Kinh tế số nói chung và kinh tế nền tảng nói riêng được cho là trụ cột của xã hội trong tương lai.
Th.S Hà Linh là Cán bộ dự án và nghiên cứu kinh tế của Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) tại Việt Nam. |
Năm 2020, thế giới chứng kiến nhiều biến động do đại dịch Covid-19 và nguy cơ khủng hoảng toàn cầu, nhưng một số các nền tảng số như Amazon, eBay, Alibaba… không chỉ chống chọi tốt với bất ổn của thị trường mà còn có xu hướng phát triển nhanh và mạnh.
Một số nghiên cứu cho rằng, tổ chức kinh doanh trên các nền tảng số hoặc khởi nghiệp trên các mô hình số sẽ là giải pháp cứu nguy cho nhiều doanh nghiệp, cá nhân trong cuộc chiến chưa biết đến hồi kết với đại dịch Covid-19. Đồng thời, cấu trúc nền kinh tế thế giới sẽ hoàn toàn thay đổi sau đại dịch.
Kinh tế nền tảng là gì?
Sự bùng nổ của các công ty Dotcom (công ty sử dụng Internet là nền tảng chính trong hoạt động kinh doanh) vào những năm 1990 và sự ra đời của nền tảng đấu giá trực tuyến Ebay là những mảnh ghép quan trọng trong lịch sử của kinh tế nền tảng.
Trong suốt hơn 20 năm từ đó đến nay, một số lượng ngày càng lớn các doanh nghiệp tham gia kinh doanh qua các nền tảng số nhằm duy trì tính cạnh tranh như Airbnb, Uber, Amazon, Salesforce, Facebook và Amazon. Các công ty này tạo nên mạng lưới trực tuyến để cá nhân thực hiện những tương tác điện tử (Deloitte, 2019).
Nói một cách cụ thể hơn, các nền tảng xây dựng kết cấu hạ tầng và hệ thống quy định vận hành để cấu trúc lõi có thể vận hành những tương tác có giá trị cho tất cả những người tham gia trong quá trình trao đổi hàng hóa, dịch vụ và tiền tệ.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của công nghệ, kết cấu hạ tầng ngày càng được thiết kế phức tạp, tạo ra những cách thức tương tác khác nhau của người sản xuất và tiêu dùng đồng thời cũng đòi hỏi một hệ thống quy định có tính cá thể hơn.
Các nền tảng không trực tiếp tham gia quá trình sản xuất sản phẩm, dịch vụ và vốn, tất cả đều phụ thuộc vào bên thứ ba. Đơn cử như việc Uber - ứng dụng gọi xe lớn nhất thế giới không sở hữu bất kì chiếc xe nào, Alibaba - nhà bán lẻ với doanh thu khổng lồ cũng không sở hữu hàng hóa trong kho.
Các nền tảng chỉ đóng vai trò cung cấp quyền tiếp cận đến các nguồn tài nguyên. Hay nói cách khác, các cơ hội được tiếp cận đến nguồn tài nguyên chính là sản phẩm đầu ra của nền tảng.
Vai trò không nhỏ
Kinh tế nền tảng là nhánh cơ bản của kinh tế số.
Theo Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), việc thực hiện cách mạng công nghệ 4.0 ở cả ba mức thấp, trung và cao có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tăng từ 28,5-62,1 tỷ USD, tương đương 7-16% GDP đến năm 2030.
Tương tự như vậy, Cameron và cộng sự dự báo, nếu kịch bản tốt nhất xảy ra, Việt Nam thực hiện chuyển đổi số rộng khắp trên các ngành và xuất khẩu các sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin, truyền thông (ICT), GDP có thể tăng thêm 3750 nghìn tỷ đồng trong 20 năm tới, tăng trưởng thêm 1,3% mỗi năm.
Trong đó, kinh tế nền tảng đóng vai trò không nhỏ.
