Trong vòng 6 tuần gần đây, khoảng 30,3 triệu người Mỹ, tương đương 18,6% lực lượng lao động, đã đệ đơn xin trợ cấp thất nghiệp. (Nguồn: AP) |
"Đó là kinh tế, ngốc ạ!"
Năm 1992, chiến lược gia chính trị người Mỹ James Carville từng nổi tiếng với câu nói: “Đó là kinh tế, ngốc ạ!”. Câu nói này sau đó đã phản ánh rõ bối cảnh chính trị của các cuộc bầu cử bầu cử Mỹ và chứng kiến thành công đầy bất ngờ của cựu Tổng thống Bill Clinton, đưa ông trở thành vị tổng thống thứ 42 của nước Mỹ.
Cuối giai đoạn Chiến tranh vùng Vịnh, tháng 3/1991, tỷ lệ ủng hộ dành cho Tổng thống George Bush (cha) đạt mức kỷ lục 90%. Song Tổng thống Bill Clinton khi đó đã ra tranh cử với thông điệp kinh tế đánh mạnh vào tâm lý của các cử tri Mỹ. Rõ ràng, tầm quan trọng của kinh tế đối với bầu cử Mỹ là điều mà người ta không bao giờ có thể đánh giá thấp. Chiến thắng năm 2008 của cựu Tổng thống Barack Obama chủ yếu là nhờ vào thực trạng kinh tế tồi tệ sau cuộc khủng hoảng tài chính mà cựu Tổng thống George W Bush góp phần châm ngòi.
Nền kinh tế Mỹ ở thời điểm 2 tháng trước khiến cơ hội để Tổng thống Donald Trump tái đắc cử là rất lớn, bất chấp hàng loạt xáo trộn trong chính quyền. Cuối tháng 1/2020, Mỹ đạt mức tăng trưởng thường niên 2,1% và có thêm 225.000 việc làm mới.
Theo Cục Số liệu Lao động Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp giảm mạnh và đạt mức thấp nhất trong vòng 60 năm trở lại đây là 3,5%, vào tháng 2/2020. Tuy nhiên, các biện pháp cách ly và phong tỏa trên toàn nước Mỹ do dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến nền kinh tế theo những cách chưa từng có.
Trong vòng 6 tuần trở lại đây, khoảng 30,3 triệu người Mỹ, tương đương 18,6% lực lượng lao động, đã đệ đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Con số này cao hơn hẳn những gì từng diễn ra trong giai đoạn suy thoái năm 2008, phản ánh mức độ nghiêm trọng của các thách thức kinh tế. Số lao động có trình độ tìm được việc làm giảm khoảng 18%, trong khi con số này của lực lượng không có trình độ là 30%, càng làm gia tăng bất bình đẳng xã hội.
Thất nghiệp là “điềm báo” của những vấn đề kinh tế và điều này càng đúng trong bối cảnh của nước Mỹ bởi tiêu dùng đóng góp tới 68% GDP. Đối với các doanh nghiệp, ổn định là yếu tố cũng quan trọng như tín dụng và thị trường.
Phân tích của Cục Kinh tế Mỹ chỉ ra rằng, trong quý đầu năm 2020, GDP đã sụt giảm tới 4,8%, và là lần đầu tiên trong vòng 6 năm trở lại đây nền kinh tế Mỹ sụt giảm GDP ngay quý đầu năm.
Những nhận định tiêu cực gần đây về cách hành xử của Chính quyền Tổng thống Trump không phải là không có căn cứ. Những gì mà Tổng thống Trump cùng các phụ tá đang nỗ lực thể hiện hoàn toàn đi ngược thực tế rằng, dịch Covid-19 chưa bị đẩy lui sau suốt 7 tuần chính quyền áp đặt các biện pháp cách ly và giãn cách xã hội. Ảnh hưởng của dịch bệnh đã có dấu hiệu giảm bớt song mỗi ngày vẫn có tới 30.000 ca mắc mới và thậm chí tại một số nơi, số người lây nhiễm mỗi ngày vẫn cao hơn thay vì giảm đi.
Bên cạnh cuộc khủng hoảng y tế là một cuộc khủng hoảng kinh tế.
Vấn đề kinh tế sẽ là vấn đề chính chi phối cử tri Mỹ trong cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11 tới. (Nguồn: AP) |
Lựa chọn mở cửa
Nhà Trắng cho rằng, họ có 2 lựa chọn. Thứ nhất là tiếp tục đóng cửa đất nước và chờ đến khi phát triển thành công phương pháp điều trị hoặc khi vaccine phòng bệnh được sản xuất đại trà. Tuy nhiên sự chờ đợi này có thể sẽ kéo dài và đẩy nền kinh tế tới suy thoái, thậm chí là suy thoái rất trầm trọng.
Lựa chọn thứ hai là mở cửa nền kinh tế, dù biết điều này hoàn toàn có thể dẫn đến nguy cơ sẽ có thêm rất nhiều ca tử vong vì dịch bệnh, song nước Mỹ sẽ có cơ hội hồi phục kinh tế. Chính quyền Trump đã lựa chọn phương án thứ 2, điều mà người ta không quá ngạc nhiên.
Nền kinh tế lớn nhất thế giới đang đối mặt với một mùa Đông dài, điều mà chưa người Mỹ nào từng trải qua hay có sự chuẩn bị cho nó. Những diễn biến kinh tế chắc chắn cũng sẽ có các tác động đáng kể tới bối cảnh chính trị theo những cách rất khó lường. Từ nay tới tháng 11, những sự kiện trên truyền thông, trong xã hội và trong giới hoạch định chính sách có thể sẽ đưa cuộc bầu cử đi theo bất kỳ hướng nào. Càng gần tới cuộc bầu cử tổng thống, nền kinh tế càng chi phối tâm lý cử tri và người Mỹ sẽ lựa chọn dùng lá phiếu của mình cho người mà họ xem là có thể đưa nền kinh tế thoát khỏi hố sâu khủng hoảng.
Cuộc bầu cử tổng thống sắp diễn ra đã khiến chính quyền Tổng thống Trump triển khai các chính sách đối nội và đối ngoại cực đoan. Nhà Trắng không thể và thực sự là đã từ bỏ các nỗ lực, nhằm kiểm soát dịch Covid-19. Họ cho rằng, kết quả khả quan của một nền kinh tế hồi phục và các chỉ số kinh tế tích cực sẽ lôi kéo được các cử tri hơn là những ảnh hưởng tiêu cực từ số ca thiệt mạng ở trong nước.