TIN LIÊN QUAN | |
Những "nốt trầm" của kinh tế Mỹ Latin | |
Các nước Mỹ Latin sẽ đồng loạt tiến hành điều tra tham nhũng? |
Sụt giảm mạnh
Sau khi tăng trưởng âm năm 2015, kinh tế khu vực Mỹ Latin tiếp tục sụt giảm mạnh vào đầu năm 2016 và đợt suy thoái này kéo dài đến quý III với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực sụt giảm 0,9%. Ủy ban kinh tế Mỹ Latin và Caribe của Liên hợp quốc dự báo đây cũng là mức sụt giảm kinh tế của khu vực này trong cả năm 2016, đồng nghĩa đây sẽ là năm thứ 2 liên tiếp Mỹ Latin ghi nhận kinh tế tăng trưởng âm, điều chưa từng xảy ra trong 2 thập niên gần đây. Kinh tế suy giảm cũng khiến tỷ lệ thất nghiệp trong khu vực tăng 8,1%, mức tăng cao nhất kể từ đầu thập kỷ trước.
Nguyên nhân chủ yếu khiến tăng trưởng kinh tế khu vực Mỹ Latin suy giảm là do tình hình khó khăn tại các nền kinh tế chủ chốt như Brazil, Venezuela hay Argentina.
Triển vọng kinh tế Mỹ Latin năm 2017. (Nguồn: Focus Economics) |
Sau một thập niên tăng trưởng mạnh, Brazil - nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latin - đang chìm trong cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua. Chính phủ Brazil cho biết, trong quý III/2016, kinh tế Brazil đã giảm 2,9% và ước tính sẽ tăng trưởng âm 3,5% trong cả năm 2016.
Thêm vào đó, Brazil cũng phải đối mặt với thâm hụt ngân sách cao, chi tiêu tiêu dùng sụt giảm, tỷ lệ thất nghiệp ở mức 6,9%, đồng nội tệ Real mất giá gần 50% và nợ công tương đương 65% GDP. Một trong các nguyên nhân là Brazil vẫn bị phụ thuộc nhiều vào việc xuất khẩu hàng hóa khi coi đây là động lực thúc đẩy tăng trưởng. Tình hình chính trị rối ren tại Brazil liên quan đến vụ bê bối tham nhũng tại Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras cũng đã tác động tiêu cực tới nền kinh tế nước này.
Venezuela, quốc gia láng giềng của Brazil, cũng đang phải chật vật giải quyết hàng loạt khó khăn về kinh tế cũng như cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng. Vốn là nước phụ thuộc hoàn toàn vào ngành dầu mỏ, việc giá dầu lao dốc và phục hồi chậm đã khiến quốc gia này rơi vào khủng hoảng kinh tế lớn.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính, nền kinh tế Venezuela có thể suy giảm tới 11,5% trong năm 2016 và tỷ lệ lạm phát sẽ lên mức 475%, mức cao kỷ lục của thế giới. Mức dự trữ vàng của Venezuela cũng đã xuống thấp kỷ lục sau khi bán 1,7 tỷ USD kim loại quý này trong quý III/2016 để trả nợ. Theo số liệu của IMF, dự trữ vàng của nước này đã mất gần 1/3 trong một năm qua, đẩy nền kinh tế gần bờ vực sụp đổ hơn bao giờ hết bởi vàng chiếm tới 70% tổng dự trữ quốc gia.
Trong khi đó, tình hình tại một số nền kinh tế khác trong khu vực cũng không mấy khả quan. Nền kinh tế Ecuador, vốn chịu thiệt hại nặng nề sau trận động đất hồi tháng 4/2016, lại đang chịu sức ép từ sự yếu kém tài chính khi giá dầu giảm.
Argentina vẫn chìm trong suy thoái khi những biện pháp cải cách theo định hướng thị trường của giới lãnh đạo chưa thể giúp nền kinh tế lớn thứ 3 Mỹ Latinh lấy lại đà tăng trưởng. IMF ước tính kinh tế Argentina có thể suy giảm 2,3% trong năm 2016, trong khi chính phủ nước này cho rằng kinh tế sẽ sụt giảm 1,5%. Nền kinh tế Colombia, từng được xem là điểm sáng của khu vực, cũng đã xuất hiện những dấu hiệu suy giảm.