Dù vậy, việc đánh giá tác động của kinh tế nền tảng số đến tăng trưởng kinh tế không hề đơn giản, bởi lẽ tiềm ẩn nhiều thành phần kinh tế phi chính thức, kinh tế ngầm tại các nền tảng số.
Sự tồn tại của các nền tảng kinh tế số là hoạt động tất yếu mà mỗi quốc gia đều trải qua trong “cuộc đua” của thời đại công nghiệp 4.0 và Việt Nam không nằm ngoài quy luật đó. Vậy nên, thay vì đặt câu hỏi điều chỉnh hay không điều chỉnh, Việt Nam nên tìm cách để điều hành các nền tảng kinh tế số một cách hiệu quả. |
Trên thị trường tài chính, tiền tệ có xu hướng chuyển sang hình thức kỹ thuật số thông qua các nền tảng. Các mô hình kinh doanh lớn trên thế giới như Paypal, MasterCard Labs, Visa… tạo ra cách thức mới trong việc thực hiện giao dịch thanh toán, đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam.
Các ngân hàng cũng không ngừng áp dụng và cải tiến các nền tảng số được tối ưu hoá riêng cho mình để tham gia cuộc đua số hoá.
Theo Vụ Thanh toán (thuộc Ngân hàng Nhà nước), đến cuối năm 2021, cả nước có trên 80 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua Internet và 44 tổ chức triển khai thanh toán qua điện thoại di động. Số liệu cho thấy, sự thâm nhập ngày càng sâu của các nền tảng số vào thị trường tài chính tiền tệ và dần thay đổi diện mạo, cách thức vận hành của thị trường này.
Các ngân hàng cũng không ngừng áp dụng và cải tiến các nền tảng số được tối ưu hoá riêng cho mình để tham gia cuộc đua số hoá. (Nguồn: Tạp chí Tài chính) |
Ảnh hưởng kinh tế nền tảng đến sức cạnh tranh của Việt Nam
Theo khung đánh giá năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 của Diễn đàn kinh tế thế giới, các trụ cột quyết định khả năng cạnh tranh bao gồm: Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, môi trường kinh doanh thuận lợi, thị trường và nguồn nhân lực.
Thứ nhất, kinh tế nền tảng là một bộ phận của nền kinh tế quốc gia. Do vậy, để tăng sức cạnh tranh cho Việt Nam, trước hết, tự thân các nền tảng phải trở nên cạnh tranh hơn. Chiến lược mà nhiều quốc gia đang sử dụng là tạo dựng hệ sinh thái nền tảng, ở đó sự hợp tác và đồng sáng tạo kết nối các nền tảng với nhau.
Tại Việt Nam, mỗi nền tảng đã bắt đầu xây dựng hệ sinh thái của mình nhằm tăng tính cạnh tranh về mặt thương hiệu, dẫn đầu là Zalo - ứng dụng nhắn tin và gọi điện miễn phí hoạt động trên di động và máy tính xuất hiện 2012, nay mở rộng Zalo Pay (thanh toán điện tử), Zalo Bank (kết nối người cho vay và người vay), Zalo Shop (hỗ trợ doanh nghiệp mở và quản lý cửa hàng online).
Thứ hai, sự phát triển của các nền tảng sẽ là động lực để các doanh nghiệp truyền thống gia tăng sức cạnh tranh và thúc đẩy nhà hoạch địch chính sách sớm ban hành những hành lang pháp lý thích hợp, cải cách thể chế. Sự xuất hiện của Grab tại Việt Nam là động lực khiến các hãng taxi truyền thống như Mai Linh, Vinasun… cố gắng duy trì giá ở mức ổn định, đối xử công bằng, minh bạch với khách hàng và nhà nước. Đồng thời áp dụng những công nghệ mới để tăng tính thuận tiện cho người dùng, mặt khác thúc đẩy nhà nước thực hiện mô hình thí điểm và cuối cùng là ra quy định quản lý hành chính.
