản lý hiệu quả nguồn nước cho PUB hàng năm. Cơ quan này cũng thành lập quỹ hỗ trợ các dự án cải thiện hiệu quả sử dụng nước và hệ thống chứng nhận Cải thiện Hiệu quả Nước, nhằm khuyến khích chủ đầu tư các toà nhà lắp đặt thiết bị tiết kiệm nước.
Giáo dục cộng đồng là một trụ cột quan trọng trong chiến lược quản lý nhu cầu nước của Singapore. Vấn đề bảo tồn nguồn nước đã được đưa vào chương trình giảng dạy tại các trường tiểu học, bên cạnh các chương trình giáo dục và tài liệu dành cho công nhân xây dựng nước ngoài và người giúp việc cho hộ gia đình. Trong khi đó, các chiến dịch như Thách thức 10 lít được tổ chức nhằm khuyến khích người dân giảm sử dụng nước hàng ngày xuống 10 lít, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiết kiệm nước.
Quan hệ đối tác cùng hiệu quả
PUB là một trong số ít các cơ quan trên thế giới xử lý tất cả các vấn đề liên quan đến nước, bao gồm quản lý, cung cấp, vệ sinh và thoát nước. Thông thường, các dịch vụ này do hai hoặc nhiều đơn vị chịu trách nhiệm, và việc chia sẻ quản lý có thể nảy sinh một số vấn đề như thiếu sự phối hợp.
PUB cũng hợp tác chặt chẽ với các khu vực tư nhân và giới học thuật để tăng cường chuyên môn và tìm kiếm giải pháp hiệu quả hơn về công nghệ nước. Một số mục tiêu chính là giảm chi phí khử mặn và sản xuất Newater, tăng năng suất khai thác nước từ 75% hiện nay lên 90% và sử dụng nước biển vào hoạt động làm mát công nghiệp.
Bộ Môi trường và Tài nguyên nước của Singapore đã thành lập Hội đồng Phát triển công nghiệp nước và môi trường (EWIDC), dưới sự điều hành của PUB và Ủy ban Phát triển kinh tế (EDB), với mục tiêu biến Singapore thành "hydrohub" – trung tâm đầu mối toàn cầu - nơi hội tụ công nghệ hàng đầu xử lý nước biển thành nước ngọt.
Có thể nói, Singapore đã đạt được mức độ quản lý nước toàn diện. Họ sử dụng hiệu quả nguồn nước hạn chế của mình thông qua các công cụ kinh tế, áp dụng các công nghệ mới nhất để sản xuất nhiều nước hơn, giới thiệu các biện pháp bảo vệ nguồn nước, đồng thời xem xét các tác động từ yếu tố xã hội, kinh tế và môi trường nước. Đây là kinh nghiệm quý giá cho các quốc gia khác trong khu vực.