Dù còn gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên không thể phủ nhận rằng bức tranh kinh tế Mỹ Latin trong năm 2016 cũng ghi nhận một số điểm sáng. (Nguồn: Forbes) |
Những điểm sáng hiếm hoi
Dù còn gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên không thể phủ nhận rằng bức tranh kinh tế Mỹ Latin trong năm 2016 cũng ghi nhận một số điểm sáng. Dominica và Panama là hai nền kinh tế dẫn đầu Mỹ Latin với mức tăng trưởng ước tính lần lượt đạt 6,4% và 5,2% năm 2016. Đặc biệt, công trình mở rộng kênh đào Panama trị giá 5,3 tỷ USD cũng mang lại những tín hiệu tích cực cho hoạt động kinh doanh trong khu vực Trung Mỹ.
Mexico - nền kinh tế lớn thứ hai Mỹ Latin - vẫn duy trì mức đầu tư trực tiếp nước ngoài cao. Peru là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Mỹ Latin nhờ vào đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu, tăng trưởng tích cực của xu hướng hàng hóa và sự ổn định chính trị. Bất chấp đà giảm giá của các mặt hàng nguyên liệu trên thị trường thế giới, kinh tế Bolivia tiếp tục là một trong những “đầu tàu” về tăng trưởng tại khu vực khi đạt mức tăng trưởng ấn tượng 4,9% trong nửa đầu năm 2016.
Kinh tế Cuba cũng có dấu hiệu khởi sắc, nhất là trong lĩnh vực du lịch, kinh doanh nhà hàng, đặc biệt sau chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ Barack Obama vào tháng 3/2016 với việc dỡ bỏ một số hạn chế trong kinh doanh và thương mại của Mỹ đối với đảo quốc này. Ngoài ra, chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Ecuador, Peru và Chile vào tháng 11/2016, mà thành quả là 40 thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực cũng được xem là cơ hội lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực.
Theo Fitch, thâm hụt trong tài khoản vãng lai của khu vực Mỹ Latin đang dần ổn định sau khi đã xấu đi trong những năm gần đây và dự trữ ngoại tệ quốc tế sẽ ổn định trong năm tới. (Nguồn: LatinAmerican Post) |
Dự báo phục hồi nhẹ vào năm 2017
Những tín hiệu lạc quan trên dù chưa thể vẽ nên một bức tranh kinh tế Mỹ Latin với nhiều gam màu sáng, song Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch của Mỹ vẫn bày tỏ lạc quan rằng tăng trưởng GDP của Mỹ Latin sẽ phục hồi nhẹ ở mức 1,6% trong năm 2017 nhờ vào nhu cầu bên ngoài mạnh lên, giá nguyên liệu tăng và sự cải thiện trong hoạt động kinh tế tại Argentina và Brazil.
Tuy nhiên, Fitch cũng cảnh báo chủ nghĩa bảo hộ thương mại và kiểm soát nhập cư chặt chẽ hơn sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ gây rủi ro cho triển vọng kinh tế khu vực, đặc biệt đối với Mexico và các quốc gia Trung Mỹ do các mối liên kết và phụ thuộc vào Mỹ qua các kênh thương mại, tài chính và kiều hối. Ngoài ra, sự tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc, giá của nguyên vật liệu tiếp tục giảm và các điều kiện tiếp cận nguồn tín dụng quốc tế chặt chẽ hơn cũng sẽ tác động xấu tới tăng trưởng kinh tế của khu vực.
Fitch cũng đánh giá năng lực của chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế vẫn hạn chế. Tăng trưởng thấp, nguồn thu giảm do liên quan tới giá nguyên liệu và áp lực đối với chi tiêu tài khóa sẽ dẫn tới nợ công tăng, ước tính lên đến tương đương 47% GDP của khu vực trong năm 2017. Theo Fitch, thâm hụt trong tài khoản vãng lai của khu vực đang dần ổn định sau khi đã xấu đi trong những năm gần đây và dự trữ ngoại tệ quốc tế sẽ ổn định trong năm tới.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, với những khó khăn còn hiện hữu cùng những thách thức bủa vây ở phía trước, các nền kinh tế Mỹ Latin trong thời gian tới cần có những điều chỉnh đột phá để bảo đảm đà tăng trưởng khởi sắc cho khu vực này.
Trung Quốc “tăng tiền cược” vào Mỹ Latin Mục tiêu của Trung Quốc trong 15 năm tới là thay thế Mỹ để trở thành đối tác thương mại số một của khu vực. |
Mỹ Latin: Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao nhất trong 15 năm qua Nguyên nhân chính được đưa ra là do sự suy thoái của nền kinh tế tại khu vực này. |
Xuất khẩu của Mỹ Latin giảm năm thứ tư liên tiếp Ngày 12/12, Ngân hàng Phát triển liên Mỹ (IDB) dự báo kim ngạch xuất khẩu của Mỹ Latin và Caribbean trong năm 2016 đạt 850 ... |