Nếu chỉ bàn đến lợi ích của người dân, thì sự tồn tại của Be, Grab, Fast-go… vô cùng cần thiết để người dùng tiếp cận dịch vụ tốt với mức giá thấp hơn, cùng với đó môi trường kinh doanh cũng được thúc đẩy để năng động, cạnh tranh dưới một hệ thống luật pháp chặt chẽ hơn.
Bên cạnh các hoạt động giao dịch, các nền tảng cũng là nơi thích hợp để diễn ra các hoạt động, giáo dục, đào tạo, trao đổi kiến thức kĩ năng nhằm nâng cao chất lượng lao động. Một số nền tảng nổi bật trong lĩnh vực này của Việt Nam như Topica, Edumall, Kyna, Học mãi… cũng đang phát triển nhanh chóng.
Hiện tại, chưa có thống kê về số lao động làm việc trong các nền tảng tại Việt Nam. Tuy nhiên, ở một số nước khác con số này là không hề nhỏ.
Theo Tạp chí Foreign Policy của Mỹ, Trung Quốc có nền kinh tế nền tảng lớn nhất thế giới với hơn 110 triệu người, bao gồm cả tài xế, người trông giữ thú cưng, người dọn dẹp nhà cửa, người đưa thư… chiếm 15% tổng lực lượng lao động (so với 10% ở Mỹ và 4,4% ở Anh).
Có thể thấy, các nền tảng đóng vai trò nhất định trong giải quyết thất nghiệp và thiếu việc làm, thông qua đó cải thiện kĩ năng của những người lao động, giúp họ thích ứng với công nghệ hơn.
Các nền tảng kỹ thuật số như cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hệ sinh thái của các tác nhân xã hội sẽ tiếp tục thay đổi toàn bộ các ngành công nghiệp.
Tại Việt Nam, các nền tảng hoạt động trên nhiều lĩnh vực, thậm chí một số mô hình truyền thống chuyển đổi hoàn toàn sang nền tảng, bởi lẽ công nghệ là trợ thủ đắc lực giúp các công ty mở rộng thị trường với mức chi phí thấp.
Zalo được sử dụng tại các nước Việt Nam, Mỹ, Myanmar, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Malaysia, Arab Saudi, Angola, Sri Lanka, Czech, Nga, trong khi các nhà mạng cung ứng dịch vụ gọi điện, nhắn tin truyền thống như Viettel, Vinaphone, Mobiphone cần rất nhiều thời gian và chi phí để mở rộng hoạt động tại nước ngoài.
Mặc dù Việt Nam chưa thể đo lường được mức độ đóng góp của kinh tế nền tảng vào các chỉ số kinh tế vĩ mô, nhưng phải ghi nhận rằng sự vận động và phát triển không ngừng của các nền tảng tại thị trường nội địa tạo nên động lực cạnh tranh đáng kể.
Các nền tảng không chỉ nâng cao tính đổi mới, sáng tạo của thị trường mà còn hỗ trợ các mô hình truyền thống trong quá trình chuyển đổi số, nâng cao năng suất lao động, tính cạnh tranh.
Sự tồn tại của các nền tảng kinh tế số là hoạt động tất yếu mà mỗi quốc gia đều trải qua trong “cuộc đua” của thời đại công nghiệp 4.0 và Việt Nam không nằm ngoài quy luật đó. Vậy nên, thay vì đặt câu hỏi điều chỉnh hay không điều chỉnh, Việt Nam nên tìm cách để điều hành các nền tảng kinh tế số một cách hiệu quả.
| Lạm phát gây sốc, nền kinh tế Mỹ sẽ suy thoái? Người dân Mỹ đã trả giá cao hơn rất nhiều cho các loại hàng hóa trong tháng 6/2022, khi lạm phát tiếp tục kìm hãm ... |
| Đông Nam Á trước cơ hội và thách thức từ làn sóng công nghệ số Nền kinh tế kỹ thuật số của châu Á nói chung, Đông Nam Á nói riêng đã phát triển đáng kể trong những năm gần ... |