Tăng trưởng kinh tế Nhật Bản thấp hơn ước tính ban đầu. (Nguồn: Reuters) |
Dữ liệu Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) điều chỉnh vừa công bố cho thấy, chi tiêu vốn và tiêu dùng tư nhân đều giảm trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6. Điều này thể hiện tình trạng “mong manh” của nền kinh tế Nhật Bản.
Dữ liệu sửa đổi cho thấy, quý II/2023, nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng 4,8%, thấp hơn so với ước tính sơ bộ 6,0% và thấp hơn dự báo của thị trường (tăng 5,5%). Cùng thời điểm, tiêu dùng tư nhân, chiếm hơn một nửa nền kinh tế, đã giảm 0,6% so với quý trước.
Xuất khẩu hàng hóa của Nhật Bản sang Trung Quốc cũng ghi nhận giảm 13,4% trong tháng 7 - tháng giảm thứ 8 liên tiếp.
Trong nửa đầu tháng 8, xuất khẩu của Nhật Bản giảm 5,0% so với cùng kỳ năm trước sau khi đã giảm 0,3% trong tháng 7, cho thấy sự suy thoái toàn cầu đang gây thiệt hại cho nền kinh tế.
Takeshi Minami, nhà kinh tế trưởng tại viện nghiên cứu Norinchukin Research Institute cho rằng, xuất khẩu của Nhật Bản sang Trung Quốc yếu có thể khiến các nhà sản xuất Nhật Bản thận trọng khi đầu tư. Ông hy vọng các công ty thuộc lĩnh vực dịch vụ sẽ khắc phục tình trạng trì trệ, mặc dù tiêu dùng chậm chạp cũng có thể khiến họ không muốn đầu tư.
Nền kinh tế Nhật Bản phục hồi chậm sau đại dịch Covid-19 do chi phí sinh hoạt tăng làm cản trở nhu cầu toàn cầu, khiến triển vọng tăng trưởng của nước này bị lu mờ.
Trước những bất ổn như vậy, các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã quyết tâm giữ chính sách tiền tệ siêu lỏng để đối phó với lạm phát gia tăng.
Tỷ giá của đồng Yen trong ngày 7/9 đã rơi xuống mức thấp nhất từ đầu năm đến nay. Trong ngày, tỷ giá hối đoái giữa đồng yen và USD vào khoảng 147 Yen đổi được 1 USD.
Chuyên gia nhận thấy, đồng tiền này có nguy cơ về mức "đáy" của năm ngoái là 151,94 Yen đổi 1 USD.
Chính phủ Nhật Bản đã bắt đầu tăng cường can thiệp thông qua tuyên bố để ngỏ các dấu hiệu về khả năng sẽ can thiệp. Nhưng các chuyên gia cho rằng, sự yếu kém hiện tại của đồng Yen phản ánh chênh lệch lãi suất giữa Nhật Bản và các thị trường khác. Do đó, sẽ khó ngăn chặn tình trạng mất giá của đồng yen trong thời gian tới.
Một yếu tố thúc đẩy việc bán đồng nội tệ Nhật Bản là khoảng cách lãi suất ngày càng lớn giữa Nhật Bản với thị trường nước ngoài.
Chỉ số quản lý mua hàng phi sản xuất của Mỹ trong tháng 8 - do Viện Quản lý Cung ứng công bố - cho thấy, chỉ số này đã vượt xa ước tính của thị trường. Điều này đã sẽ là cơ sở có khả năng thúc đẩy Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, tạo động lực cho động thái bán tháo Yen để mua đồng USD.